Múa nón - Nét đẹp văn hóa truyền thống người Hà Nhì

00:00 - Thứ Tư, 11/02/2015 Lượt xem: 4274 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Có dịp lên Mường Nhé ăn Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, chúng tôi không chỉ được hòa chung trong cái tết mộc mạc, vui vẻ với bà con mà còn được đắm say trong điệu múa nón dân tộc. Đó là những cô gái người Hà Nhì trong trang phục truyền thống với chiếc nón giang trên tay, nhẹ nhàng, uyển chuyển theo từng tiếng nhạc réo rắt, thể hiện những bài múa điệu nghệ, khiến người xem mê đắm.

Nhắc tới múa nón, người ta thường nghĩ đến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - cái nôi của văn hóa truyền thống dân tộc Hà Nhì với điệu múa nón vẫn còn nguyên vẹn những nét độc đáo. Ông Pờ Dần Sinh, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Xã có 7 bản thì mỗi bản có 1 đội văn nghệ. Nhiều năm trở lại đây, xã thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ giữa các bản và giữa các bản với những đơn vị đóng chân trên địa bàn để bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa múa truyền thống của dân tộc. Múa nón là đặc trưng của các điệu múa dân tộc Hà Nhì, do đó trong tất cả các dịp lễ, tết, hội, không bao giờ thiếu múa nón.

Tiết mục múa nón Hà Nhì do đội văn nghệ bản Tả Kho Khừ biểu diễn trong đêm giao lưu văn nghệ mừng Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì khiến người xem ấn tượng.

Qua lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, chúng tôi gặp già làng Su Lò De, bản A Pa Chải. Bà là người dạy múa cho đội văn nghệ của bản, của xã và cũng là người “nặng lòng” giữ nét đẹp múa nón truyền thống của dân tộc lưu truyền cho hàng trăm thanh niên các thế hệ. Khi được hỏi về múa nón, bà De phấn khởi kể: “Từ ngày tôi còn nhỏ đến nay, người Hà Nhì vẫn có truyền thống múa nón trong các dịp lễ, tết, giao lưu văn hóa văn nghệ… Nét đẹp này chưa bao giờ bị mai một. Tôi đã dạy múa nón cho hàng trăm thanh niên ở bản, ở xã và các xã khác. Múa nón đơn giản lắm, phụ nữ Hà Nhì vốn dĩ đã có nét đẹp riêng, chỉ cần nghe theo tiếng nhạc truyền thống là có thể đưa tay cầm nón lên, tạo ra những điệu múa độc đáo…”.

Để minh chứng múa nón đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nhì, bà De cho biết thêm: “Phụ nữ Hà Nhì ai cũng biết múa nón. Dù bận việc ruộng nương, chăm sóc gia đình, nấu nướng, thêu thùa... nhưng ai cũng dành thời gian đan những chiếc nón bằng giang. Mỗi phụ nữ thường có 2 cái nón, một để che mưa, che nắng khi lao động; một cái treo trong phòng chỉ dùng để múa. Con gái Hà Nhì từ 10 tuổi đã biết đan nón giang, đã biết cầm trên tay chiếc nón và đung đưa theo điệu nhạc”. Bà De đã chứng kiến hàng trăm “đứa con tinh thần” của mình được thể hiện trong các dịp lễ, tết, hội. Trong đó, đội văn nghệ bản Tả Kho Khừ là đội thể hiện bài múa nón đẹp mắt nhất. Chúng tôi gặp anh Su Chùy Ly, Đội trưởng đội văn nghệ bản Tả Kho Khừ. Anh chia sẻ: “Các bài múa Vui sản xuất, múa Á Mỳ Sơ... đều không thể thiếu chiếc nón trên tay các cô gái Hà Nhì. Đội chúng tôi thường xuyên luyện tập và thể hiện những bài múa nón đặc sắc, tinh tế nhất nhằm giữ lại nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Hà Nhì”.

Và trong đêm Tết cổ truyền của người Hà Nhì tổ chức tại trụ sở xã Sín Thầu, chúng tôi đã được chứng kiến bài múa nón đẹp mắt của đội văn nghệ bản Tả Kho Khừ. Khi tiếng nhạc dân tộc dập dìu vang lên, những cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống nhẹ nhàng, uyển chuyển như bay, với chiếc nón giang trên tay cùng những nụ cười tươi tắn, họ say sưa múa theo điệu nhạc làm mê đắm lòng người. Nhờ chiếc nón nên các bài múa không chỉ trở nên nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống mà còn cho người xem thấy được sự rộn ràng, hăng say sản xuất, thể hiện cuộc sống no đủ, vui vầy của người dân tộc Hà Nhì.

Theo lời Chủ tịch UBND xã Pờ Dần Sinh thì xã Sín Thầu nói riêng và người Hà Nhì nói chung, luôn trân trọng nét đẹp múa nón của dân tộc, và đã có nhiều kế hoạch lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa này cho các thế hệ mai sau.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top