Đất nước - Con người

Chùa Tây Phương

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2565 In bài viết
ĐBP - Chùa Tây Phương (còn gọi là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Tây Phương, hình cong như lưỡi câu, nên gọi là “Câu lậu” thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc bậc nhất Việt Nam. Chùa đặt trên đỉnh núi cao hơn 100m gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung, được xây bằng gạch nung đỏ với những nét căn bản của kiến trúc truyền thống, tạo không gian tâm linh đồ sộ, phóng khoáng. Đường vào chùa thanh vắng và thoáng đãng, tạo cảm giác như trong không gian tĩnh mịch. Lối lên chùa có 239 bậc cấp làm bằng đá ong.

Đến nay, chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu. Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông (1607-1662) chùa được xây dựng 3 gian: thượng điện, hậu cung và hành lang 20 gian. Dưới thời Tây Sơn, năm 1794 chùa được đại trùng tu và có diện mạo kiến trúc như hiện nay. Với lối kiến trúc chữ Tam gồm ba toà cất dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Mỗi nếp đều được xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần không trát vữa, tạo cảm giác thô mộc gần gũi, các cửa sổ đều hình tròn với biểu tượng sắc không của đạo Phật. Các cột gỗ trong ba nếp: bái đường chính điện và hậu cung đều kê trên những tảng đá xanh khắc hình cánh sen. Các mái đều lợp ngói hai lớp: mái trên in hình lá đề, lớp dưới lót hình vuông sơn ngũ sắc xếp đều trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông ngay ngắn. Các góc mái của ba toà bái đường, chính điện, hậu cung đều cong trên có gắn tứ linh bằng sành nung. Mỗi toà đều có kiến trúc riêng nhưng hợp thành một quần thể hài hòa, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Mái chùa có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp.

Trong chùa có hàng chục pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn được đánh giá cao về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta; gồm tượng la hán, tượng tổ, kim cương, hộ pháp; hầu hết các tượng đều được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Các bộ tượng gồm Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), tượng Di đà tam tôn, tượng Tuyết sơn miêu tả đức phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca diếp đứng hầu; tượng đức phật Di Lặc tượng trưng cho vị phật của thế giới cực lạc tương lai, người mập mạp ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát lên sự hoan hỉ, đại lượng; tượng Văn Thù Bồ Tát; tượng phổ hiền Bồ Tát; tượng Bát bộ Kim cương… Bộ tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường thượng điện đã thực sự cuốn hút du khách. Pho có tư thế đứng, có pho thì dáng ngồi, pho có vẻ mặt hân hoan tươi tắn, có pho lại như đang phân bua thì thầm trò chuyện cùng ai, pho thì giương mắt nhíu mày, pho lại có vẻ mặt trầm tư khắc khổ. Ngắm những pho tượng này hẳn không ai trong chúng ta không nhớ tới bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận sáng tác năm 1960.

Ngoài khuôn viên cảnh chùa rộng rãi, những tán cây xanh mát bao phủ tạo cảm giác yên bình, mát mẻ thư thái tâm hồn. Những bậc cấp bằng đá ong còn đưa bạn đến thăm chùa Thanh Am và chùa Quan Âm. Trên đường xuống là những nếp nhà xây bằng đá ong để trần, những khung cảnh và khoảng sân thoáng rộng, tĩnh lặng mang lại cho du khách cảm giác như đang lọt vào ngôi làng cổ.

Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn niên đại cuối thế kỷ XVIII được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia; chùa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

B.N (Tổng hợp)
Bình luận
Back To Top