Chuyện từ dấu cũ thành xưa

00:00 - Thứ Sáu, 30/01/2015 Lượt xem: 2017 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, nhằm thẳng hướng Bắc, đi qua xã Sính Phình, chúng tôi đến Tả Phìn - nơi có công trình kiến trúc thành Vàng Lồng độc đáo. Trong lớp sương phủ dày đặc sáng sớm ngày cuối năm, Tả Phìn càng lạnh hơn.

Đón chúng tôi ngay đầu đoạn đường dẫn đến xã, anh Hạng A Dơ, cán bộ văn hóa xã Tả Phìn chỉ tay về phía dãy đá trải dài và giới thiệu: Ai đi ngang qua Tả Phìn, Tả Sìn Thàng hay Sín Chải đều dừng chân ở đây để chiêm ngưỡng công trình độc đáo này. Thành Vàng Lồng được xây dựng theo kiểu vòng tròn, với chu vi hơn 400m. Cửa chính nằm ở phía Bắc chạy dài đến ngã ba xã Tả Phìn, cửa phụ ở phía Đông giáp xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Thành có chiều cao trung bình từ 2 - 3m, mặt thành rộng chừng 1m và được sắp xếp tỉ mỉ bằng nhiều phiến đá có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Phiến đá to được xếp phía dưới cùng và những phiến đá nhỏ xếp dần lên đến mặt thành, tạo thành mặt phẳng. Công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo này đã được công nhận di tích cấp tỉnh.

Thành Vàng Lồng trên cao nguyên đá Tả Phìn.

Đứng giữa lòng thành, nhìn những phiến đá in dấu thời gian, anh Dơ cho hay: Người biết và am hiểu sự tích của thành giờ chỉ còn vài cụ mà thôi. Nói rồi anh Dơ đưa chúng tôi đến gặp ông Giàng A Thinh, thôn Tả Phìn 1 - một trong những người cao tuổi biết về sự tích của thành Vàng Lồng. Ông Giàng A Thinh cho biết: Thành Vàng Lồng có nhiều sự tích, nhưng chỉ có tích truyện gắn với Vàng Chống Cáng mới được người dân truyền lại. Điều này cũng đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi chép rất chi tiết và tỉ mỉ. Cụ Giàng A Thinh chậm rãi kể: Vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nơi thành Vàng Lồng ngày nay có người tên Vàng Chống Cáng sống nhưng mẹ ông ốm nặng rồi qua đời. Để tạ ơn sinh thành, dưỡng dục và xin được phù hộ để làm ăn thuận lợi, ông đã thuê thầy phong thủy xem vị trí đắc địa an táng. Trước khi xem, thầy có hỏi Vàng Chống Cáng: Nếu xem được đất tốt, ông trở nên giàu có, tôi thì bị mù lòa, Vàng Chống Cáng có nuôi thầy được không. Nghe vậy Vàng Chống Cáng liền nhận lời thầy phong thủy. Quả nhiên, thầy phong thủy bị mù còn Vàng Chống Cáng trở nên giàu có rồi xưng vua. Tiền của nhiều nên lo sợ bị mất, Chống Cáng thuê người xây thành, bảo vệ tài sản. Thế nhưng Vàng Chống Cáng lại trả công thợ xây thành bằng một cục bạc to bên trong đổ toàn đồng, đám thợ xây thành về xẻ ra để chia nhau, thấy bên trong toàn đồng, biết là bị lừa nên đã tìm cách trả thù. Ở nhà Vàng Chống Cáng, thầy phong thủy bị đối xử tệ bạc nên đã viết thư tìm người giải cứu. Nhận được thư, sư phụ của thầy phong thủy đóng giả thương gia biết xem phong thủy tìm cách tiếp cận Vàng Chống Cáng. Khi tiếp cận được rồi thì sư phụ thầy phong thủy xui Vàng Chống Cáng đào mộ mẹ lên khiêng đi chôn chỗ mới tốt hơn. Tin lời thương gia, Vàng Chống Cáng tự ý chuyển mộ mẹ nên không được phù hộ nữa, làm ăn ngày càng thua lỗ. Nhân lúc này, đám thợ xây thành đã giết Vàng Chống Cáng. Từ đó, gia đình của Vàng Chống Cáng tan rã, không ai lên làm vua nữa…

Gia đình Vàng Chống Cáng tuy không còn nhưng dấu tích về một thời thịnh vượng vẫn còn lưu giữ qua di tích thành Vàng Lồng. Đến nay, dù trải qua nhiều đổi thay nhưng trong cộng đồng dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá vẫn còn lưu truyền câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Trước tác động của thiên nhiên và ý thức người dân vùng lân cận, thành đang dần bị mai một. Nhận thức rõ những giá trị văn hóa, lịch sử cần lưu truyền, không chỉ ông Giàng A Thinh mà nhiều người cao tuổi khác vẫn kể lại cho con cháu nghe sự tích xa xưa ấy để khuyên răn, dạy dỗ cách sống, đối nhân xử thế. Đồng thời, giáo dục con cháu cần biết giữ gìn và bảo vệ công trình kiến trúc độc đáo này.

Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top