Đất nước - con người

Đại danh lam Phật Tích

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 2227 In bài viết
Chùa Phật Tích (di tích được xếp hạng quốc gia từ năm 1962), tên chữ là “Vạn Phúc tự”, nằm ở sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia nơi đây có nhiều thiền sư tu luyện. Theo sử sách để lại thì Phật Tích là nơi đức Phật đã từng ngự. Chùa được bắt đầu xây vào khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ X và hoàn chỉnh vào triều Lý, khi Phật giáo được coi là quốc giáo.

Chùa Phật Tích trở thành một đại danh lam với nhiều tòa ngang dãy dọc, cảnh quan đẹp, phía trước là sông Đuống, phía sau là dãy núi Nguyệt Hằng nhấp nhô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép về ngôi chùa này. Chùa được mở rộng xây dựng hoành tráng và tu bổ khang trang vào năm 1686. Tấm bia đá “Vạn Phúc đại thiền tự bi” đặt trong chùa năm ấy, cho biết: năm 1057 nhà Lý cho dựng ở đây cây tháp cao mười trượng, bên trong có pho tượng Phật mình vàng cao sáu thước (đó chính là pho tượng Phật A Di Đà). Đến đầu thế kỷ XX chùa vẫn nổi tiếng linh thiêng và to đẹp, là nơi hành hương của nhân dân Kinh Bắc và khách thập phương đổ về hàng năm, nhất là dịp lễ hội Phật Tích ngày 4/1 âm lịch hàng năm.

Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được trùng tu quy mô lớn theo kiến trúc cổ. Trong khuôn viên chùa ngày nay còn có pho tượng A Di Đà ngự tại Thượng Điện, chiếm vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật dân gian ở nước ta. Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc, đã được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này.

Ngoài tượng Phật A Di Đà quý hiếm, chùa Phật Tích còn bảo lưu được những di vật quý khác như: Chân cột bằng đá chạm khắc hoa sen (mỗi hoa sen là một đôi rồng chầu), hình dàn nhạc công thiên thần đang tấu nhạc dân tộc, nhằm tôn vinh Phật pháp. Tượng đầu người mình chim (chim thần Kinnaras) đánh trống cơm, với ý nghĩa tấu nhạc thiên thần để dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp. Đặc biệt là hàng thú đá 10 con to lớn phủ quỳ gồm (ngựa, trâu, tê giác, voi, sư tử) đối xứng nhau trước cửa chùa. Những thú đá này được nằm trên bệ đá có những cánh hoa sen (cao trung bình 1,2m, dài 1,5m - 1,8m); trên thân mình sư tử có những lớp vân mây xoắn biểu tượng cho những tinh tú. Những linh vật này đều được tạo trong tư thế chầu phục và ẩn chứa một tinh thần sâu xa quy phục Phật pháp.

Tượng nữ thần chim được tạc trong tư thế bán thân, với đôi tay đã được thay bằng đôi cánh mang đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Tại Bảo tàng Lịch sử cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột của chùa Phật Tích, hình vuông kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi vô cùng tinh tế, với 16 cánh sen chính, cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ, mỗi cánh sen chính trông giống như những mai rùa. Cũng cần phải kể đến pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết và 32 bảo tháp (thế kỷ XVII - XX) đứng rải rác ven đồi...

Năm 2007 là lần gần nhất chùa Phật Tích được đầu tư tôn tạo, với tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục lớn như quy hoạch tổng thể cảnh quan, Đại Phật tượng, tam bảo, gác chuông, nhà bảo tàng...

B.L.N (Tổng hợp từ Internet)

Bình luận
Back To Top