Con đường mới

00:00 - Thứ Năm, 12/02/2015 Lượt xem: 1456 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Mờ sáng, bà con gần khu vực ủy ban xã giật mình vì tiếng kẻng báo động vang lên liên hồi. Tiếng bước chân người chạy rậm rịch, tiếng gọi nhau í ới: - Cháy, cháy! Cháy kho thóc rồi…

Từng nhà bung cửa, người cái thùng, kẻ cái chậu, người chiếc câu liêm nhằm hướng đám cháy lao tới. Ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt. Kho thóc giống của hợp tác mới nhập về có nguy cơ cháy rụi. Tiếng hò hét dập lửa vang xa cả vùng. Đêm mùa hè hanh khô như tên đồng minh quái ác quăng từng chùm lửa lên trời. Hơn chục tấn thóc giống chả mấy chốc thành tro bụi, mấy gian nhà kho chỉ còn trơ lại cái khung nhà xơ xướp. Đổ vỡ tan hoang. Mọi người ngao ngán nhìn nhau. Câu liêm, thùng, chậu vứt chỏng chơ dưới đất.

Nguyên nhân vụ cháy được làm rõ, từ sự bất cẩn của người thủ kho khi chính chiều muộn hôm đó anh làm vệ sinh nhà xưởng sau khi đã nhập đủ thóc vào kho. Đống dấm bổi cùng với rác rưởi được anh quét gọn ra sau vườn và đốt. Gần sáng có gió mạnh, tàn lửa bay lên…

Người thanh niên tên Trung vừa tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp về làm cán bộ nông nghiệp kiêm thủ kho hợp tác xã chưa được bao lâu thì lĩnh án 36 tháng tù. Lúc đó anh mới 21 tuổi.

 

Những tháng ngày trong trại cải tạo với Trung dài lê thê. Ngày đi sản xuất, tối về học tập, sinh hoạt… cứ lặp đi lặp lại tưởng không dứt. Dù là sơ ý, bất cẩn nhưng anh vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những thiệt hại mà mình gây ra. Trung đau khổ, tự dày vò mình sau cánh cửa sắt. Ân hận vì đã không nghe lời cha khi ông xin cho Trung chân văn thư ở một huyện miền núi xa thành phố. Hồi ấy, anh mới học xong trung cấp, không muốn làm trái ngành nghề đã học nên ở lại làm anh cán bộ nông nghiệp xã. Là thanh niên nhưng anh không ngần ngại lội ruộng, cuốc bờ, kiểm tra từng trà lúa, phát hiện từng đợt sâu rầy để cùng lãnh đạo lên kế hoạch bảo vệ sản xuất. Nhanh nhẹn và hoạt bát, Trung được lãnh đạo xã và bà con nông dân tin tưởng giao thêm trọng trách coi kho thóc giống. Anh đang được quan tâm thì đùng một cái tai bay vạ gió thật bất ngờ!

Mỗi lần lên thăm con trai, cha Trung lại dặn anh cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Hình ảnh người cha già tóc bạc trắng vì buồn tủi như hòn đá đè nặng tâm tư anh. Đã định buông cho cuộc đời xô đẩy sau bốn bức tường nhà giam nhưng những lời dặn dò ấy đã kịp kéo Trung trở lại.

Nhờ có kiến thức, Trung được cán bộ Trại phân công những công việc phù hợp với sở trường của anh, cùng trại viên chăm sóc mấy héc ta lúa và rau màu của Trại. Như chim sổ lồng, mỗi ngày với Trung đã không còn trở nên nặng nề nữa. Anh hăng hái làm việc, giúp đỡ cán bộ, giám thị được nhiều việc khiến họ rất nể. Anh em trại viên cũng quý mến sự nhiệt tình, năng nổ của cậu nên thường xuyên bình bầu Trung là người có năng suất lao động cao nhất, hiệu quả nhất.

Một buổi tối, sau khi đi tập văn nghệ chuẩn bị mừng xuân trở về, bỗng anh bạn cùng buồng giam với Trung kêu khó ở. Anh xin phép giám thị đưa bạn lên phòng y tế để kiểm tra. Người bạn cùng phòng giam bị đau ruột thừa cấp. Thế là Trung xung phong cùng cán bộ quản giáo đưa người bạn ra bệnh viện để kịp thời làm phẫu thuật. Đêm mùa đông buốt lạnh. Đường rừng đầy ổ gà, gấp khúc. Anh bạn mỗi lúc càng đau. Trung cởi chiếc áo bông đắp cho bạn và ôm chặt anh ta vào lòng:

- Anh cố gắng chịu đựng. Sắp tới nơi rồi.

- Tôi đau lắm, chết mất thôi. Cậu bảo cán bộ đừng đi nữa…

- Không sao đâu, anh yên tâm.

Nói vậy nhưng Trung cũng cảm thấy hoang mang lắm. Trong đời, anh chưa từng gặp tình huống nào như thế. Người bạn tù toát mồ hôi hột, quằn quại trong tay anh mà đường vẫn còn xa ngái. Thỉnh thoảng người cán bộ y tế cùng đi lại tiêm một mũi giảm đau giúp người bệnh nhanh chóng qua được cơn đau bột phát. Gần sáng mới tới bệnh viện. Trung vội vàng nhảy xuống xe, cứ thế xốc người bạn của mình trên vai chạy băng băng đến phòng cấp cứu. Đoạn ruột thừa bị viêm của Nam đã vỡ. Tính mạng người bệnh treo trên sợi tóc. Nhìn bộ quần áo kẻ sọc trên người những người mới tới, các bác sĩ tỏ ra không mấy thiện cảm. Lúc bấy giờ Trung mới kịp nhìn lại bộ dạng của mình. Những người thầy thuốc lặng lẽ làm việc. Trong khi chờ cán bộ Trại làm các thủ tục, chờ bạn ngoài phòng mổ, Trung đứng ngồi không yên. Không biết tính mạng của Nam sẽ ra sao? Liệu các bác sĩ có cứu được anh ấy hay không? Khu vực phẫu thuật yên ắng lạ kỳ. Chỉ có mấy người nhà bệnh nhân ngồi, đứng ngoài hành lang. Họ nhìn Trung rồi quay sang thì thào với nhau:

- Thằng tù đấy. Có gì thì cất kỹ vào không nó xoáy mất thì khốn nạn!

- Trẻ thế mà đã vào tù ra tội thì còn tương lai gì nữa…

Có người thì lại tỏ vẻ thông cảm:

- Ôi dào, tù cũng năm bảy loại…

Loáng thoáng nghe được những lời đó, Trung rất đau lòng. Đầu anh cúi gằm xuống, cố kéo cao cổ áo lên che mặt. Sự việc xảy ra nhanh quá khiến anh không kịp chuẩn bị. Mà cũng chẳng có gì để chuẩn bị cả, phạm nhân như anh làm gì được mặc quần áo thường...

Bỗng dưng một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Hay là nhân lúc cán bộ quản giáo mải lo việc, mình vào đâu đó kiếm bộ quần áo rồi trốn đi thật xa để không ai có thể nhận ra mình…

Như người mộng du, Trung cúi gập, khẽ nghiêng người dựa vào bức tường phòng mổ, nghĩ đến một viễn cảnh xa vời. Có tiếng bánh xe lăn lạch xạch chở bệnh nhân lên phòng mổ, Trung giật mình thảng thốt: Không được, không thể trốn chui trốn lủi mãi được. Cha mẹ và gia đình đang chờ ngày mình về. Còn anh Nam nữa, giờ vẫn chưa mổ xong, không biết sống chết thế nào. Mình phải ở lại để chăm sóc anh ấy, có gì sau này còn nói lại với vợ con anh ấy nữa chứ…

Nghĩ vậy, Trung mắm môi cắn răng thật chặt để xua đi những ý nghĩ tội lỗi lúc nãy. Anh đứng dậy, hít căng luồng khí lạnh vào ngực. Thấy Trung xớ rớ đứng lên, mọi người có mặt ở đó nhất loạt hướng cái nhìn cảnh giác vào anh. Trung thẳng lưng bước tới khuôn cửa sổ phòng mổ, cố kiễng chân ghé nhìn vào bên trong. Vẫn lặng như tờ. Từng làn gió mùa đông bắc rối rít đuổi nhau ngoài hành lang. Gió mơn man phả vào mặt người từng nhát lạnh buốt, tê cóng.

- Này, ra chiếc ghế đá kia mà nghỉ một chút đi!

Người cán bộ lúc này mới quay lại, đập nhẹ vào vai Trung khi thấy anh cứ chúi đầu vào cái ô cửa nhỏ xíu trên tường.

- Dạ, cán bộ cứ nghỉ đi ạ. Cháu đợi thêm lát nữa…

- Đã bảo là không được xưng cháu rồi mà. Cậu ấy không sao đâu, may mà đến kịp thời!

- Vâng ạ! Là cháu, à… em cứ lo lo cán bộ ạ.

- Ừ, cậu chu đáo lắm. Sắp xong rồi đấy!

- Cháu, à, em chỉ sợ anh ấy làm sao thì khổ thân…

- Đã bảo là yên tâm. Đấy, họ xong rồi kia kìa. Cậu chuẩn bị đẩy xe cáng xuống nhé!

Đưa Nam về phòng hậu phẫu, người cán bộ quản giáo ý tứ kéo Trung vào nhà vệ sinh:

- Này, cầm lấy, thay đi!

Trung lặng người đón bộ quần áo. Mắt anh ngời sáng, vội cảm ơn ríu rít.

- Ơn huệ gì, cậu mặc vào ngay đi, ở đây không giống như trong Trại đâu.

Trung được ở lại chăm sóc Nam đến khi ra viện. Hôm xe của Trại đến đón, Trung lại mặc bộ đồ dành riêng cho phạm nhân. Bệnh nhân và cả những người nhà của họ hôm đó mới biết về hai người. Ai cũng khen Trung khéo léo và chu đáo chăm bẵm từng thìa cháo, thay đồ, giặt giũ cho Nam như anh ruột. Trước khi lên xe, cụ già cùng phòng còn vẫy họ lại, cho một nải chuối và bảo: - Các cháu cố gắng cải tạo cho tốt mà về với gia đình! Hai anh em nhìn nhau rồi nhìn bà cụ. Họ mỉm cười nhìn nhau, Trung rơm rớm nước mắt. Bà cụ nén cái đau, móm mém cười: - Thôi, các cháu đi đi!

Sau lần ấy, Trung được Ban giám thị Trại đánh giá cao về tinh thần kỷ luật và về ý thức trách nhiệm. Qua hai lần đặc xá, Trung được bình chọn hưởng chế độ ân xá của Nhà nước. Hình phạt của Trung rút xuống còn 30 tháng…

Ngày ra Trại, có đầy đủ cha mẹ, chị, em gái của Trung đến đón. Trút bỏ bộ quần áo có sọc, khoác lên người bộ sơ mi cũ, Trung thấy lòng lâng lâng, nhẹ nhõm. Cánh cửa Trại cải tạo khép lại sau lưng, mở ra phía trước một con đường mới. Mùa thu mới dịu dàng làm sao. Trung mở to mắt quay lại nhìn hàng chữ chạy trước cổng Trại giam lần nữa. Thêm một lần, anh rướn người căng lồng ngực hít lấy hít để luồng không khí tự do vào người. Mặt trời chiếu sáng trên đầu, nhưng anh không có cảm giác nóng bỏng cháy rát khắp cơ thể như khi mới nhập Trại. Hồi ấy, anh luôn bị ám ảnh bởi ngọn lửa đêm nào. Bất cứ cái gì màu lửa, dù là mặt trời, anh cũng sợ…

Cô bạn gái cùng làng thập thò bó hoa sau chiếc taxi. Hai má bừng đỏ khi được chị gái của Trung gọi tới. Bó hoa hồng vàng rực rỡ mãi mới được dúi vào tay người nhận. Bốn mắt họ thoáng gặp nhau bối rối… Người quản giáo từ phía sau lại đập mạnh vào vai Trung, anh giật bắn mình:

- Thưa cán bộ, có cháu ạ!

Tất cả mọi người cùng cười vang.

- Ồ không, bây giờ anh không có quyền gọi tôi là cán bộ nữa! Thôi, về đi. Chúc lên đường may mắn!

* * *

Mới đó mà đã chục năm trôi qua, Trung đã trở thành kỹ sư nông nghiệp. Không ai nhắc lại vụ cháy năm xưa nhưng trong lòng anh luôn nhớ về nó. Anh tự dặn mình phải vượt qua những mặc cảm tội lỗi, vươn lên làm lại từ đầu. Những thử thách lần lượt đến với anh và anh lần lượt vượt lên tất thảy. Và, hôm nay…

Vừa dứt câu tuyên thệ dưới cờ, nước mắt Trung trào tuôn như đã bị kìm nén từ lâu lắm. Cả chi bộ lặng đi trước sự xúc động mạnh mẽ của người đảng viên mới vừa được chuẩn y kết nạp. Gương mặt anh nhạt nhòa nước mắt, những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc…

Phía ngoài hội trường, thấp thoáng cánh tay bé gái giơ bó hồng nhung cắt ở vườn nhà ra vẫy bố. Bó hồng nhung rực lửa phía trời chiều như những quả cầu đỏ rực. Không biết từ lúc nào Trung lại yêu cái màu đỏ ấy. Nó là một ngọn lửa khác trong anh, thôi thúc anh trong cuộc cải lão hoàn đồng này.

Truyện ngắn của Kim Liên

Bình luận
Back To Top