Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8

17:09 - Thứ Năm, 15/07/2021 Lượt xem: 1660 In bài viết

ĐBP - Ngày 14/7, UBND tỉnh có Công điện số: 04/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm (CGC) A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Mặc dù từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xảy ra dịch bệnh CGC, song nguy cơ bệnh CGC A/H5N8 xâm nhập vào địa bàn trong thời gian tới là rất cao, vì các lý do: Vi rút CGC A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta; là tỉnh có đường biên giới dài; việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao trong khi chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm trên 95%); việc áp dụng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi…

Để chủ động ngăn chặn vi rút CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa quan xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định.

Chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC cần tổ chức lấy mẫu, gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu huỷ đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng hoá chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh ở ngoài môi trường; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương (Công an, Quản lý thị trường) phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y và UBND cấp xã tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn cấp huyện theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm (nếu có), không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh và báo cáo kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh động vật về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh cúm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều tra, xử lý ổ dịch.

UBND tỉnh cũng đề nghị các đoàn thể tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống bệnh CGC và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả.

Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh cúm gia cầm, sự nguy hiểm của bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đ.T (bs)
Bình luận
Back To Top