“Sứ mệnh” hạt gạo Mường Thanh

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1053 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Nổi tiếng với quần thể di tích của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên còn được biết đến bởi có cánh đồng “Nhất Thanh” ở cực tây Tổ quốc. Hạt gạo Mường Thanh nức tiếng dẻo thơm.

Cánh đồng “nhất Thanh” với mức thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/năm.

Lúa gạo Mường Thanh gắn bó với cuộc sống của các tộc người ở nơi đây. Từ buổi hồng hoang có Ải Lậc Cậc đã biến rừng hoang thành ruộng lúa nước, đất cằn có mương phai; đến thời kỳ chiến trận liên miên và xây dựng quê hương, cây lúa Mường Trời, hạt gạo Mường Thanh vẫn luôn hiển hiện, gắn bó, nuôi dưỡng người Mường Thanh. Từ cây lúa trời, lúa rẫy, lúa nước đến lúa chất lượng cao; từ cây lúa một vụ giờ thành hai vụ và nay là chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh và bạt ngàn đồng đất Điện Biên. Trước chỉ để phục vụ người Điện Biên, nay gạo Mường Thanh đã theo người đi khắp muôn phương. Lúa gạo Mường Thanh góp phần tạo thêm kỳ tích cho Điện Biên trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ đói ăn triền miên thì nay người Điện Biên đã đủ ăn đủ mặc, gạo làm ra hướng tới đồng thời hai mục tiêu là chất lượng cao và giá thành cao, để người người ngắm nhìn hạt gạo xứ Mường Trời như ngắm nhìn thành quả “năm nắng mười mưa” của người nông dân bằng tất cả sự ngưỡng mộ và tin yêu.

Năm 2014 đi qua, ghi thêm kỳ tích cho hạt gạo và người làm ra lúa gạo trên mảnh đất Điện Biên, không chỉ bằng cột sản lượng hơn 170 nghìn tấn, mà còn khẳng định tinh thần “vượt lên gian khó” của nông dân Điện Biên. Ai cũng biết và biết rất rõ, năm qua là năm thời tiết “đỏng đảnh”, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, đặc biệt là thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 2 đã khiến cho nhiều nông dân lâm cảnh “trắng tay”. Rét đậm rét hại đầu vụ đông xuân làm ảnh hưởng hàng trăm héc – ta lúa phải gieo cấy lại; đến tháng 3, tháng 4 lại mưa đá gió lốc. Có những nơi mạ mới vừa bén rễ đã ngập chìm trong bùn đất và cũng có những thửa ruộng lúa làm đòng lại dày đặc bọ xít đen. Song bằng vào kinh nghiệm vượt khó của người nông dân ở đất “Mường Trời” và sự hỗ trợ trách nhiệm của cán bộ khuyến nông các cấp đã hòa hợp với nhau như chủ trương “ý Đảng lòng dân”, lúa Điện Biên đã lên xanh trở lại. Trên những khoảnh ruộng bùn đá trải lên, người nông dân lại khom mình cúi xuống, lại cần mẫn cuốc xới cày bừa với niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Mưa lũ thế và dịch bệnh là thế cũng chẳng đủ làm nản lòng người nông dân mà trái lại, nông dân Điện Biên như càng tự tin hơn ở khả năng ứng phó trước thiên tai khó lường, để họ tập dượt bước đầu trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.

Một nắng hai sương.

Hạt gạo Mường Thanh và chủ nhân “một nắng hai sương” của nó đã vượt qua bao gian khó nhưng vẫn còn đó những gian khó khác là thách thức vượt lên nghèo khó, tụt hậu... đang hiển hiện hôm nay. Đằng sau “tiếng thơm” của hạt gạo Mường Thanh là nỗi lo canh cánh của người nông dân vẫn đêm đêm trông trời cho những ước mong. Bởi trong hạt gạo bị “cắn chia” làm tám, phần lợi của người nông dân chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Làm sao để nông dân Điện Biên có thể làm giàu bằng nghề trồng lúa, để có nhiều hơn những “ông chủ nông dân” trên mỗi cánh đồng? Làm sao để hạt gạo Mường Thanh theo mỗi bước người đi muôn phương không bị mang tiếng “gạo pha” hay “gạo trộn”? Làm sao để người người tin dùng với lựa chọn gạo Mường Thanh...? Đáp án cho những câu hỏi này là điều không khó, nhưng rất cần sự hợp sức trách nhiệm hơn. Với người nông dân thì cần thiết “chuyển đổi tận gốc” từ tư duy làm “bát cơm đầy” sang tư duy làm ra “bát cơm ngon”. Và hơn ai hết, người nông dân Điện Biên cần nhớ, độ dẻo thơm mới là đặc trưng của hạt gạo Mường Thanh. Trên thị trường, hạt gạo Mường Thanh lại rất cần người có tấm lòng chân thực, không vì lợi nhuận mà đang tay làm thêm một công đoạn pha trộn cho gạo Mường Thanh.

Còn riêng tôi dù chẳng làm gì để gạo Mường Thanh thêm trắng thêm thơm thì lòng tôi vẫn những mong, người và người hãy nâng niu hạt gạo Mường Thanh như nâng niu thành quả lao động của chính mình, để cảm nhận, để chia sẻ nhiều hơn với khó nhọc của người nông dân. Với người nông dân, hạt gạo không đơn thuần là hạt gạo, là bát cơm trong bữa sum vầy, mà thiêng liêng hơn cả là ước mong đưa “tiếng thơm” hạt gạo Mường Thanh ngày càng bay cao bay xa, đem theo ước mơ làm chủ và hội nhập, để người nông dân Điện Biên ngày càng tự hào được làm người Điện Biên hôm nay.

Khánh Chi
Bình luận
Back To Top