Ngày xuân, nâng “chén Đường thi”

00:00 - Thứ Ba, 03/02/2015 Lượt xem: 1112 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Bằng vào việc tổ chức đại hội toàn thể lần thứ nhất ngày 21/12/2014, chi hội Thơ Đường luật Điện Biên đã được thành lập và đi vào hoạt động. Với người yêu thơ nói chung và yêu thơ Đường nói riêng trên địa bàn tỉnh ta, đây là một sân chơi trí tuệ, bổ ích và vô cùng hấp dẫn. Nhân dịp xuân mới, Báo Điện Biên Phủ cuối tuần có bài viết về Thơ đường và xin coi đây như một sự chia vui và hưởng ứng của chúng tôi. Chúc cho Chi hội ngày càng phát triển, có nhiều bài thơ Đường hay được công bố, đáp ứng sự trông đợi của người yêu thơ Đường... ĐIỆN BIÊN PHỦ CUỐI TUẦN

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, nhà Đường (618 - 907) được biết đến với tư cách là thời đại của những thành tựu rực rỡ nhất về thơ ca cổ điển. Đã có rất nhiều cuộc thi dành riêng cho thơ Đường, các cuộc ngâm vịnh thơ Đường và rất nhiều người vẫn còn sáng tác, yêu thích thơ Đường. Điều đó chứng tỏ sự hấp dẫn và sức sống mãnh liệt của thơ Đường, trong đời sống văn học Trung Quốc cũng như Việt Nam!

Lâu nay trong quan niệm của một số bạn trẻ, thơ Đường chỉ có một loại, chẳng hạn như bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, mấy bài của Hồ Xuân Hương, hoặc như 3 bài vịnh mùa thu của Nguyễn Khuyến, của Nguyễn Trãi, Tú Xương... vẫn được giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông... Trên thực tế, hình thức của thơ Đường hết sức đa dạng và phong phú. Thơ Đường cổ thể có ngũ ngôn và thất ngôn. Thơ cận thể có loại tuyệt cú và loại thơ luật. Tuyệt cú và thơ luật giữa ngũ ngôn và thất ngôn lại có những điểm khác nhau. Tựu trung, xét về hình thức tổ chức, thơ Đường có 6 loại chính: ngũ ngôn cổ thể, thất ngôn cổ thể, ngũ ngôn tuyệt cú, thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn luật thi và thất ngôn luật thi. Ngoài ra, tuỳ vào những đặc điểm nghệ thuật khác nhau, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thơ Đường còn có rất nhiều thể, như: Thể thơ thủ vĩ ngâm, thể thơ bỏ lửng, thể thơ chữ cuối gợi âm, thể thơ cặp từ trùng, thể thơ xuôi ngược, thể thơ liên hoàn, thể thơ yết hậu, thể thơ xướng hoạ, thể thơ liên ngâm... Song đã từ lâu những thể thơ này không còn tính phổ cập, không đại chúng, thường chỉ sử dụng trong những cuộc xướng hoạ, ngâm vịnh lúc tiêu dao nhàn tản, nặng về phô diễn kỹ thuật.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI do Hội VHNT tỉnh tổ chức, dịp tết Nguyên Tiêu Quý Tỵ.

Nhìn chung, thơ cổ thể (cổ phong) luật lệ đỡ gò bó hơn. Trong một bài thơ cổ thể (ngũ ngôn cổ thể hay thất ngôn cổ thể), số câu có thể nhiều hoặc ít, bài có thể dài hoặc ngắn, vần cuối câu cũng tuỳ ý thay đổi (ví dụ như bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, thuộc loại thơ Đường ngũ ngôn trường thiên cổ thể). Một điều xin được lưu ý là thơ cổ thể xuất hiện vào đời Đông Hán (25 - 220), trước khi đời nhà Đường kết thúc (907) những gần 700 năm. Tuy vậy, do có sự liên quan hoặc ít hoặc nhiều về niêm luật, nên các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn xếp thơ cổ thể (cổ phong) vào hệ thơ Đường. Trong khi thơ luật đòi hỏi sự đối ý, đối lời, đối thanh, đối về từ loại... hết sức chặt chẽ. Bên cạnh đó, thơ Đường cận thể (là loại thơ ngũ ngôn hay thất ngôn bát cú và tứ tuyệt hay tuyệt cú) lại có những quy tắc, luật lệ riêng, nên được gọi là thơ cách luật.

Dưới triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn, các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình môn sinh đều phải thực hiện một bài thơ và thơ ở đây, không gì khác ngoài thơ Đường luật. Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), có hẳn một Hội Tao Đàn được lập với 28 văn thần tiêu biểu cho dòng Hán học nho giáo, ứng với 28 chòm sao chia đều cho 4 phương vũ trụ. Trong vòng 2 năm (1493 - 1494), tại cuộc xướng hoạ quy mô lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam này, có hơn 200 bài thơ Đường luật đã ra đời, lấy đề tài từ 9 bài thơ xướng (Quỳnh uyển cửu ca) của nhà vua.

Từ thế kỷ thứ X, mặc dù chữ Nôm đã rất thịnh hành ở nước ta song do thói quen, đa số các nhà nho thường vẫn thích sáng tác thơ bằng chữ Hán. Đến thế kỷ XV, nhiều tập thơ chữ Hán xuất hiện và một số tập được lưu giữ đến tận ngày nay; tiêu biểu nhất phải kể đến các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Trực... Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Hán - Nôm Việt Nam, chúng ta thấy sự xuất hiện bởi những cái tên rực rỡ: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hàn Thuyên, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Chu Văn An, Tự Đức, Tùng Thiện Vương, Phạm Văn Nghị, Trần Bích San, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương, Tản Đà...

Được biết ở Trung Quốc - quê hương của thơ Đường - Nhà xuất bản Trung Hoa Thư cục đã bước đầu sưu tầm và xuất bản được một bộ sách hết sức đồ sộ có tên là “Toàn Đường thi tập”, gồm hơn 1.000 quyển, mỗi quyển có độ dày từ 1.500 - 2.000 trang, với trên 50.000 bài thơ Đường luật của hơn 2.300 tác giả. Đó là một công trình khoa học tập thể được thực hiện hết sức công phu và tốn kém, qua hàng chục năm lao động miệt mài bởi đội ngũ đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà thơ trên phạm vi toàn lãnh thổ Trung Quốc; xứng đáng là một trong những bộ sách quý trong kho tàng văn học cổ Trung Quốc, có giá trị cả về mặt sử liệu lẫn tác gia, tác phẩm. Trên thế giới, “Toàn Đường thi tập” là bộ sách chiếm kỷ lục về nhiều phương diện, nhất là quy mô ấn loát và hành trình thời gian mà các tác phẩm lần lượt ra đời. Người ta tính rằng một người đọc với tốc độ trung bình, nếu suốt ngày chỉ ăn với đọc, thì đọc hết cuộc đời may ra mới có thể xong một lượt bộ “Toàn Đường thi tập”.

Thưởng thức một bài thơ Đường, trước hết ta hãy lắng nghe cái âm hưởng cổ điển, trữ tình, man mác và sâu lắng của nó. Trên cơ sở đó mường tượng ra không gian, đường nét, màu sắc và nỗi niềm, tình cảm mà tác giả bài thơ gửi gắm, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào những con chữ “vật chất” khô cứng của bài thơ. Thông thường, một bài thơ Đường hay chỉ đọc qua một lượt đã có cảm giác hay hay, nhưng để nhận biết hết chân giá trị của nó là điều không hề đơn giản và chẳng phải ai cũng làm được. Trong các yếu tố cơ bản để làm nên sức cuốn hút của thơ Đường, yếu tố “thi - nhạc - hoạ” là đặc trưng mỹ học lớn nhất và dễ cảm thụ hơn cả. Chính vì thế nên cấu trúc một bài thơ Đường thường gọn gàng, hàm súc, ý ở ngoài lời.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, ròng rã suốt 9 năm trường (1932 - 1941), thơ Đường đứng trước sự tấn công quyết liệt của các nhà thơ trong phong trào “Thơ Mới”, bởi một số mặt hạn chế đặc trưng của nghệ thuật Đường thi. Thực ra, theo Ngô Văn Phú, “ngọn lửa chiến tranh giữa thơ mới và thơ cũ (chủ yếu là thơ Đường), đã manh nha từ trước những năm 30. Nhưng phải đợi mấy năm sau nó mới bùng nổ và ngày càng dữ dội... Rất nhiều bài viết của nhiều tác giả, đã nã trọng pháo vào thể thơ khoa cử này”. Người phất cao ngọn cờ Thơ Mới, đó là hai “thủ lĩnh” Phan Khôi và Lưu Trọng Lư (tác giả của “Tiếng thu”); kế sau đó là: Tứ Ly, Nhất Linh, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp và cả Xuân Diệu, Huy Cận... Bên kia “trận tuyến”, những người cùng chiến hào bảo vệ cho giá trị nghìn năm của thơ Đường, gồm: Nguyễn Văn Hanh, Lam Giang, Bích Ngọc, Tường Vân, Thái Phi, Tùng Lâm, Lê Cương Phụng, Thái Can, Huỳnh Thúc Kháng và Tản Đà...

Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp, thật du dương quyến rũ nhờ hệ thống thanh âm bằng - trắc độc đáo. Những tiếng không dấu hoặc có dấu huyền được xếp vào thanh bằng (bằng nhẹ hoặc bằng nặng), những tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi và ngã, được xếp vào thanh trắc (trắc nhẹ hoặc trắc nặng). Riêng tiếng có dấu sắc và dấu nặng, lại được chia ra mỗi tiếng có 2 thanh nữa là thanh “trắc nhập” và thanh “trắc khứ”, tùy theo việc đằng sau nó có các phụ âm “c”, “p”, “t” hay “ch”. Do vậy, để làm được thơ hay và nhất là thơ Đường, trong số rất nhiều điều kiện thì một trong những điều kiện là đòi hỏi phải nắm vững nguyên tắc thanh âm. Điều đó không chỉ để làm đúng luật thơ, mà còn tránh sự khổ độc của câu thơ. Vẫn biết từ cổ chí kim mọi bài thơ hay đều nhờ ở ý thơ, nhưng ý thơ chỉ có thể bay lên được bởi sự chắp cánh của những câu thơ đẹp. Những câu thơ đẹp một cách dung dị, chân chất, tự nhiên, đó là những câu thơ “trời cho” - ta thường bảo đó là câu thơ “xuất thần”, ví như ca dao chẳng hạn. Song những câu thơ đẹp một cách cầu kỳ, cổ kính và đài các, thì chỉ những ai học rộng, biết nhiều, vốn chữ nghĩa phong phú và dày công khổ luyện... mới có thể viết được.

Rồi nữa, muốn làm được những câu thơ lay động lòng người, ngoài tài năng còn cần phải có một tâm hồn thi sĩ và một tình yêu thơ ca thật nồng nàn, thật trong sáng. Trước hết, hãy tìm đọc những tác phẩm trứ danh của những nhà thơ trứ danh, đọc càng nhiều càng tốt và không bao giờ là đủ. Không chỉ đọc mà còn phải học thuộc lòng, phải ghi tâm khắc cốt những hình ảnh, âm thanh, xúc cảm qua những tứ thơ “trộn vào đâu cũng không thể lẫn” từ những tác phẩm kỳ văn diệu bút. Và sau cùng, hãy lao động (sáng tác) thật miệt mài, thật nghiêm túc và thật cầu thị. Với ai và lĩnh vực nào cũng vậy, muốn thành công phải trả giá, thậm chí là giá đắt và thơ Đường đương nhiên cũng nằm trong quy luật ấy...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top