Phim Việt Nam trước thách thức hội nhập

00:00 - Thứ Năm, 21/01/2016 Lượt xem: 1908 In bài viết
Cho đến nay, ngoài các hãng phim Nhà nước đã có nhiều đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim. Tuy vậy, công nghệ vẫn còn thấp, phim trường thiếu thốn, đội ngũ sản xuất hầu hết trưởng thành qua thực tế; những người được đào tạo ở các trung tâm điện ảnh lớn còn quá ít và không đồng bộ. tác phẩm điện ảnh của ta vẫn chỉ tự giới hạn trong quy mô khá khiêm tốn...

Cảnh trong phim "Cuộc đời của Yến" - phim đoạt giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Cùng với sự phát triển của các hãng sản xuất, ngoài mấy cụm rạp quốc doanh, đã có nhiều công ty tư nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng các cụm rạp hiện đại. Nhưng có một nghịch lý là, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, các công ty có vốn nước ngoài được ưu tiên nhiều thứ, trong khi các công ty trong nước lại phải “gánh” rất nhiều thủ tục cộng với nộp thuế nhập khẩu mặt hàng đặc biệt. Trong kinh tế, muốn tồn tại và thắng, phải nâng cao chất lượng hàng hóa và điều đó có lợi cho người tiêu dùng. Một số nhà sản xuất và phát hành tỏ ra lo lắng vì đã xuất hiện những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Có công ty nước ngoài đã bỏ vốn thâu tóm một số cụm rạp và xây thêm để có một số lượng rạp áp đảo, tạo lợi thế khi phát hành phim. Sẽ không có gì đáng nói, nếu đó là những hoạt động cạnh tranh bình thường nhưng ở đây các rạp thường xuyên ưu tiên dành tỷ lệ ăn chia cao hơn cho phim nước ngoài (các mức 60-55-50-45-40), trong khi phim Việt Nam không bằng những phim nhỏ của Mỹ (các mức 45-40-35-30). Việc chia sẻ mức doanh thu cao hơn cho các chủ phim nước ngoài là hành vi phân biệt đối xử với doanh nghiệp sản xuất phim trong nước. Hơn thế, kênh phân phối lớn nhất là hệ thống rạp, công ty nước ngoài lại điều chỉnh lịch chiếu phim Việt Nam, không tạo thuận lợi và vị trí tốt cho quảng cáo. Lạ lùng hơn là họ còn đem xe khuyến mại tới cửa các rạp chiếu phim khác để phát vé, tranh giành khách. Phim Việt Nam bị “dìm hàng” ngay ở thị trường trong nước, điều này đi ngược với chính sách khuyến khích phát triển nền điện ảnh dân tộc đã được thể chế hóa trong Luật Điện ảnh và các văn bản liên quan.

Văn hóa, trong đó có điện ảnh, cho dù tuân theo cơ chế kinh tế thị trường thì bất cứ quốc gia nào cũng phải có chính sách tự vệ và bảo vệ văn hóa dân tộc. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có lẽ phải được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực văn hóa. Cho đến nay đã có Luật Điện ảnh nhưng nhiều điều trong bộ luật đó chưa đi vào cuộc sống. Dù luôn khẳng định, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển nhưng trong thực tế, văn hóa, mà điện ảnh là một ngành nghệ thuật có tác động xã hội rất lớn để góp phần chuyển tải những nội dung về tư tưởng - chính trị mà Đảng và Nhà nước yêu cầu qua từng thời kỳ vẫn còn thiếu một chiến lược phát triển hiện thực, từ đào tạo nhân lực, hệ thống sản xuất, phát hành và chiếu phim. Nhiều phim Nhà nước đầu tư kinh phí lớn vẫn không tới được với người cần xem. Thí điểm chiếu miễn phí ở một vài cụm rạp không phải lúc nào cũng mời được khách.

Một đặc điểm đáng chú ý là các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim nước ngoài thường nằm trong một tập đoàn kinh tế lớn với nhiều lợi thế. Không chỉ được chống lưng và tài trợ, mà khi đi theo các tập đoàn lớn về kinh tế, họ có những sự bảo lãnh hữu hình và vô hình của chính quyền các địa phương, nơi tập đoàn đầu tư các khu công nghiệp. Tới đây, khi nước ta tham gia vào các hiệp định tự do thương mại, các nhà phát hành phim nước ngoài có thể sản xuất phim ngay tại Việt Nam. Nếu đây là một tin vui cho người xem, thì lại thêm một nỗi lo lớn cho những nhà sản xuất phim trong nước. Một loạt phim giải trí sẽ là chọn lựa hàng đầu của nhà phát hành nước ngoài. Các rạp trong nước đối mặt nguy cơ sẽ không còn chỗ chiếu cho phim Việt Nam. Chưa kể nhân lực làm phim vốn ít ỏi hiện có của Điện ảnh Việt Nam có thể chạy theo lợi ích trước mắt, bị cuốn vào guồng máy sản xuất của họ.

Tham gia hoạt động văn hóa, cụ thể ở đây là điện ảnh, thường có hai đối tượng: Một coi đây là phương tiện kinh doanh để kiếm tiền. Khi thuận lợi, họ làm mọi cách để sớm có lợi nhuận và lợi nhuận nhiều nhất. Khi cảm thấy khó khăn hoặc không còn nhiều lợi nhuận, họ sẵn sàng chuyển hướng hay chuyển nhượng thương hiệu cho các công ty nước ngoài. Hiện tượng này đã và đang diễn ra, nhưng cả về lý cũng như về tình, không ai trách họ được. Một bộ phận khác, ngoài mục đích kinh tế còn vì đam mê và ý thức đối với văn hóa dân tộc. Mấy năm qua, không phải lúc nào cũng thuận lợi, phim nào cũng thành công, nhưng nhiều cá nhân, công ty cũng đã xây dựng được thương hiệu của mình. Để giữ thương hiệu, họ vừa phải ngày đêm lo nghĩ, tìm ý tứ sáng tạo, đối tác liên kết, nguồn kinh phí để vừa sản xuất; vừa nuôi sống một đội ngũ đông đảo những người tham gia sản xuất thuộc rất nhiều lĩnh vực. Nếu thiếu ý thức công dân và lòng tự hào về văn hóa dân tộc, không phải ai cũng kiên định với sự lựa chọn nhọc nhằn, đầy mạo hiểm này.

Tham gia TPP, hòa nhập cộng đồng ASEAN, không chỉ kinh tế, mà văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn, trước hết là trình độ nhân lực lao động. Với điện ảnh, máy móc, các phương tiện kỹ thuật, có tiền là giải quyết được ngay; nhưng người sử dụng và phát huy được hiệu quả máy móc kỹ thuật đó để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, hiện đại thì cần được đào tạo công phu, thử thách và rèn luyện qua thời gian. Bài học phát triển điện ảnh thành công của các quốc gia trên thế giới đều bắt đầu từ đào tạo nhân lực. Điều này, đến nay ở nước ta chưa được coi trọng một cách thấu đáo.

Chúng ta vẫn có một lợi thế là, khán giả Việt Nam, nhất là lớp trẻ ngày càng có ý thức ủng hộ những sáng tạo, tìm tòi của các nhà làm phim trong nước. Thời gian gần đây, nhiều đạo diễn trẻ xuất hiện và phim của họ thu được một số thành công tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đã có những phim ra rạp được khán giả trẻ nô nức đón nhận. Nếu với việc nhập các thiết bị công nghiệp hiện đại, cùng với vốn đầu tư và đội ngũ chuyên gia bậc cao, hầu hết tài nguyên quý trong lòng đất đã được khai thác và sử dụng; thì với tài nguyên văn hóa muốn khai thác, để tạo thành tác phẩm, chúng ta đang không chỉ thiếu nguồn vốn, thiết bị, mà quan trọng là nhân lực, cụ thể ở đây là điện ảnh. Các nhà sản xuất phim tư nhân nhiệt tình thì nhiều nhưng tiềm lực tài chính và nhân sự thực hiện thì quả là nghèo nàn. Chính ở đây, và lúc này cần hiện thực hóa những sách lược, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, để tạo môi trường tự chủ cho điện ảnh phát triển.

Mấy năm gần đây, Việt Nam đã có một thị trường phim điện ảnh khá sôi động. Thay vì vài ba, bốn phim chiếu theo mùa Tết hay mùa hè, thì nay gần như có phim ra rạp quanh năm. Ngày càng nhiều phim thu hồi được vốn, thậm chí không ít phim có lãi để tái sản xuất. Nhờ mở rộng giao lưu, phim nước ngoài, kể cả phim bom tấn của các hãng phim lớn quốc tế được công chiếu cùng lúc với nhiều nước trên thế giới. Nhưng không phải phim nào cũng có doanh thu tốt. Mới đây nhất, The Force Awakens (Thần lực thức tỉnh) trong loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), trên toàn cầu sau tuần chiếu đầu tiên thu gần 900 triệu USD, thì ở các rạp Việt Nam doanh thu lại thua xa mấy phim hài nội vừa ra rạp. Thị hiếu khán giả luôn là một bí mật lớn với những nhà phát hành và nhà sản xuất phim. 

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top