Púng Bon, mùa bạt loong đến sớm

00:00 - Thứ Ba, 10/02/2015 Lượt xem: 1309 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Hàng năm, cứ đến tháng 9 âm lịch (thường vào tháng 11, 12 dương lịch), khi hoa bạt loong (nghĩa là hoa đỏ, người Kinh gọi là hoa mào gà) bung nở cũng là lúc người Cống ở Púng Bon kết thúc mùa vụ, khai cuộc cho “mùa” lễ hội của dân tộc mình. Cùng với đó, những lời nguyện với tổ tiên và thần linh sẽ được họ “báo cáo” trong dịp trọng đại này. Tết Hoa (Mền loóng phạt ai) với những nghi lễ đa dạng đã trở thành phần không thể thiếu trong đời sống của người Cống. 

Hoàn tất việc kết bạt loong - biểu tượng của sự may mắn, trường tồn của dân tộc Cống – trong giỏ tre mới đan treo cao sát nóc nhà, thầy cúng cũng là già bản Nạ Văn Phanh quay sang tiếp nhận lễ vật do các gia đình trong bản mang đến. Lễ vật đa dạng gồm: gà trống, rượu, cá khô và các loại hoa quả gia đình trồng được trên nương; song thứ không thể thiếu là 1 con gà trống luộc, 1 chai rượu, 2 con cá sấy khô cùng khoai sọ và bạt loong. Sau hồi trống, chiêng âm vang, thầy mo ngồi trước mâm cúng, kính cẩn mời các thần linh (thần bản, thần núi, thần hang) và tổ tiên người Cống về; đồng thời dâng lễ vật lên các thần linh, tổ tiên, xin được tổ chức Tết Hoa cho dân bản.

Chuẩn bị cho lễ cúng tại gia đình.

Khai cuộc “mùa” lễ hội

Nhà thầy mo Nạ Văn Phanh không rộng lắm nên người dân trong bản phải xếp hàng mang lễ vật đến dâng lên mâm cúng chung của bản. Mâm cúng được đặt ngay dưới gốc cây trên có kết hoa bạt loong gồm rượu, gà luộc. Những con vật khác và hoa, quả… được đặt dưới chân mâm cúng. Thầy mo xướng mời thần linh và tổ tiên về nhận lễ. Thầy thay mặt dân bản “báo cáo” tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe, an ninh trật tự… của bản trong năm qua và cầu xin thần nhà, thần ruộng, thần hang động… cùng tổ tiên người Cống phù hộ cho dân bản 1 năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, trâu, gà, lợn đầy chuồng… cầu cho mọi sự tốt lành, may mắn đến với bản. Trả lời băn khoăn của tôi rằng sao tháng 9 (âm lịch) mà đã “báo cáo” năm cũ, mừng năm mới, Phó bản Quàng Văn Chanh lí giải, do người Cống cùng sử dụng hệ lịch với người Lào nên 1 năm chỉ có 10 tháng. Ngày tổ chức Tết Hoa phải là ngày lành, nên thường là vào cuối tháng. Trong ngày lễ, già làng phát lệnh cấm bản, người trong và người ngoài không được tự do ra vào bản. Theo quan niệm của người Cống, ai làm trái lệ sẽ bị ốm đau hoặc không may mắn.

Cùng thăm các gia đình đang sắp lễ để cúng tại nhà sau khi thầy mo hoàn tất thủ tục cúng cho cả bản, Phó bản Quàng Văn Chanh giới thiệu: Người Cống coi đời sống tâm linh là rất thiêng liêng và người dân có niềm tin về cõi thiêng của dân tộc. Do đó, trong 1 năm người Cống có nhiều lễ hội, gắn với đời sống văn hóa tâm linh như: Lễ cúng kiêng đi phát nương; cúng xin đi phát nương. Sau khi tra hạt cũng làm lễ cúng xin cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi… Ngoài ra còn lễ cúng bản, cúng tổ tiên, cúng lên nhà mới, cúng tạ ơn… Song Tết Hoa là nghi lễ quan trọng nhất, bởi nó gắn với ngày Tết cổ truyền của người Cống. Trong Tết Hoa, sau nghi lễ tâm linh, người Cống cùng tham gia các trò chơi dân gian, thể hiện những điệu dân ca, dân vũ truyền thống…    

Thầy mo chuẩn bị lễ cúng trong Tết Hoa. Ảnh: Đ.T

Púng Bon – vui lắm Tết này

Kéo chúng tôi lên căn nhà sàn bằng gỗ, dưới lát gạch sáng bóng, trong nhà quy củ, gọn ghẽ có mấy gian dành riêng cho khách, Trưởng bản Púng Bon Lò Văn Tha nói như khoe: Bản mình giờ thêm nhiều nhà to rồi đấy. Mọi người cũng lát gạch ở sân hoặc láng xi măng để thuận tiện cho phơi nông sản. Người Cống Púng Bon no ấm nhiều rồi. Bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia gần 10 năm nay. Năm 2014, đường từ trung tâm xã vào bản đã được đầu tư mở rộng từ nguồn vốn Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011 – 2020. Cây cầu treo cũ vào bản cũng mới được sửa chữa, nâng cấp. Vui nhất là bà con đã chủ động khai hoang, trồng lúa nước. Bản đã có trên 10ha ruộng trồng 2 vụ lúa/năm. Ngoài hơn 20ha nương canh tác bền vững, dân bản đã phát triển trên 10ha trồng ngô, sắn… làm lương thực phục vụ chăn nuôi nên năm nay (2014) đàn gia súc của bản đã có trên 100 con… Từ chỗ dân bản thiếu đói 3 – 4 tháng, tỷ lệ hộ đói nghèo lên đến hơn 60%, nay trong tổng số 48 hộ, 227 nhân khẩu đã có 12 hộ khá, số hộ nghèo giảm nhiều. Sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã giúp Púng Bon có điều kiện để vươn lên từng bước thoát nghèo. Tết này, người Cống ở Púng Bon vui lắm. Dân bản mổ bò ăn Tết to, cùng nguyện với thần linh, tổ tiên và động viên nhau sang năm mới nỗ lực nhiều hơn để đẩy cái đói, cái nghèo ra khỏi bản.

Và ước mong “truyền lửa” cho hậu thế

Sau phần lễ diễn ra tại nhà già bản và các gia đình, buổi tối, bản tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ. Bà con trong bản và các bản lân cận như Huổi Moi, Pa Thơm cũng về tụ hội. Đứng cạnh tốp phụ nữ xúng xính váy áo mới, cùng sửa soạn vào hội, tôi nghe một phụ nữ luống tuổi đang hướng dẫn mấy thiếu nữ trẻ quấn khăn, sửa áo. Đó là bà Lò Thị Thinh. Thấy tôi chăm chú quan sát việc bà kèm các thiếu nữ theo cách vừa làm vừa bày việc, bà Thinh nói: Trước đây, do đời sống gặp nhiều khó khăn lại cùng chung sống với các dân tộc Thái, Lào… nên đời sống sinh hoạt của người Cống có nhiều thay đổi. Dù một số phong tục và tiếng nói vẫn giữ được song về trang phục thì đã mai một nhiều. Năm nay, được  Ban Dân tộc tỉnh trang bị nhạc cụ và hỗ trợ phục dựng trang phục truyền thống, phụ nữ trong bản háo hức làm. Mặc dù trang phục của dân tộc Cống tương tự của người Thái, Lào song trên thực tế có nhiều nét khác biệt. Thể hiện ở độ dài áo, ở cách bố trí cúc, tay áo… Riêng ở trang phục phụ nữ cũng đã kỳ công mà nếu người già không “cầm tay chỉ việc” thì rất dễ bị thất truyền. Nói rồi bà chỉ vào chiếc áo mình đang mặc nói, để hoàn thành chiếc áo ấy, thuần thục như bà cũng phải mất đến 2 ngày chứ người mới làm có khi phải mất cả tháng.

Không chỉ trong cách làm trang phục, ngay cách đánh chiêng, trống của người Cống cũng có nét khác với dân tộc khác và cũng đòi hỏi phải kì công quan sát, học tập mới có thể thuần thục. Ví dụ như, nguyên liệu làm chiêng của người Cống gồm đồng có pha bạc nên khi đánh âm thanh vang và ngân xa. Ấy là khi đánh đúng cách, dùi chiêng chạm vào đoạn cách mép chiêng chừng 1/3 bề mặt và ở thế đánh chéo. Nghe đơn giản thế song nếu không có hướng dẫn và chỉ việc, lớp trẻ hôm nay khó có thể chơi được nhạc cụ dân tộc mình cho nhuần nhuyễn.

Đêm giao lưu văn nghệ với “diễn viên” chủ yếu là các ông, bà có tuổi trong bản, gợi cho chúng tôi một chút băn khoăn về việc tiếp nối truyền thống của lớp trẻ. Song cách biểu diễn chân thực say mê của những người già cho chúng tôi niềm tin rằng rồi đây, khi đời sống vật chất khá lên, người Cống ở Púng Bon có điều kiện để bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ những người đang “giữ lửa”  hôm nay.

Đạt Thương
Bình luận
Back To Top