Hội xuân nơi vùng cao

00:00 - Thứ Bảy, 07/03/2015 Lượt xem: 1775 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Khi đất trời còn căng tràn sức xuân, muôn nơi rộn ràng lễ hội, thì cũng là lúc ở các bản làng vùng cao Điện Biên, đồng bào các dân tộc gọi nhau xuống hội du xuân với những hoạt động riêng, mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc.

Đầu xuân trong vai lữ khách đường xa, tôi và những người bạn của mình chọn vùng cao để du xuân. Điểm đến đầu tiên của cả đoàn là xã Tả Phìn (Tủa Chùa) - nơi được mệnh danh là “tiểu Hà Giang” của vùng Tây Bắc.

Tả Phìn vào hội xuân.

Khi con gà cất tiếng gáy đầu tiên, cả cao nguyên đá Tả Phìn còn chìm trong lảng bảng sương sớm, phụ nữ Mông đã bắt đầu lục đục với chõ đồ xôi. Họ chuẩn bị đồ ăn, chải tóc, sửa soạn, rồi cẩn thận mang bộ trang phục còn thơm mùi chàm, sẵn sàng cho một ngày hội. Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi phía xa, những tia nắng xuyên qua cánh đào rừng còn cõng đầy sương, cả cao nguyên Tả Phìn rực rỡ trong nắng mới xen giữa màu xám của lớp lớp đá tai mèo là sắc màu tím, màu chàm của từng tốp, từng tốp người Mông xuống hội. Chiếc ô xoay tròn, vừa che nắng, vừa để giấu đi ánh nhìn trộm của những chàng trai đang tuổi “cập kê”. Đã quen với những hội du xuân như thế này, nhưng mỗi lần đến, mỗi chúng tôi lại có một cảm nhận riêng. Ở điểm du xuân Tả Phìn nhìn từ trên cao luôn là sự lựa chọn hoàn hảo. Nét hoang dại của núi đá, của đào rừng khiến bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng. Trong tâm thế vừa quen, vừa lạ, chúng tôi hòa mình vào dòng người.

Trên một khu đất trống, rộng, người ta dựng cờ hội cũng là để đánh dấu địa điểm vui xuân. Cứ nhìn những điểm có cờ, người dân khắp nơi tự biết mà tìm đến; khi cờ được hạ, tức là ngày hội đã kết thúc.

Nhận quả pao nhận cả ánh mắt nụ cười. Ảnh: VŨ LỢI

Không có điều kiện tham gia lễ hội du xuân ở nhiều nơi, nhưng với những lần trải nghiệm của mình, cũng đủ để có sự so sánh nét riêng biệt của những hội xuân nơi vùng cao. Với nhiều người đam mê phượt, yêu bản sắc văn hóa truyền thống thì những hội xuân vùng cao này luôn có sự cuốn hút riêng. Và có lẽ chẳng mấy hội xuân nơi đâu mà “chất vùng cao” lại rõ nét như hội xuân Tả Phìn. Không có bất cứ sự dàn dựng nào, các hoạt động vui xuân ở đây đều diễn ra tự nhiên, xuất phát từ chính sự mộc mạc, chân chất của đất trời, con người vùng cao.

Từng nhóm nam nữ xếp thành 2 hàng ném pa pao. Quả pao trao đi trao cả ánh mắt nghiêng nghiêng. Đây là trò chơi đặc trưng không thể thiếu trong bất cứ hội xuân vùng cao nào. Trò chơi này thu hút đông đảo người tham gia nhất, bởi nó không phân biệt tuổi tác và mỗi người chơi với cách riêng, gửi gắm tâm tư tình cảm riêng vào mỗi quả pao trao đi nhận lại. Thậm chí, cả những lữ khách đường xa như chúng tôi cũng có thể tham gia để trải nghiệm tình ý trong từng cách ném pao. Theo quan niệm của người Mông, quả pao được ném theo cách thông thường là tung từ dưới lên; nhưng nếu được ném từ trên xuống vào một người cụ thể thì nghĩa là người ném pao đã chọn được người thương cho mình. Giữa khung cảnh “nhuộm” đầy sắc xuân, họ trao nhau quả pao thay lời muốn nói. Đối với người Mông, quả pao không có tuổi. Bởi vậy mà từ khi sinh ra, nó ngẫu nhiên được chọn làm sứ giả của tình yêu. Mỗi độ xuân về, người Mông tìm đến hội xuân để ném pao, như một cách tìm kiếm cơ hội cho mình.

Lữ khách đường xa dễ dàng hòa nhập cùng hội xuân vùng cao.

Đã một lần đến hội xuân vùng cao, sẽ khó mà quên được tiếng khèn của người Mông. Tiếng khèn tấu lên giai điệu của cuộc sống, của tình yêu, hòa vào đá, vào núi, trầm bổng mà sâu lắng. Người già ở đây bảo “Khèn Mông là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ hồn của dân tộc”. Đó là lý do mà trong những dịp hiếm hoi tiếng khèn được vang lên, thì không thể thiếu ở hội du xuân. Thanh niên nam nữ, cả những người già tạo thành từng đôi, người con trai thổi khèn đi trước, người con gái cầm ô theo sau. Cứ thế họ cùng xoay, cùng múa, không theo làn điệu dàn dựng mà theo nhịp khèn, cho tới khi chàng trai đã thấm mệt, người con gái ưng tiếng khèn mới thôi. Và khi “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, hay bất cứ ai cảm thấy “tiếng lòng” khó nói, thì họ sẽ tìm đến những câu hát đối. Cũng như hát xoan Phú Thọ, hát quan họ Bắc Ninh, ở các hội du xuân vùng cao có hát đối. Tiếng hát không có tuổi, không phân biệt già trẻ, gái trai. Hát đối là cách tốt nhất để nam nữ thể hiện tình cảm với người mình thương, thông qua lời ca chan chứa tình cảm và đầy ý nghĩa. Tình cảm trao nhau qua từng tiếng hát, từng ánh mắt liếc lại gần xa.

Nếu như say trong tiếng khèn, tiếng hát của phần lớn người Mông đen ở hội xuân Tủa Chùa, thì du khách sẽ choáng ngợp với rực rỡ sắc màu của hội xuân người Mông hoa, Mông đỏ, Mông xanh... ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên Đông... Sắc màu ấy được tạo nên bởi trang phục họ mang trên mình và từ những chiếc ô xoay tròn trong ánh nắng. Không như đồng bào Mông đen, người Mông hoa, Mông đỏ hay Mông xanh... lại ưa chuộng các màu sặc sỡ, như: đỏ, vàng, cam... Chính vì vậy, đến với những hội xuân tại đây, chỉ riêng sắc màu trang phục của đồng bào xuống hội cũng đủ làm du khách “say nắng”.

Hòa mình vào hội xuân vùng cao, đồng bào các dân tộc như được trở về với cội nguồn; tìm thấy niềm vui cho mỗi người. Và đó như một cách tự thưởng cho bản thân sau một năm lao động vất vả, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để họ bắt đầu một năm mới đầy phấn khởi. Còn với những du khách như chúng tôi, đó là khoảng thời gian hiếm hoi được sống, khám phá và cảm nhận bản sắc văn hóa truyền thống, có được những trải nghiệm thú vị. Trong ánh mắt, nụ cười thân ái dành cho nhau, cảm giác “lạc lõng”, khác biệt giữa dân tộc, tuổi tác sẽ không còn, thay vào đó là sự thân thiện, đoàn kết. Nếu bất chợt được tham dự một hội xuân vùng cao nào đó bạn sẽ dễ dàng hòa nhập với không khí rộn ràng rộng mở như tấm lòng hiếu khách của người vùng cao. Đã từng tham gia một hội xuân vùng cao nào đó, hẳn bạn sẽ cảm nhận, hội xuân vùng cao không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn mang tính cộng đồng cao. Và tin chắc rằng, đó chính là “món quà” đầu xuân đầy ý nghĩa dành cho lữ khách đường xa...

Hà Linh
Bình luận
Back To Top