Nét xưa còn lại chút này

00:00 - Thứ Tư, 11/02/2015 Lượt xem: 1325 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Theo lời hẹn trước, chúng tôi tìm đến nhà bà Lường Thị May, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Vừa đến cổng, đã nghe một giọng hát tiếng dân tộc Lào ngọt ngào, đầm ấm từ trong nhà vọng ra. Ấy là bà May đang ngân nga một bài dân ca truyền thống. Ngôi nhà nhỏ của gia đình bà không khi nào thiếu lời ca, tiếng hát. Niềm đam mê những câu ca, điệu múa dân tộc đã thấm sâu như dòng máu luôn chảy trong người bà từ thuở ấu thơ. Để đến khi trưởng thành và bây giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại, bà vẫn say với nghệ thuật trình diễn dân gian và truyền dạy nét đẹp văn hóa dân tộc Lào cho thế hệ sau.

Bà May (áo xanh) say mê dạy những điệu múa truyền thống của dân tộc cho chị em phụ nữ trong bản.

Bà Lường Thị May sinh năm 1958, là người dân tộc Lào, gia đình nhiều đời sinh sống tại mảnh đất Na Sang. Bà yêu ca múa truyền thống từ những lời ru đưa nôi dạt dào của mẹ. Lớn hơn chút nữa, tình yêu ấy được bồi đắp bởi những câu hát vui lao động trên nương, những bài dân ca ngọt ngào, điệu múa Lăm vông uyển chuyển được các cô, các chị ngân vang mỗi dịp lễ tết, mừng vui của bản. Những điều ấy đã truyền cảm hứng, tình yêu nghệ thuật dân gian cho cô gái nhỏ tên May ngày nào. Rồi theo thời gian, cô May lớn lên, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hát hay, múa dẻo nhất cộng đồng dân tộc Lào trong khu vực. Vì vậy, bà không chỉ được mời tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, của tỉnh mà còn nhiều lần được cử tham gia các kỳ đại hội, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc. Nổi tiếng cả vùng cho đến tận bây giờ, nhưng bà May vẫn không ngừng sưu tầm, học hỏi, tập luyện những câu hát cổ truyền đang dần mai một như hát giao duyên hay các câu hát mang tính chất nghi thức trong một số phong tục lễ, tết của dân tộc. Ai muốn tìm hiều về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lào, đặc biệt là nghệ thuật dân gian, có lẽ chỉ cần hỏi chuyện bà May là đủ. Các bài hát dân ca, các điệu hát ru, báo sao đối đáp, mừng bản mừng mường, mừng nhà mới, mừng vui đám cưới, giao duyên, đưa con đi nhà chồng, tiễn anh lên đường nhập ngũ, hát tế lễ… hay múa “Căm bản căm mường”, Lăm vông, múa vui mùa vụ… bà đều thuộc lòng. Trò chuyện với bà, chúng tôi như bị cuốn vào văn hóa truyền thống của dân tộc Lào bởi những câu hát dặt dìu, ý nghĩa mà bà ngân lên mỗi khi nhắc đến một bài hát nào đó.

Không chỉ tham gia biểu diễn, bà May còn tích cực truyền dạy cho nhiều người. Từ năm 1969, khi mới hơn 10 tuổi, là học sinh Trường Thiếu niên dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu, cô bé May khi ấy đã dàn dựng tiết mục múa dân tộc Lào cho các bạn trong lớp để tham gia chương trình văn nghệ của trường. Màn biểu diễn ấy nhận được sự đánh giá cao của thầy cô và bạn bè, được nhà trường cử đi giao lưu với nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Đến năm 1974, May ra trường, trở thành giáo viên tại xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, nơi có nhiều người dân tộc Lào sinh sống. Cô đã tích cực, tranh thủ học hỏi, sưu tầm thêm nhiều câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng tổ chức dạy múa, dạy hát cho học sinh, em nhỏ người dân tộc Lào trên địa bàn. Không chỉ phục dựng, gìn giữ mà bà còn sáng tạo, dàn dựng thêm những tiết mục mới mà vẫn giữ nguyên nét truyền thống đặc trưng của dân tộc, như: Kéo sợi dệt vải, Gieo hạt trên nương, Giã gạo buổi sáng… Chia sẻ về những tiết mục ấy, bà cho biết: “Những bài múa tôi dàn dựng đều lấy cảm hứng từ cuộc sống thực tế, các động tác, nhịp điệu đều dựa trên các hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của bà con nên gần gũi và dễ nhớ, dễ học”. Cứ say mê như thế, hết lứa học sinh này đến lớp học sinh khác rồi đến những người phụ nữ, các tổ văn nghệ hay bất kỳ nơi đâu, cá nhân nào có tình yêu với văn hóa dân tộc, nghệ thuật dân gian thì bà sẵn sàng truyền dạy. Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, đến nay, bà không còn nhớ rõ mình đã dạy hát, dạy múa cho bao nhiêu người, chỉ áng chừng trên 100. “Tuy không mở lớp học đúng nghĩa nhưng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy những câu hát, điệu múa mà tôi biết bằng những cách gần gũi mà bài bản nhất cho thế hệ đi sau, đặc biệt là giới trẻ cho đến khi nào tay run, chân không vững. Hiện giờ, tôi chỉ mong giới trẻ thấy được, hiểu được sức hút và giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc trong mỗi câu ca, điệu múa để nét đẹp dân tộc Lào còn được gìn giữ mãi mãi”.

Với tình yêu và những cống hiến của mình, bà Lường Thị May vinh dự là 1 trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I, năm 2015 của tỉnh Điện Biên. Tuy chưa có kết quả, quyết định chính thức nhưng chắc chắn mỗi con người nếu có tình yêu, sự say mê và nhiều năm tâm huyết với công tác gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như bà May thì đều đáng trân trọng, vinh danh dù có hay không danh hiệu ấy.

Huyền Dương
Bình luận
Back To Top