Di tích sau xếp hạng:

Chưa được quan tâm đúng mức

00:00 - Thứ Sáu, 08/01/2016 Lượt xem: 1964 In bài viết
ĐBP - Để một di tích được xếp hạng cần rất nhiều thời gian và công sức từ nghiên cứu thẩm định đến lập hồ sơ khoa học. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít di tích được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó sau khi đã xếp hạng lại chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư tương xứng từ các cấp chính quyền và kể cả ý thức bảo vệ, giữ gìn của người dân địa phương.

Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Trong đó, việc xếp hạng di tích trải qua nhiều quy trình như: Có đơn đề nghị xếp hạng di tích của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, đề nghị xếp hạng theo thẩm quyền. Bước tiếp theo là tiến hành lập lí lịch di tích, bản đồ vị trí và đường chỉ dẫn đến di tích; bản vẽ kỹ thuật về di tích, tập ảnh màu và hiện vật thuộc di tích, bản thống kê hiện vật thuộc di tích; biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích... Đối với di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh thì Giám đốc Sở VH-TT&DL phải lập tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng. Còn với di tích đề nghị xếp hạng cấp quốc gia thì Chủ tịch UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL .

Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, hang Há Chớ, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo cũng cần thực hiện biện pháp quản lý, bảo vệ chặt chẽ để phát huy giá trị di tích.

Hiện nay, việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích do Bảo tàng tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, công tác triển khai lập hồ sơ còn nhiều trở ngại, đặc biệt là việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu, nhân chứng sống đã ít nhiều thưa vắng. Dù nhiều khó khăn như vậy nhưng đơn vị đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, điển hình là việc lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh đối với Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm; cấp quốc gia đối với hang động Chua Ta (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) và hang động Há Chớ (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo). Bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Cán bộ tham gia lập hồ sơ di tích phải đi rồi đọc nhiều tài liệu thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Để lập hồ sơ, chúng tôi phải chia thành các nhóm đi ròng rã nhiều ngày để thu thập tư liệu. Trong khi đó, giao thông đến một số điểm di tích hầu như chưa có mà phải băng rừng, lội suối mới có thể đến địa điểm di tích cần xếp hạng. Quá trình vất vả là vậy nhưng điều băn khoăn, trăn trở hiện nay là, hầu hết di tích sau khi xếp hạng lại chưa phát huy hiệu quả rõ rệt. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Thiếu kinh phí đầu tư bảo vệ, tôn tạo; chưa có bảo vệ. Bên cạnh đó là ý thức của người dân tại điểm có di tích chưa cao, có điểm vẫn bị xâm phạm, mai một theo thời gian.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 17 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Sau khi hoàn thiện hồ sơ và được công nhận di tích, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích được giao lại cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có di tích lại chưa triển khai một dự án hoặc chương trình bảo vệ nào nhằm phát huy giá trị sau khi đã xếp hạng. Điều này dẫn đến thực trạng một số di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng như hang động Xá Nhè, huyện Tủa Chùa là một ví dụ. Do chưa có bảo vệ nên người dân quanh khu vực di tích ngang nhiên vào hang bẻ, đập nhũ đá... Nằm cách T.P Điện Biên Phủ hơn 10km, di tích lịch sử cấp quốc gia thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên). Tuy nhiên, nhiều năm nay, hàng trăm mét hành lang phía ngoài tường thành đã bị người dân xâm lấn, chiếm dụng. Một số hộ còn đào ao, nuôi cá, biến nhiều đoạn chân thành trở thành bờ bao của ao. Hành lang hai bên tả, hữu của cổng thành bị nhiều hộ dân chiếm dụng cơi nới, xây những công trình kiên cố để buôn bán, kinh doanh...

Theo ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thì, nhiều địa phương sau khi đề nghị xếp hạng di tích xong chưa quan tâm đúng mức đối với di tích của địa phương mình. Trong khi đó, ngành VH-TT&DL không thể quán xuyến hết nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ phía địa phương có di tích. Trước khi đề nghị và sau khi đã được xếp hạng, các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm và xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với ngành trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, kết hợp với các công ty du lịch giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ di tích và tài nguyên môi trường... Vì vậy, cùng với công tác lập hồ sơ xếp hạng thì cũng phải xây dựng chiến lược rõ ràng, cụ thể gắn với việc phát huy hiệu quả của di tích.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top