Kinh tếMôi trường rừng

Chuyện về chiếc cối xay thóc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

00:00 - Thứ Sáu, 08/05/2015 Lượt xem: 1544 In bài viết
ĐBP - Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp, tiếp tế lương thực được coi là vấn đề khó khăn nhất. Trong điều kiện tiền tuyến của ta cách xa hậu phương gần 500km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá hư hỏng, nhưng ta phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng, liên tục, thời gian gấp rút. Đặc biệt, việc tiếp tế phải được giữ bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh bị địch phát hiện và đánh phá.

Với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, hàng vạn dân công từ các làng quê đã được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra mặt trận. Không có súng thì không đánh được giặc, mà không có gạo không cầm được súng. Nhân dân ta đã đóng góp được hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Gạo được từ hậu phương đưa lên, đường tiếp tế xa xôi, máy bay địch ngày đêm bắn phá, thả bom chặn các tuyến đường vào Điện Biện. Dân công ta ngày đêm đi liên tục, để vận chuyển được một ki lô gam gạo đến mặt trận thì ăn hết 15 kg, mặt khác ta còn phải dành nhân lực vận chuyển vũ khí, đạn dược. Để khắc phục những khó khăn trong công tác hậu cần, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương huy động nguồn lương thực tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, kết hợp với chiến lợi phẩm thu được của địch. Giành giật với địch số lúa ở cánh đồng Mường Thanh, bảo vệ vùng Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy là những vựa lúa của Tây Bắc không cho địch chiếm đốt.

Hướng dẫn viên giới thiệu hiện vật cối xay thóc trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bộ chỉ huy mặt trận xác định gạo, rau, cá thứ gì địa phương có thì cần khai thác cung cấp ngay tại chỗ. Đây chính là lợi thế của ta so với địch, vì từ cái tăm, ụm nước đến cái ăn, cái mặc địch cũng phải đưa bằng máy bay từ Hà Nội lên. Lúc thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, đúng vào thời điểm nông dân đang thu hoạch mùa vụ.

Khi đó lúa gặt xong còn đánh đống ở ngoài đồng, chưa kịp mang về thì địch đã nhảy dù chiếm đóng. Nhiều đống lúa gần các cứ điểm địch đã bị chúng tưới xăng đốt hoặc cho xe tăng quần nát. Chỗ xa chúng cho máy bay thả bom. Bà con nghĩ ra cách giao tất cả nương, rẫy lúa cho các đơn vị bộ đội tự thu hoạch để kịp làm gạo nuôi quân, rồi sau ghi sổ báo lại. Một phần số lúa thu được sẽ đưa lại cho đồng bào tản cư ở khe núi sử dụng, còn phần lớn bộ đội dùng và sẽ thanh toán bằng tiền mặt hoặc gạo sau này cho bà con.

Tuy nhiên, một số vấn đề nảy sinh, do đồng bào dân tộc địa phương chỉ biết dùng cối nước hay chày tay để làm gạo, vừa chậm lại không kịp thời. Lúc này, Bộ chỉ huy mặt trận yêu cầu các đơn vị xem xét cán bộ, chiến sỹ ai biết đóng cối, khẩn trương đóng một loại cối xay thóc giống như đồng bào miền xuôi hay dùng. Tổ đóng cối nhanh chóng được tuyển mộ từ các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công từ hậu phương lên. Cũng trong lúc này hàng trăm thợ đóng cối ở dưới xuôi, đặc biệt ở Thái Bình, Nam Định được huy động lên Điện Biên cùng với các “phó cối” ở các đơn vị biên chế thành nhiều bộ phận như những công xưởng đóng cối. Cối được đóng từ vật liệu chính là tre rừng, các tổ nhanh chóng vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, chẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần...

Trong các tổ, nhiều đồng chí biết đóng cối nhưng tay nghề chưa cao, lúc đầu mới chỉ đóng được loại cối cỡ nhỏ dùng trong nhà. Sau nhiều lần đóng thử, các “phó cối” ở các đơn vị phối hợp với các “phó cối” hậu phương rút kinh nghiệm, dần đóng được cối cỡ lớn xay được 10kg thóc. Cối quay tít vù, vừa nhẹ, vừa nhanh, gạo ra trắng đều không nát. Kỹ thuật đóng cối lớn được phổ biến đến các đơn vị cùng nhau đóng cối xay thóc phục cho chiến dịch. Chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm chiếc cối xay thóc đã được cung cấp cho các kho, các công trường. Cách làm này đạt hiệu quả rất cao, là giải pháp bảo đảm lương thực hết sức độc đáo mà quân đội Pháp không ngờ tới. Những chiếc cối xay thóc bình dị đã góp phần làm nên sức mạnh để chiến thắng quân thù. Đây là nét độc đáo và được coi là kỳ tích của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong các xưởng chế biến xay xát thóc, nhiều cán bộ, chiến sỹ, dân công  vừa làm việc vừa ca hát nhộn nhịp. Nhiều câu ca, câu hò được mọi người vận dụng: “Nhanh tay lên chị em ơi. Thêm một cân gạo diệt một đời thằng Tây”, hay “Ra đi chỉ một lời thề, Điện Biên còn giặc chưa về quê hương”.

Không ít gia đình đồng bào Thái ở những bản làng lân cận mới tản cư vào gần khu vực bộ đội ta đóng quân, khi nghe tin bộ đội đóng được cối, xay được nhiều thóc đã tìm đến xem và nhờ  chỉ dạy. Các tổ đóng cối còn tranh thủ đóng thêm nhiều cối xay nữa để đã tặng đồng bào và hướng dẫn bà con cách làm, cách sử dụng cối. Từ đó bà con dân bản truyền dạy cho nhau kỹ thuật đóng cối xay được nhiều thóc. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ không những giỏi đánh Tây mà còn giỏi kỹ thuật, giúp bà con đỡ vất vả hơn trong giã gạo, cải thiện cuộc sống, xóa bỏ những tập tục lạc hậu.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp một lượng lớn lương thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực toàn chiến dịch. Nhờ có cối xay mà gạo ăn ở mặt trận đã được cung cấp kịp thời, giải quyết được những khó khăn về cung cấp lương thực góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nguyễn Thúy
Bình luận
Back To Top