Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam

00:00 - Thứ Ba, 06/01/2015 Lượt xem: 930 In bài viết
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} Trong hai ngày 5 và 6-1, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 120 học giả trong nước và quốc tế, các nhà quản lý ngành văn hóa tham dự hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam". Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Giá trị văn hóa biển, đảo góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tại hội thảo có 60 tham luận được trình bày theo 4 tiểu ban nhằm chuyển tải nội dung theo các chủ đề; trong đó có 13 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Canada, Đài Loan… Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Là một quốc gia tiếp giáp với biển, để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển trong những điều kiện đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang đầu tư cho việc nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo.

Theo PGS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, các nền văn hóa biển tiền sử Việt Nam là nguồn sử liệu vật thật, minh chứng cho bước chuyển từ thời đại đá sang thời đại kim khí, từ tiền sử đến lịch sử, từ nguyên thủy đến văn minh. Với tiêu đề "Thích ứng với biển của người Việt - Nhìn từ khía cạnh sinh kế và tín ngưỡng thờ thần Biển của cư dân ven biển", PGS.TS Trần Thị An (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng người Việt đã sớm thích nghi với môi trường biển từ việc khai thác đến sử dụng và chiếm lĩnh không gian biển, từ đó tạo nên không gian văn hóa rất đa dạng và đặc trưng của cộng đồng ven biển.

Cũng tại hội thảo, nhiều học giả trong nước giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa biển, đảo của các vùng, miền, địa phương của đất nước Việt Nam, như: "Văn hóa cửa biển, cửa sông Tây Nam bộ" của TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; "Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc" của TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; "Văn hóa biển, đảo Khánh Hòa" của tác giả Lê Văn Hoa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa…

Tham luận của các học giả quốc tế trình bày tại hội thảo đã mang đến những kinh nghiệm cho Việt Nam về các vấn đề thực tiễn nhằm vận dụng, khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo vào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nhiều học giả đến từ Hàn Quốc, Đan Mạch đã có các nghiên cứu sâu về văn hóa của vùng đảo Cát Bà, Vịnh Hạ Long, đảo Lý Sơn của Việt Nam. Hội thảo cũng đã đánh giá các giá trị văn hóa biển, đảo góp phần vào bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và công tác hoạch định phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế sâu rộng. 

Cần bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch biển, đảo theo hướng bền vững.

 

GS.TS Ngô Đức Thịnh (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia):Cần có tri thức văn hóa về biển

Tôi cho rằng văn hóa biển được hiểu là hệ thống tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị rút ra từ những hoạt động sống của con người trong môi trường ấy, cùng với đó là cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương tích với môi trường biển.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu tư liệu về các dạng thuyền ven biển nước ta và sản lượng đánh bắt cá của nhiều địa phương ven biển, bước đầu tôi có thể kết luận người Việt có truyền thống văn hóa biển cận duyên. Nhân tố cơ bản cấu thành văn hóa biển cận duyên chính là cộng đồng ngư dân và các hình thức tổ chức xã hội với tư cách là chủ thể văn hóa biển; hệ thống tri thức bản địa; hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục. Đặc trưng cơ bản của truyền thống biển cận duyên là sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt hải sản. Nói cách khác, việc khai thác hải sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, nó đáp ứng nhu cầu tự cấp, tự túc mang tính địa phương của người nông dân. Điều đó giải thích vì sao Việt Nam vẫn chưa thể giàu trong khi có "biển bạc, rừng vàng"…

Để tạo nên một cuộc cách mạng, chúng ta cần vốn, thiết bị, kỹ thuật và quan trọng hơn là văn hóa biển - đại dương. Để có kỹ thuật, vốn có thể chúng ta không mất nhiều thời gian, nhưng để có tri thức về biển chúng ta phải mất hàng thế hệ. Đáng tiếc là chúng ta thường chú ý đến vốn và kỹ thuật nhiều hơn, chưa quan tâm đầy đủ đến việc "bồi bổ" để hình thành văn hóa biển Việt Nam thực sự. Nói rộng ra, chúng ta muốn bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, trước hết chúng ta cần có tri thức văn hóa về biển.


PGS.TS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia): Khai thác tài nguyên du lịch ven biển theo hướng bền vững

Văn hóa biển Việt Nam phần nào được nhận diện qua kho tàng di tích và danh lam thắng cảnh dày đặc tại các khu vực ven biển, hải đảo. Tính chung, các tỉnh, thành phố ven biển có hơn 1.000 di tích, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia, trong đó có cả di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Hệ thống di tích, danh thắng kết hợp với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang trở thành nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn. Mặc dù vậy, hệ thống di tích và danh thắng ven biển, hải đảo Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những tác động xấu từ thiên nhiên, nếu thiếu giải pháp phòng tránh, ngăn chặn thì nguồn tài nguyên quý giá này sẽ đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất.

Tôi mong muốn các ngành chức năng quan tâm đến việc phối hợp quản lý, bảo vệ, khai thác các tài nguyên du lịch ven biển theo hướng bền vững; bảo vệ môi trường biển; từng bước xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng biển và dải ven biển tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… sao cho phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, lịch sử, xã hội - nhân văn cùng những đặc trưng văn hóa của cư dân các địa phương.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế): Giữ gìn nguyên vẹn lễ hội cầu ngư

Nói đến văn hóa biển thì không thể bỏ qua hệ di sản phi vật thể gắn liền với đời sống cư dân ven biển. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát ở các tỉnh miền Trung, tôi thấy rằng tục thờ cá voi, lễ hội cầu ngư là một trong những nét văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển. Đối với người dân miền Trung, cá voi không chỉ là một vị thần biển, mà còn là vị thần bảo hộ cho cộng đồng, có sự liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh hay an nguy của cộng đồng. Lễ hội cầu ngư là lễ hội lớn nhất trong năm của nhiều làng ven biển, chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, nhân văn, là thời điểm để ngư dân tạo sự cân bằng trong đời sống tinh thần. Tiếc rằng, lễ hội này đang có sự biến đổi mạnh mẽ bởi sự tác động của nhiều yếu tố. Khi tổ chức phải tuân theo kịch bản, nặng phần lễ, thiếu phần hội, khiến cho những yếu tố đặc sắc của lễ hội cầu ngư truyền thống chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt, gây tiếc nuối trong cộng đồng.
 

Lễ hội này cần được giữ gìn nguyên vẹn và phát huy một cách hợp lý trong xã hội đương đại thông qua việc điều tra, sưu tầm, phục hồi những giá trị đã mất, tạo điều kiện cho người dân thể hiện vai trò chủ thể của lễ hội…

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top