PHỤC DỰNG LỄ HỘI DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Đích hướng tới là sự cầu toàn

00:00 - Chủ Nhật, 18/01/2015 Lượt xem: 1039 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Văn hoá Việt Nam, suy cho cùng, đó là sự kết tinh bởi các nền văn hoá riêng lẻ trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Từ xa xưa, các dân tộc thiểu số luôn có ý thức hình thành và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Tuy nhiên, do trình độ dân trí còn ít nhiều hạn chế cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, trong quá trình giao lưu và tiếp biến, có những giá trị văn hoá đã và đang bị mai một hoặc lai căng, biến dạng...

Như mọi người đều biết, văn hoá bao gồm một phạm vi rất rộng, đó là ngôn ngữ, các loại nhạc cụ, các mẫu tự cổ, trang phục truyền thống, các điệu múa, các món ẩm thực, kiến trúc nhà cửa, các truyền thuyết, phong tục cưới xin, ma chay, sinh đẻ, kiêng kị, cả những dụng cụ dùng trong sản xuất và sinh hoạt, vũ khí phòng vệ hoặc săn bắn... Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin đề cập một chút về loại hình văn hoá lễ hội. Trước hết, xin nhắc lại một khái niệm đại cương về lễ hội mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra: “Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Lễ hội phản ánh những tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt trong đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội, trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được trau dồi”.

Lễ té nước cầu mưa (Bun hốt nậm) của dân tộc Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Theo một thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cả nước có gần 8.000 lễ hội các loại. Trong đó, có 7.039 lễ hội tín ngưỡng dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và hơn 40 lễ hội khác tạm thời chưa xác định loại hình. Vấn đề tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội, đương nhiên sẽ có tác dụng kích thích ngành du lịch phát triển, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, lễ hội còn góp phần tích cực trong việc tăng cường giao lưu, sự hiểu biết giữa từng cá thể trong cộng đồng, giữa dân tộc này với dân tộc kia, địa phương này với địa phương kia; rộng ra nữa, giữa nền văn hoá của đất nước này với đất nước kia. Với tỉnh ta, mấy năm qua thật mừng là đã có một số lễ hội được nghiên cứu và phục dựng ở nơi này nơi khác (hoặc ở một vài dân tộc thiểu số tuy chưa nhiều). Đương nhiên, những nỗ lực của các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương là rất đáng trân trọng và cần được phát huy nhiều hơn nữa.

Tuy vậy, cũng như tình hình chung xảy ra đối với nhiều nơi trong cả nước, việc phục dựng lễ hội ở ta đang bộc lộ một số vấn đề về loại hình và cách thức tổ chức, cả về mặt thời gian lẫn địa điểm. Hầu hết chỉ chú trọng phần hội mà xem nhẹ phần lễ, nên cố nhiên không phát huy được những giá trị văn hoá đặc trưng của từng vùng miền, từng dân tộc. Một số công trình được thực hiện chủ yếu dựa vào dự án của Nhà nước hoặc các nguồn tài trợ nước ngoài, cốt sao triển khai (thực hiện) xong là... xong. Nhìn chung nhiều lễ hội na ná nhau và đặc biệt dập khuôn đến mức cũ kỹ là ở phần hội với các trò chơi: Kéo co, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đá cầu lông và kết thúc thường là trình diễn các món ẩm thực...

Có lần xem phóng sự ảnh “Bun Vốc Nặm của người Lào” trên Tạp chí “Văn nghệ Lai Châu” (số 11+12/2008), tôi hết sức ngạc nhiên trước thông tin: “được tổ chức vào tháng 6 theo lịch người Lào, vào khoảng tháng 10 âm lịch”. Theo chỗ tôi biết, trên thực tế cũng như qua các công trình nghiên cứu về dân tộc Lào đã được công bố, thì dân tộc Lào sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên vấn đề khô hanh, hạn hán là một trong những nỗi lo lớn của họ về hiệu quả mùa màng. Tiết tháng ba hàng năm (tức tháng 2 âm lịch) khí hậu vùng Tây Bắc khắc nghiệt, đó là những tháng cao điểm của mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, nắng nóng kéo dài. Thời điểm này lại có gió phơn (gió Lào) mang hơi nóng như rang khô vạn vật, làm tăng nhanh quá trình bốc hơi nước từ các hồ ao, sông suối nơi dự trữ nguồn nước tưới. Đây chính là lúc dân tộc Lào tổ chức lễ cầu mưa để chuẩn bị cho một mùa nương mới, có tên là Bun hốt nậm (xin nhắc lại là Bun hốt nậm chứ không phải là Bun Vốc Nặm).

Theo phong tục, từ sáng sớm những người tham gia lễ Bun hốt nậm phải nhịn suông cho lòng chay tịnh, thanh tâm và chỉ như thế thì điều cầu xin mới linh nghiệm (đó chính là tín ngưỡng “ăn chay niệm Phật” của tộc người thờ Đạo phật nói chung). Họ cùng nhau lặn lội tìm đến đầu nguồn nước, dọc đường họ cố tình đi qua các bản, một nhóm phụ nữ “xin ăn” từ những chủ hộ làm ăn phát đạt năm trước. Ngầm hiểu, đó chính là cách các hộ “truyền đạt” kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thành quả lao động và cao hơn hết là chia sẻ phúc lộc cho người khác. Mỗi gia đình có 1 hoặc 2 người tham gia lễ Bun hốt nậm, trừ trưởng bản để cầm trịch còn tất cả đều là phụ nữ (trước kia, người cầm trịch là một Chẩu hua, giống như vị Mo nương của dân tộc Thái).

Một nhóm khác mang theo lồng gà, buộc vào một đòn tre cho 2 người trẻ khỏe nhất khiêng đi. Tới chân cầu thang của những gia đình kinh tế khá giả, cả nhóm dừng lại sửa sang trang phục và đồng thanh gọi tên chủ hộ. Lúc chủ hộ mang xôi, bánh chưng để dành từ tết (lưu ý, đây chính là chi tiết về thời điểm tổ chức của lễ Bun hốt nậm) xuống cầu thang, một người thay mặt cho nhóm đón nhận và cúi chào theo phong tục. Chủ hộ đã chuẩn bị sẵn chậu nước lấy từ đầu nguồn, té ào ào xuống đám người đang đứng dưới chân cầu thang. Đồng bào quan niệm nước bắn càng mạnh, càng rộng, người nào càng ướt nhiều thì càng nhiều may mắn.

“Xin ăn” qua vài ba nhà như vậy, đoàn người tiếp tục leo lên đầu nguồn nước chỗ có những tảng đá to đang cạn trơ tận đáy, đó là địa điểm được chọn làm nơi diễn ra lễ Bun hốt nậm. Chỉ những thanh nữ chưa chồng mới có vinh dự được chọn làm người té nước trước tiên. Nước té càng dữ dội, các bà các cô ướt càng nhiều thì đó là “dấu hiệu” trời “sắp mưa”, ai cũng tin nhất định mùa màng năm nay sẽ sai bông trĩu quả. Đêm ấy, già trẻ gái trai trong bản cùng đốt lửa và múa Lăm vông tại nhà trưởng bản (hoặc nhà văn hoá bản), ai cũng thầm mong cho sấm mau truyền và mưa nhanh rơi... Tỉnh Điện Biên có một số bản dân tộc Lào thuộc xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông), xã Núa Ngam và Pa Thơm (huyện Điện Biên); hàng năm cứ vào tầm tháng 3 dương lịch, bà con người Lào ở đây đều tổ chức lễ Bun hốt nậm.

Công bằng mà nói, trong hoàn cảnh hiện nay, việc chúng ta tổ chức được một số cuộc phục dựng lễ hội đã là điều rất đáng hoan nghênh. Cho dù trong bước thử nghiệm, có thể có những sơ suất, nhầm lẫn ngoài ý muốn cũng là lẽ thường tình, nếu xét trên nhiều góc độ. Vấn đề ở chỗ đích hướng tới là sự cầu toàn, chính xác, bài bản và trung thực; không làm sai lệch các giá trị nguyên mẫu tự thân, nhất là không làm thay đổi niềm tin tín ngưỡng. Muốn vậy, trước khi tổ chức cần cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tránh sự chủ quan, áp đặt và nếu cần thiết phải tham khảo ý kiến các chuyên gia, kể cả các cụ già của chính dân tộc ấy.

Nên chăng, mỗi lễ hội cần xây dựng một kịch bản tương ứng, có chủ đề rõ ràng và nên nhờ các nhà chuyên môn góp ý, chỉnh sửa? Trong khi nguồn kinh phí chưa thật dồi dào, cần tính toán bảo tồn có chọn lọc, lược bớt các yếu tố lỗi thời, mạnh dạn bổ sung các tiêu chí cho phù hợp với xu thế mới và nhận thức mới. Phải tuyệt đối đề cao tính truyền thống, độc đáo và đặc trưng của mỗi loại hình; hết sức tránh tâm lý đại khái, chiếu lệ, đánh đồng. Thực tế chỉ ra rằng có tiền thôi chưa đủ, có quyết tâm thôi cũng vẫn chưa đủ, mà trên hết, đó là năng lực thực hành và động cơ nhập cuộc của chúng ta!

T.P Điện Biên Phủ, 01/2015

Thu Loan
Bình luận
Back To Top