Điện Biên:

Phát hiện trống đồng cổ bên khe Huổi Hoa

00:00 - Thứ Bảy, 23/01/2016 Lượt xem: 2392 In bài viết
ĐBP - Vừa qua, anh Lò Văn Việt, trú tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên trong khi làm nương sắn ở gần khe Huổi Hoa (cách bản Pá Ngam 1 khoảng 2km) đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ.

Anh Việt cho biết: Lúc bổ cuốc xuống đất nghe tiếng kêu vang, bới ra phát hiện một tảng kim loại, nghi là bom. Sau khi mạnh dạn gõ vào tảng kim loại vừa phát hiện, nghe tiếng âm thanh phát ra, nhận thấy tảng kim loại này rỗng bên trong nên đã cùng người nhà đào lên mang về.

Đến ngày 22/1, anh Việt mang nộp khối kim loại này cho chính quyền xã Núa Ngam. Ngay sau đó, lãnh đạo xã đã liên hệ, thông báo sự việc với Phòng di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên).

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp nhận trống đồng tại trụ sở Bảo tàng tỉnh.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng cử đoàn cán bộ thuộc Bảo tàng tỉnh Điện Biên xuống tiếp cận hiện vật. Qua xác minh hiện vật, sơ bộ ban đầu cơ quan chuyên môn đánh giá đây là một trống đồng, có trọng lượng khoảng 20kg. Mặt trống còn khá nguyên vẹn, với đường kính mặt trống 61cm, chiều cao 49cm. Trên bề mặt trống có 4 cụm cóc đơn, nằm phân bố, cách đều 4 góc, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Chính giữa trống là biểu tượng ngôi sao 12 cánh, có thể biểu tượng cho 12 tháng trong năm, hoặc dùng để đo thời gian của người xưa. Ngoài ra còn nhiều hoa văn khác, như: bông gạo, chim lạc... cũng được phát hiện trên bề mặt trống.

Phần đáy trống có hình dạng Elip, chưa xác định được đúc hay bị biến dạng do nằm trong đất lâu ngày.

 4 con cóc nằm 4 góc trên mặt trống, quay ngược chiều kim đồng hồ.

Ngôi sao 12 cánh nằm ở tâm mặt trống, có thể biểu thị các tháng trong năm.

 Hình chim lạc xuất hiện trên bề mặt trống.

Điều đặc biệt, gây nên bất ngờ cho cán bộ ngành văn hóa tỉnh Điện Biên là trong khi mặt trống đồng này hình tròn thì đáy trống lại có hình Elip, khác nhiều so với hình dạng của một số trống đồng khác đã phát hiện trước đây. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ thêm để xác định đáy trống được đúc hình dạng như vậy hay bị biến dạng do nằm trong đất lâu ngày.

Bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết: Dựa vào hình dạng chiếc trống vừa phát hiện, ban đầu có thể nhận định đây là chiếc trống thuộc dòng trống Heger 3 (hay còn gọi là trống Shan) có nguồn gốc từ người Caren đỏ thuộc vùng Đông Bắc Mianma, có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Tuy nhiên để làm rõ ràng, chính xác nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của trống thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.

Tin, ảnh: Vũ Lợi
Bình luận
Back To Top