Độc đáo mái nhà đá đen

00:00 - Thứ Ba, 10/02/2015 Lượt xem: 1693 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Đến Mường Lay là đến với những nếp nhà sàn san sát, in bóng xuống lòng hồ mênh mông thơ mộng. Bình minh lên, những mái nhà sàn đá đen ẩn hiện trong làn sương sớm, khiến ta liên tưởng đến một bức tranh thủy mặc làm say đắm lòng người. Ngôi nhà sàn chính là nét văn hóa tiêu biểu cho cộng đồng người Thái Tây Bắc ở Mường Lay. Người ta ví những mái nhà sàn lợp đá đen như một công trình kiến trúc độc đáo, biểu trưng cho sức sáng tạo của con người.

Một góc thị xã Mường Lay nhìn từ trên cao với những mái nhà sàn lợp đá đen cổ kính.

Công trình kiến trúc độc đáo

Từ trên quốc lộ 12 nhìn xuống, thị xã Mường Lay nằm gọn trong tầm mắt, với những mái nhà sàn san sát nối tiếp. Ngoài sự điểm xuyết của một vài mái tôn đỏ, là một màu nâu đen cổ kính của những mái nhà lợp bằng đá đen – một loại đá đặc trưng rất dễ gặp tại các khu vực ven sông Đà. Nhiều người nghĩ, đó đơn giản chỉ là một thứ vật liệu xây dựng như ngói, hoặc prôximăng mà các vùng miền khác thường dùng. Điều đó đúng! Nhưng cũng có người nghĩ hơn thế, nó là một công trình kiến trúc độc đáo!.

Trước tiên, gọi đó là một công trình kiến trúc, bởi để dựng lên những mái nhà như vậy hết sức cầu kỳ và cần sự tính toán kỹ lưỡng. Những phiến đá trước khi sử dụng lợp mái sẽ được cắt thành hình vuông, theo một kích thước nhất định, thường là 20x20cm, hoặc 30x30cm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau phải cắt đi để có thể ghép mí lên nhau, một đỉnh được đục lỗ nhỏ. Khi lợp, người ta sẽ xuyên thép qua lỗ rồi buộc vào xà. Cần tính toán về độ dốc, 2 viên kế nhau cũng phải sắp xếp sao cho chỉ dính mí một chút, vừa đủ đảm bảo diện tích, tính thẩm mỹ, lại không tạo khe hở để tránh mưa, nắng có thể xuyên vào trong nhà.

Sự độc đáo ở đây được thể hiện thông qua cách xếp đá chéo, so le nhau như hình vảy cá – một loài vật đặc trưng và hiện diện trong mọi sinh hoạt đời sống của người dân khu vực. Ngoài việc tính toán kỹ lưỡng để tránh các yếu tố về thời tiết và tạo tính thẩm mỹ, thì xếp đá như vậy cũng bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền với sông nước của họ. Theo ý nghĩa tâm linh, nó còn tượng trưng cho vị thần cá, che chở và mang lại sự no ấm. Qua nhiều đời, cách lợp mái này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, và gần như trở thành nét văn hóa đặc trưng khác biệt với các vùng miền khác.

Ngồi trong những ngôi nhà sàn lợp bằng đá đen, bạn sẽ cảm nhận rõ khác biệt so với những ngôi nhà lợp ngói hay prôximăng, đó là sự mát mẻ, thoáng đãng. Khác biệt này được tạo nên bởi ưu điểm hết sức đặc trưng của đá đen, đó là cách nhiệt tốt. Do không có canxi trong thành phần, nên mái đá cũng không bị ăn mòn khi bị các tác động của mưa, nắng, gió... Trong khi đó, tuổi thọ của đá cao nên những mái nhà lợp đá đen có thể trường tồn bền bỉ qua vài chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Đá đen được người dân Mường Lay xếp theo hình vảy cá. Ảnh: H.L

“Xẻ núi” tìm đá

Có thể nói, sông Đà trở thành huyền thoại bởi nét hoang sơ đầy “hung dữ”. Lý giải cho điều đó là thực tế, dòng sông này ấp ôm trong lòng mình hàng nghìn, hàng vạn phiến đá lớn, nhỏ. Hai bên bờ sông là những vách đá hùng vĩ dựng đứng. Đá làm nên thác ghềnh, tạo ra những con sóng đập vào bờ một cách “cục cằn” và đá làm nên huyền thoại. Đá xuất hiện nhiều như vậy, nên thật dễ hiểu khi từ xa xưa người dân vùng đất này đã biết sử dụng nó để lợp mái nhà, cũng như phục vụ các lợi ích khác của con người.

Là người gốc Mường Lay, sống gắn bó với mảnh đất này từ lúc sinh ra cho tới nay đã ngoài 70 tuổi, nên ông Khoàng Văn Chiến, bản Quan Chiên, phường Na Lay có nhiều hơn những câu chuyện liên quan về đá đen để kể. Ông không biết chính xác việc sử dụng đá đen để lợp mái nhà có từ bao giờ, chỉ nhớ sinh ra đã thấy vậy. Cũng giống như người Mông ở nhiều nơi trước kia thường hay lợp nhà bằng mái tranh do là nguyên liệu có sẵn, thì người Thái Mường Lay lại lợp mái bằng đá đen. Sau thời gian dài sử dụng, người ta dần thấy ưu thế mà đá đen mang lại nên người người đua nhau tìm đá, nhà nhà lợp mái đá. Ban đầu là để đáp ứng nhu cầu của gia đình, rồi sau nó trở thành nghề kiếm “miếng cơm manh áo” cho nhiều người. Kéo theo đó là những câu chuyện “xẻ núi tìm đá” đầy may rủi.

Đã từng nhiều lần theo chân cha đi đào đá, nên ông Chiến hiểu rõ cái cơ cực của nghề này. Theo tâm sự của ông thì làm đá sợ nhất là trời mưa. Bởi, chỉ cần vài hạt mưa là có thể khiến hàng chục khối đất đá trôi xuống hố đang đào, hoặc làm sập hố, hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, chẳng khác nghề nông, mỗi ngày đi làm đá, đều phải trông vào thời tiết. Công việc đào đá cũng phải làm hoàn toàn thủ công, vừa phải có sức khỏe lại vừa đòi hỏi sự kiên trì và độ khéo léo. Bởi đá đen tự nhiên được xếp thành từng phiến mỏng, nếu sử dụng máy móc hoặc không cẩn thận có thể khiến đá vỡ vụn. Cũng bởi vậy, để khai thác được một vỉa đá có khi phải mất đến vài tháng và phải tích lũy hàng tháng, thậm chí cả năm mới đủ lượng đá để lợp một mái nhà.

Khó khăn, vất vả và nguy hiểm là vậy, nhưng với ông Chiến nghề làm đá cũng có cái “thú” riêng của nó. Cái “thú” trong tìm đá đen được ông ví như việc đào măng rừng. Chỉ cần đi dọc sông, chú ý quan sát, thấy những gờ đá như mầm măng nhú lên khỏi mặt đất, ấy là chỗ chắc chắn có đá. Làm nhiều, có kinh nghiệm nên chỉ cần nhìn những “mầm” nhú lên đó, ông biết cần phải đào sâu bao nhiêu sẽ tới đá. Điều kỳ diệu của thiên nhiên đó là ngay từ khi “sinh ra” đá đen đã được tạo thành từng vỉa với độ mỏng vừa phải, nhẵn mịn. Bởi vậy mà sau khai thác, đá đen không phải qua bất cứ công đoạn chế tác, hay mài dũa nào khác mà có thể sử dụng ngay.

Ngày nay, người ta đã không còn phải tự tìm đá nữa, nên những câu chuyện về người người tìm đá, nhà nhà lợp mái đá như ông Chiến kể chỉ còn trong quá khứ. Song việc sử dụng đá đen để lợp mái nhà vẫn còn phổ biến ở Mường Lay. Chỉ với 20 – 50 triệu đồng, người dân đã có thể mua đủ đá để làm mái nhà rộng chừng 40 – 100m2 và có xe chở tới tận nhà. Nằm dọc sông Đà, hiện có hàng chục mỏ, với lượng đá đen khá lớn được khai thác mỗi năm. Không chỉ cung cấp cho các khu vực lân cận mà còn phục vụ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Cũng bởi vậy, ngày nay đá đen không chỉ được người Thái ở Mường Lay sử dụng lợp mái nhà, mà chúng ta có thể thấy nó hiện diện ngày một nhiều trong các công trình lớn như một cách trang trí độc đáo, mang dấu ấn rất riêng.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top