Mường Thanh trong ký vãng

00:00 - Thứ Năm, 05/02/2015 Lượt xem: 1272 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Theo “Truyện kể bản mường” - một công trình biên dịch của hai nhà dân tộc học Cầm Trọng và Đặng Nghiêm Vạn - buổi hồng hoang, lúc mặt đất còn chưa có người, Then (trời) quyết định đưa giống người - trời xuống cai quản trần gian. Điểm đầu tiên mà Then chọn cho “con người sơ khai” cư ngụ chính là khu vực hồ U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) hiện nay...

Sau 4 lần thử vẫn thất bại, là bởi vì giống người mà Then sai xuống hoặc còn mông muội, hoặc không chịu nổi cảnh hoang vắng buồn tẻ nơi mặt đất, nên sinh ra biếng nhác, bị gọi về trời. Lần thứ 5 thì Then thành công trong việc chinh phục mặt đất, người nhận sứ mạng Then giao đó là Khun Borom - con trai út của Then. Thuở ấy, bầu trời và mặt đất cách nhau chỉ vài bước chân; gần đến mức người ở dưới đất khi giã gạo thì chày vướng trời, khi đẽo cày thì rìu cũng vướng trời.

Bản văn hóa Him Lam, một trong những làng bản cổ truyền ở lòng chảo Mường Thanh.

Gần nhau thế nên giao thông thuận tiện lắm, người cõi trời và người cõi đất muốn qua lại thăm thân đã có cái thang bằng dây sắn rừng (khau cát). Chỉ tiếc là sau đó người cõi đất không biết cách ăn ở, nên làm phật lòng Then. Trong cơn thịnh nộ, đích thân vợ của Then chặt đứt dây thang khau cát. Từ bấy, không những “con đường” đi lại dễ dàng và duy nhất đã bị phá bỏ, mà bầu trời cứ thế dâng cao, cao mãi, “cao vút lên 30 thúng chỉ tơ”. Nói như ngôn ngữ hiện đại thì đây là cuộc “di dân” điển hình trên cả 3 phương diện: Lớn nhất, sớm nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất.

Một phần những câu chuyện mang tính dân gian về đất Mường Thanh buổi bình minh lịch sử, được lưu lại qua các tài liệu cổ nhờ công của các mo mường mo bản. Đó là các bản: “Quãm tỗ mưỡng” (kể chuyện mường), “Tãy pú sớk” (kể chuyện ông cha chinh chiến), “páo khuân” (gọi tìm hồn)... của dân tộc Thái - một dân tộc may mắn có chữ viết riêng, theo mẫu tự cổ. Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Thái còn truyền tụng câu chuyện về thủ lĩnh Lò Lạng Chượng khi vừa đặt chân đến Mường Thanh, đã nghĩ đến việc nắm lấy vùng bồn địa này để làm căn cứ xây dựng nghiệp lớn lâu dài.

Theo một tài liệu của học giả Lò Văn Lả: Những ý nghĩ đầu tiên của Lạng Chượng khi đến Mường Thanh là ông nhận thấy địa thế vùng này rất đẹp, tròn như vành nong nia, rộng lớn và hơi cong như cái sừng trâu. Nghĩa là nơi này có tiềm năng để trở thành mường lớn được. Của cải nhiều, đất đai bằng phẳng khai phá làm ruộng nước. Thanh dưới có mỏ muối, Thanh trên có mỏ chì, là hai thứ vật chất thời đó rất cần cho cuộc sống. Cho nên Lạng Chượng mới chia Mường Thanh ra làm hai mường, Thanh Tở (Thanh dưới) và Thanh Nưa (Thanh trên) để đặt chức tạo, dựng vùng đất Mường Thanh để làm nên nghiệp lớn. Cho các ông cụ già rèn sắt, làm mo. Con cháu Lạng Chượng đã ở Mường Thanh được 7 đời người cai quản: Lạng Chượng, Khun Pe, Khun Mứn, Tạo Pàn, Xáy Chạng, Kan Kăm và Tạo Chông.

Từ thời Lạng Chượng cho đến thời Hoàng Công Chất, việc phòng thủ Mường Thanh đã được xây dựng vững chắc, trong đó Sam Mứn là trung tâm đi lại cả vùng, thuyền bè tấp nập, có bến Ta Chông, Ta Cô, Ta Pô. Voi, ngựa cột ở bờ sông, nườm nượp xe thắng yên the, ngựa đeo nhạc đồng. Có người Lào, Lự, Thái, Hán, Kinh... cùng sống ở phố nhỏ Chiềng Lề trong thành. Sam Mứn là một tòa thành cổ đông người qua lại, trao đổi hàng hóa, có nhiều bộ tộc cùng sinh sống. Xứng đáng là một trung tâm phồn thịnh thời xưa ở vùng Tây Bắc - Việt Nam. Nói cách khác, Mường Thanh là trung tâm giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi bắt đầu hình thành chợ trung tâm để trao đổi hàng hóa, là nơi các trưởng tộc tranh chấp nhau làm chủ mường to.

Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) và thứ 5 (1852) lại thêm châu Quỳnh Nhai và Luân Châu nhập về phủ Điện Biên. Thật thú vị khi biết rằng cuối đời Tự Đức đầu đời Đồng Khánh, sau khi Thuận Châu từ phủ Gia Hưng nhập vào phủ Điện Biên, thì phủ lỵ Điện Biên được xác lập; địa điểm đặt tại xã Noong Hẹt, tổng Phong Thanh, châu Ninh Biên (trùng với địa bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hiện nay). Sử cũ còn ghi: Tại đây có một tòa thành đất, chu vi 510 trượng, cao 1 trượng 5 thước, dày 1 trượng. Bốn góc thành có tháp canh với súng hỏa hổ; ngoài thành trồng tre gai, có hào rộng 2 trượng, sâu 6 thước, một cửa trước và một cửa sau. Xin lưu ý là “phủ Điện Biên” không chỉ bó hẹp như huyện Điện Biên hiện giờ mà là một vùng đất bao la: Phía Đông giáp hạt Thuận Châu, phía Tây giáp nước Nam Chưởng (Lào), phía Nam giáp huyện Trình Cố (tỉnh Thanh Hoá), phía Bắc giáp châu Quảng Lăng nước Thanh (Trung Quốc). Xem thế, đủ thấy vai trò của phủ lỵ (mà trung tâm là bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hiện nay), không chỉ quan trọng trong những công việc hành chính đơn thuần, mà cả trong phòng thủ chiếu đấu, nhất là trước các thế lực ngoại bang.

Cầu Mường Thanh lịch sử trong đêm hội mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Rồi thực dân Pháp chiếm đóng Mường Thanh lần thứ nhất. Bản Mường Thanh hồi đó chia làm 3 khu: Đầu mường, giữa mường và cuối mường; tổng cộng hơn 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu. Phố khách chủ yếu là những hộ buôn bán vặt. Các điểm cờ bạc được mở công khai để giết chết người ta một cách không dao, với các hình thức sát phạt như: Tài xỉu, xóc đĩa và cả kiểu đánh với bộ bài 36 quân, mỗi quân vẽ một con vật, đặt cửa 1/10, 1/20 hoặc 1/30 tuỳ theo thoả thuận giữa các tay máu me. Hai bên tả - hữu ngạn con sông Nậm Rốm là những bãi dâu xanh mướt, góp phần làm nên thứ thổ cẩm tơ tằm Mường Thanh tốt và đẹp nổi tiếng khắp Đông Dương. Nối đôi bờ sông Nậm Rốm là một cây cầu có tên “Mường Thanh”, chất liệu độc mộc, các trụ đều bằng gỗ lim đất, vị trí gần cầu Mường Thanh lịch sử hiện giờ. Người chịu trách nhiệm thiết kế đồng thời chỉ đạo thi công cầu “Mường Thanh” là ông Lò Văn Đào, dân tộc Thái, nhà ở bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

Ngày ấy sông Nậm Rốm đầy ắp nước, thương nhân người Miến Điện, Thái Lan và Lào thường bơi thuyền theo dòng Nậm U, qua Nậm Mức vào Mường Thanh đổi lấy các thứ sản vật trong đó có thổ cẩm. Mường Thanh là một trong 16 châu Thái (xíp hốc chậu Thái), đứng đầu là viên tri châu do Pháp dựng lên và khống chế; hắn tên là Đèo Văn ún, con trai út của Đèo Văn Long, cháu nội Đèo Văn Trì (dân tộc Thái trắng, quê bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Hiện nay, trên địa bàn 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, còn rất nhiều dấu tích thống khổ dưới thời dòng họ Đèo tác oai tác quái. Một trong những “bằng chứng” đó chính là khu đài tạ trên dãy Pú Pom Xen (cạnh tỉnh lộ 127 từ ngã ba Lai Hà vào huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), đối diện với khu tái định cư đồi Cao (phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên).

Năm 1945, Nhật đuổi Pháp chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Sau đó đội quân với danh nghĩa “Thiên hoàng” đã xây trên đồi A1 (thành phố Điện Biên hiện nay) những công trình quân sự kiên cố và cả những hầm rượu dự trữ cũng kiên cố không kém. Nhưng trước sức tấn công của Việt Minh, quân Nhật nhanh chóng thất bại phải rút đi, đến lượt tàn binh Pháp từ Vân Nam quay lại bắt tay với Quốc dân Đảng. Được sự phối hợp của một số du kích Mường Thanh, một đơn vị bộ đội Việt Minh từ Tuần Giáo vào đã dồn quân Pháp về cuối bản Noong Luống, quần nhau suốt mấy ngày đêm. Tuy nhiên, lực lượng của ta vừa ít về quân số vừa thiếu thốn về vũ khí; đã thế vừa phải chiến đấu với bọn Pháp và Tầu Tưởng ở lòng chảo, mặt khác phải đối phó với quân Pháp tràn từ Trung Quốc xuống Lai Châu rồi cùng Đèo Văn Long đánh vào Điện Biên. Sau hơn một tháng với những trận đánh không tương sức từ bản Kéo về ngã ba Nậm Núa, anh em du kích tạm lánh sang Lào rồi sang Thái Lan; đơn vị bộ đội rút về Tuần Giáo, chờ củng cố lực lượng và trang bị thêm vũ khí.

Kể từ năm 1947, núp dưới bóng thực dân Pháp và cha đẻ là Đèo Văn Long, Đèo Văn Ún được giao chức Tri châu Điện Biên; lập dinh thự, đồn bốt, trại giam, kho lương trên đồi C2, rồi tập hợp đám tay sai bang tá, lục sự, kỳ mục, lý trưởng, châu đoàn... gây ra trăm ngàn tội ác với nhân dân Mường Thanh. Tháng 10/1952, Điện Biên được giải phóng lần thứ nhất. Trong khi nhân dân các khu tập trung phấn khởi trở về bản cũ làm ăn, thì bọn nợ máu (như Lò Văn Chung, lý trưởng Nà Tấu; Lường Văn En, lý trưởng Sam Mứn...) phải ra trước vành móng ngựa, nhận án tử hình. Một kết thúc “ân đền oán trả” cho 66 năm bán nước cầu vinh của dòng họ Đèo, tính từ lúc Đèo Văn Trì quỳ gối khuất phục trước thực dân Pháp (tháng 1/1888), đến tháng 5/1954...

Hơn sáu thập kỷ kể từ khi trận Điện Biên Phủ khép lại, câu chuyện cũ trên nền đất cũ có thể làm ai đó trong chúng ta thoáng chút ngậm ngùi, nhưng chính những ký vãng ấy là những dấu mốc quan trọng để chúng ta nhìn vào thực tại và đánh giá đúng mình để cùng nỗ lực nhiều hơn. Hoà vào tiến trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế cả nước, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc lòng chảo Mường Thanh nói chung tự tin bước vào năm 2015 trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục ổn định và giữ vững, tạo thêm những điều kiện thuận lợi để Điện Biên đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá - giáo dục - thể thao, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top