Trăn trở hát then, đàn tính

00:00 - Thứ Sáu, 08/01/2016 Lượt xem: 2816 In bài viết
ĐBP - Cách đây mấy tháng, biết tin đoàn Điện Biên giành giải cao tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ V tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang (9/2015), tôi tìm gặp ông Lý Văn Nhạ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Điện Biên. Song câu chuyện giữa chúng tôi không chỉ dừng ở việc Điện Biên đoạt giải A toàn đoàn, trong lần “đem chuông đi đấm xứ người” với sự tranh tài của những nghệ nhân - diễn viên các tỉnh bạn...

Bằng hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật hát xướng của văn hóa Thái, ông Lý Văn Nhạ giảng giải cho tôi nhiều điều khác nữa. Theo ông Lý Văn Nhạ, Điện Biên là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo của riêng mình. Đó là kết quả của một quá trình chắt lọc những thuần phong mỹ tục nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo của người lao động. Những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của các dân tộc được lưu truyền trong dân gian, được ghi lại trong trí nhớ của con người, được trình diễn qua lễ hội truyền thống và trở thành của cải tinh thần chung vô cùng quý giá.

Đội văn nghệ dân tộc Thái (thị xã Mường Lay), với nhạc cụ chủ đạo là những cây đàn tính truyền thống.

Trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên, dân tộc Thái chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Họ có chữ viết riêng khá sớm, nhờ đó mà các tác phẩm nghệ thuật trữ tình như: Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), Tản chụ xiết xương (Tâm tình thương nhớ), Quám tố mướng (Chuyện kể bản mường); những câu ca dao, dân ca và những ghi chép về phong tục tập quán, lễ nghi còn được lưu truyền đến ngày nay. Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nền thơ ca Thái được kết tinh từ bao thế hệ, đến nay trở thành truyền thống sinh hoạt trong đời sống bản mường. Những câu chuyện truyền miệng, những làn điệu dân ca, các điệu dân vũ cổ, lễ hội truyền thống và những làn điệu hát then... là những tinh hoa dân tộc đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Đồng bào Thái gọi “khắp” là hát và “sư” là thơ; “khắp sư” là hát thơ. Người Thái thường làm thơ là để hát, đã hát là hát bằng thơ, tiếng hát là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu. Người Thái nghe hát hoặc hát cho mọi người nghe một cách say mê, mọi người không chỉ thưởng thức thi vị của ý thơ mà còn gửi gắm tâm tư tình cảm vào những âm thanh trầm bổng của giọng hát. Hát then và đàn tính là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng.

Then tính tẩu là loại hát mang tính chất lễ và hội. Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để chúc phúc, cầu được mùa..., then còn vui đón khi tết đến xuân về, giải trí mua vui, giãi bày nỗi lòng, thậm chí thể hiện tình yêu trai gái hoặc ngợi ca quê hương, bản làng... Qua thống kê chưa thật đầy đủ của chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Điện Biên, đến nay chi hội đã sưu tầm được trên 40 làn điệu hát then. Những làn điệu này chủ yếu phục vụ cho các thầy mo, thầy cúng và được trình diễn tại các bản mường của đồng bào dân tộc Thái trong các dịp vui như: Mừng nhà mới, lễ hội, lễ cưới, lễ xên bản, xên mường, lễ xên pang, xên phắn bẻ, lễ cầu mưa... Mỗi khi được dự và chứng kiến các lễ hội hát then của đồng bào Thái, sau phần lễ, chúng ta còn được xem phần thể hiện tài nghệ của các chàng trai, cô gái trong bản cùng các điệu múa dân gian. Nhiều điệu múa gắn với tín ngưỡng hát then. Đó thường là những điệu múa giản dị, mộc mạc của đời sống lao động thường ngày nên người xem dễ cảm thụ và tiếp nhận. Cũng thông qua các lễ hội hát then càng làm tăng thêm niềm tin yêu trong cuộc sống, họ cầu mưa cho “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; mong cho mưa thuận, gió hòa; trồng ngô, ngô xanh; trồng lúa, lúa tốt; bà con dân bản mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, không ốm đau bệnh tật...

Nghi thức “chia nước” trong lễ cầu mưa của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên.

Với nghệ thuật xướng ca, ông Lý Văn Nhạ cho biết: Lối hát thơ và hát then của dân tộc Thái phục vụ cho tín ngưỡng, được chia thành hai loại: Khắp mo hay khắp một. Đặc biệt là loại khắp một sẽ có: Một người đàn ông hát đệm theo sáo nứa (có lưỡi lam đồng) - pí láo hoặc tính tẩu; gọi là khắp một láo; một người phụ nữ hát không đệm theo nhạc cụ (gọi là khắp một nhính). Đây là cách sử dụng âm nhạc để những ai còn quan niệm mơ hồ về thế giới và sự sống, có thể đoán định trước về những sự rủi ro (hậu vận) của mình. Do đó, họ có cảm giác yên tâm rằng cho dù cuộc sống có đen đủi thế nào rồi cũng sẽ qua khỏi, sau khi làm xong các thủ tục về tín ngưỡng và đã được nghe một hát. Âm nhạc ở đây (một hát) trở thành tiếng ru lòng người, là nét đẹp sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái.

Then là người hát các làn điệu then, được cấp sắc, công nhận để thực hiện các nghi lễ, cúng tế của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, cầu an, xin được có con để nối dõi tông đường... Khi hành lễ then ngồi xếp bằng tròn, mặt quay về phía bàn thờ, miệng hát, tay gảy đàn... Hát then có nhiều làn điệu phục vụ các nghi lễ cúng tế, nội dung lời hát diễn đạt con đường đưa binh mã đi làm lễ; vừa hiện thực vừa lãng mạn, lại có âm nhạc chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng, nên có sức dẫn dắt người nghe từ cuộc sống thực tại đi vào cõi mộng mơ. Nó trở thành một nhu cầu tâm linh bên cạnh các hình thức cúng tế khác.

Nói đến hát then của người Thái Tây Bắc không thể không nhắc đến cây đàn tính tẩu - một nhạc cụ có thể nâng tiếng hát then bay cao, vang xa. Nó vừa dẫn dắt, vừa đệm, đồng thời cũng là một “giọng hát thứ hai” bổ sung cho giọng hát của nghệ nhân diễn xướng. Tính là tiếng của cây đàn, tẩu là quả bầu, đàn được làm bằng quả bầu là nhạc cụ quan trọng nhất của người hát then, được coi như một vật “thiêng”, là của “trời cho”. Có người cho rằng ban đầu đàn tính chỉ được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, mãi sau này mới được dùng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Trong thực tế, cây đàn tính là một trong những lễ cụ chủ yếu không thể thiếu được của người làm then, nó gắn liền với hành lễ, cây đàn tính và then luôn luôn gắn bó với nhau nên có nơi gọi đàn tính là đàn then. Các bài hát then được kể bằng giai điệu dễ hát với lời thơ trau chuốt, dễ thuộc. Chỉ cần một tính tẩu, nhị hoặc pí đệm hát cùng then, âm nhạc thêm phong phú. Then - tính tẩu, xuất phát từ trái tim mà lời hát, tiếng đàn được tấu lên khiến người chơi, người nghe lòng dạ thổn thức, xao xuyến khôn nguôi. Kỹ thuật luyến láy từ tiếng tính tẩu của người chơi đàn như thổi hồn cho câu hát của người làm then, tưởng mình đang trong đoàn binh mã cờ xí rợp đất, trống chiêng vang trời do ông then dẫn lối về với tổ tiên.

Mang trong lòng những tâm tư về một loại hình văn hóa được coi là “tinh hoa” của núi rừng, ông Lý Văn Nhạ không giấu nổi sự băn khoăn: Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hát then, đàn tính của người Thái Điện Biên đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện tại chưa có bất cứ giáo trình nào dạy hát then, đàn tính. Trên thực tế, hát then, đàn tính chủ yếu được lưu truyền qua sự giao thoa của thời gian, của giao tiếp cộng đồng và truyền dạy cho các thế hệ sau một cách tự phát, nhỏ lẻ. Việc gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật này đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch lưu giữ, bảo tồn và phát huy một cách cụ thể, thường xuyên và đúng đắn.

Cùng với đó, nghề làm đàn tính cũng đang dần mất đi. Đến nay số người biết sử dụng và chế tác cây đàn tính ở Điện Biên không nhiều. Các nghệ nhân chế tác đàn tính đều đã già yếu, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nên nguy cơ không còn người chế tác đàn tính tinh xảo chuẩn mực về âm thanh là rất lớn. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ, lập hồ sơ pháp lý và khoa học về các làn điệu, lời thơ nghi thức hát then truyền thống của từng địa phương, ghi chép các bài truyền miệng thành văn bản cũng như đánh giá từng tác phẩm then cụ thể thông qua các bảo tàng hoặc trung tâm nghiên cứu. Về các phương thức truyền dạy nghề hát then, cần sử dụng các đội văn nghệ địa phương, đồng thời đưa các làn điệu then, cách gẩy đàn tính vào các trường nghệ thuật với những chương trình âm nhạc dân gian.

Để khép lại những nội dung vừa trao đổi, ông Lý Văn Nhạ cho rằng từ xa xưa đàn tính và hát then đã được lưu truyền, đồng thời gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái. Tôi thật sự ấn tượng khi ông Lý Văn Nhạ xòe bàn tay mình ra và đếm một cách chậm rãi. Hình như có cái gì làm ông nghèn nghẹn khi nói: “Trong cộng đồng Thái tỉnh ta, người hát then tài và chế tác đàn tính giỏi không còn nhiều, anh ạ!”...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top