Giữ “lửa” cho mai sau

00:00 - Thứ Ba, 03/02/2015 Lượt xem: 1138 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Chiếc ba lô vải, áo trấn thủ, dép cao su, bi đông đựng nước... chỉ là những vật dụng hàng ngày rất thân thuộc với người chiến sỹ trong chiến dịch hơn 60 năm trước nhưng giờ là những kỷ vật vô giá, vừa có giá trị lịch sử vừa mang ý nghĩa tinh thần. Truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc được gửi lại thế hệ sau từ chính những hiện vật, kỷ vật ấy.

Du khách tham quan, tìm hiểu ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: HỮU NỀN

Hiến tặng hiện vật, kỷ vật, tài liệu liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc phát động được tỉnh Điện Biên phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Báo Quân đội Nhân dân tổ chức. Cuộc phát động được tổ chức từ 1 năm trước ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với mong muốn, những kỷ vật hiến tặng sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu trong dịp đại lễ. Đây là hoạt động thiết thực, tôn vinh đúng tầm ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử "chấn động địa cầu", tri ân những thành tích, sự cống hiến và hy sinh của những con người làm nên chiến thắng.

Được phát động ngày 13/6/2013 và đến ngày ghi danh các tổ chức, cá nhân hiến tặng kỷ vật vào 18/4/2014, Ban tổ chức đã tiếp nhận 203 hiện vật, kỷ vật, tư liệu, tài liệu được 40 tổ chức và cá nhân hiến tặng. Những kỷ vật đó chủ yếu của các cựu chiến binh, thân nhân chiến sỹ Điện Biên năm xưa được gìn giữ, trân trọng nay trao lại. Tuy chỉ là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các chiến sỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng mỗi kỷ vật, hiện vật ấy đều có thể "kể" cho chúng ta những câu chuyện, những thời khắc cam go trong chiến đấu. Chiếc Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên của Đại tá Hoàng Đăng Vinh - người tham gia bắt sống tướng Đờ-cát vào chiều 7/5/1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng ngày 19/5/1955, đã được ông hiến tặng Bảo tàng. Chiếc huy hiệu ấy là kỷ vật quý giá, luôn được ông trân trọng gìn giữ và chưa bao giờ rời xa. Con dao đa năng thu của tướng Đờ-cát đúng chiều 7/5 được bác Nguyễn Dũng Chi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 vẫn luôn giữ như một kỷ niệm thiêng liêng cũng được hiến tặng trong đợt này. Chiếc bi đông đựng nước chiến sỹ chuyền nhau sẻ chia từng giọt nước dưới chiến hào hay chiếc áo trấn thủ nhường nhau đêm mưa rét... rất nhiều kỷ vật là những vật dụng thân thuộc hàng ngày nhưng chỉ những ai đã trải qua cuộc chiến, qua những trận đánh cam go, quyết liệt mới thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của kỷ vật ấy. Cũng có những kỷ vật của chiến sỹ Điện Biên đã mất nhưng được con cháu gìn giữ và hiến tặng đúng dịp rất ý nghĩa này.

Các hiện vật được hiến tặng cũng rất đa dạng, phong phú về cả thể loại và chất liệu. Từ chiếc ba lô vải, áo trấn thủ, dù ngụy trang, đến đôi dép cao su, bi đông đựng nước hay những tờ báo in ấn, phát hành ngay trên chiến trường. Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cách đây hơn 60 năm, vậy mà một số lượng lớn kỷ vật chiến đấu vẫn được gìn giữ và trao tặng để trưng bày trên chính mảnh đất của chiến trường xưa. Phải có sự trân trọng, yêu quý ở mức độ nào đó những cựu chiến binh, thanh niên xung phong và cả thân nhân, gia đình thương binh liệt sỹ mới có thể gìn giữ vẹn nguyên những kỷ vật chiến trường như vậy.

 

Bác sỹ Đào Bá Vy bên hộp dụng cụ y tế đã gắn bó với ông trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ... (ảnh trên) .Con dao găm thu được của tướng Đờ-cát nay hiến tặng Bảo tàng (ảnh dưới).

Trong số những kỷ vật là tài liệu bằng giấy được Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiếp nhận vừa qua, không thể không nhắc tới cuốn nhật ký gồm 44 trang viết tay ghi lại những thời khắc gian khổ của cuộc chiến. Cùng với đó là 33 số báo Quân đội Nhân dân được viết, in ấn và phát hành trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như khẳng định của Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thì, những tờ báo này là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới khi mà mọi khâu từ viết bài, in ấn đến phát hành đều được thực hiện ngay trên chiến trường khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Và cũng bằng nhiều cách, các chiến sỹ Điện Biên năm xưa thông tin tới đồng đội, động viên nhau cùng sưu tầm, hiến tặng hiện vật, kỷ vật liên quan tới chiến dịch. Tất cả những việc làm ấy đều thật đáng trân trọng.

Sưu tầm các kỷ vật, hiện vật liên quan Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là việc làm thuần túy lưu giữ một thời quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn để tri ân với thế hệ cha ông và giáo dục thế hệ sau về truyền thống yêu nước, về lịch sử đấu tranh kiên cường trước giặc ngoại xâm của cha ông. Từ giá trị to lớn của các hiện vật, kỷ vật, những người làm công tác sưu tầm, tiếp nhận cũng đặc biệt trân trọng sự gìn giữ và tấm lòng của người hiến tặng. Mỗi khi có kỷ vật, hiện vật được hiến tặng, ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - người tiếp nhận các kỷ vật cho Bảo tàng, đều đến tận nơi tiếp nhận và cảm ơn. Ghi danh các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Kôi cũng khẳng định, những kỷ vật tiếp nhận sẽ được bảo quản, gìn giữ và trưng bày tại vị trí trang trọng của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để du khách trên mọi miền Tổ quốc được tìm hiểu và chiêm ngưỡng.

Trao tặng những kỷ vật trong chiến dịch hơn 60 năm trước, những chiến sỹ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong năm xưa cũng gửi gắm mong muốn thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, quá khứ hào hùng của cha anh. Từ đó, có thêm lòng tự hào dân tộc quyết tâm vững bước trên chặng đường chưa bao giờ hết những gian nan trong hành trình dựng xây đất nước. Tiếp nhận và gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng được gửi trao, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là tiếp nhận những câu chuyện lịch sử, những thông điệp của cha ông gửi tới thế hệ mai sau.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top