Truyện ngắn

Đường về bao giờ cũng gần

00:00 - Chủ Nhật, 31/01/2016 Lượt xem: 2352 In bài viết
ĐBP - Con đường cấp phối dài ngót 30 cây số từ núi nọ sang rừng kia. Chỉ năm ngoái thôi, con đường liên xã này chẳng hơn gì đường đi nương, đi rừng. Nhớ hôm Hinh về nhà chồng, cũng vào dịp giáp xuân, chỉ một trận mưa nhỏ mà đoàn đưa dâu phải khiêng xe máy cả vài cây số. Nhờ có Đại hội Đảng bộ huyện, xã nhà chồng Hinh mới có con đường đẹp thế này. Ô tô đi được cả mùa mưa, như chỉ có ở trong giấc mơ xa xỉ hàng trăm năm qua của dân bản vừa sâu vừa xa nhất huyện này...

...Hai bên đường, người thợ máy xúc thông tuyến cố tình chừa lại những cây ban, cây đào rừng, để bây giờ ban trút xong lá, tích xong nhựa, ươm xong nụ, chỉ chờ nắng xuân về là bung ra trắng muốt như mây. Đào thì đã xòe cánh hồng thắm, khiến những con dốc dài thăm thẳm như thấp xuống, gần lại. Nhiều nhất là lau. Lau chín bạt ngàn, cứ trắng hun hút, biền biệt suốt cả cung đường.

Lên hết dốc Bông kia là có thể nhìn thấy bản Hoa Ban của Hinh rồi. Tết năm ngoái Hinh vừa theo chồng vài ngày nên không được thăm nhà. Cả tháng nay, chồng Hinh bận trồng rừng, nên chỉ hai mẹ con về thăm ngoại, nếu xong sớm thì ngày kia sang đón, không xong phải tự về. Bé Tẹo mới ba tháng tuổi, khóc ngằn ngặt suốt dọc đường đi. Chọn một gốc đào đã lun phun lá, ngồi phệt xuống, cởi bung địu, xoay con về phía trước, đưa vú vào miệng nó, nó mới thôi khóc. Khổ thân con bé, còi như cái rãi khoai, bị buộc vào lưng mẹ suốt một ngày trời đằng đẵng, cuốc bộ qua hết khe này đến dốc kia, dây địu mài thít tím bầm hai đùi. Ngậm một lúc, chắc chả có giọt sữa nào, nó lại gào lên. Giọng nó chỉ như một con mèo khàn, khò khừ đứt nhịp. Vớ chai nước vừa múc ở con suối ven đường, nhỏ vào miệng nó mấy giọt, nó nín bặt, trệu trạo nuốt.


Hinh cột lại bó lá bánh, khoanh lạt giang, cân gạo nếp vào hai đầu đòn, địu con về phía trước rồi tất tả lên đường. Thế mà đã sắp hết ngày. Sương cũng đã nặng hạt. Con bé có mấy giọt nước lã, ấm bụng, ngủ ngặt nghẹo. Tối lên đèn thì Hinh về đến đầu sàn nhà mẹ. Cả nhà đang ngồi quây quần bên bếp lửa, chuyện trò rôm rả. Không ai biết Hinh về. Hinh đứng lặng người trước cửa, hai hàng nước mắt lăn dài. Căn nhà vẫn vậy, chỗ nằm của Hinh chưa ai dọn đi. Chiếc đèn lồng giấy xanh đỏ, kết dây hoa Hinh học bạn bè làm, treo dịp tết năm ngoái vẫn lung linh giữa nhà. Hinh bật khóc thành tiếng. Mọi người nhào ra. Nhìn bộ dạng phờ phạc và nhếch nhác của Hinh, không ai cầm được nước mắt. Mẹ kéo Hinh ngồi xuống bên bếp, Bé Tẹo thấy ồn ào, choàng dậy, khóc ngặt lên. Bà ngoại bế ra khỏi địu, đặt vào tay Hinh:

- Cho cháu bú đi đã.

Hinh gạt hai hàng nước mắt lăn tràn xuống má:

- Không còn giọt sữa nào nữa ạ.

Bà Hoản không cầm được, cũng nấc lên:

- Sao con, cháu tôi khổ thế này!

Bà vẫy chị dâu Hinh, sai sang hàng xóm xin sữa, rồi như sực nhớ, con gái út cả năm về thăm không được để nó buồn, bà quệt nhanh ngang mắt, vừa cười vừa hỏi:

- Xem con gái rượu mang quà gì về cho mẹ nào?

- Năm nay mất mùa, con chỉ có cân gạo nếp. Nhà chẳng có gì để thịt, anh Toan vào rừng lấy được mấy chục lá dong, bó lạt giang để mẹ gói bánh tết.

Bà Hoản nhoẻn miệng cười, nhưng quay mặt vào vách:

- Nó bận không về được thì thôi, còn con, sao không thuê xe ôm mà phải khổ sở thế này?

- Mất hai lít xăng đấy mẹ ạ. Tiền ấy để anh Toan mua thức ăn bồi dưỡng, lấy sức trồng rừng. Con đi bộ cả năm quen rồi, không sao đâu.

Bà Hoản lại sụt sịt. Lúc giờ bố Hinh vẫn ngồi chết lặng trên bàn trà, nghe câu chuyện bếp núc của hai mẹ con. Ông tóp bụng kéo một hơi thuốc lào sâu tận đáy phổi, rồi chậm rãi lấy ghế mây ngồi xuống bên bếp, cạnh vợ và con gái:

- Vừa hay ngày mai nhà ta mổ con lợn. Bố mẹ phần một đùi, mai cho anh con đưa vào biếu ông bà thông gia và con rể út ăn tết.

Bà Hoản giật mình trước kế hoạch đột xuất của chồng, đang định lên tiếng thì ông đã nháy mắt. Sau bữa cơm, đích thân bà Hoản sửa soạn giường đệm cho con và cháu ngoại. Hinh lừa Bé Tẹo đã no sữa xin ngủ quay cu đơ, rồi cũng ngả lưng xuống đệm. Cơn mệt mỏi như chỉ chờ đến giờ là ập đến, cộng với sự ấm áp của bố mẹ, anh trai, chị dâu khiến cho Hinh có cảm giác vô cùng thanh thản và nhẹ nhõm. Bao nhiêu lo toan về miếng cơm, manh áo rơi rụng cả theo những bước chân tất tả dọc đường. Chả mấy chốc mà giấc ngủ kéo đến. Nhưng rồi Hinh lại bỗng mơ màng tỉnh vì những tiếng trò chuyện rì rầm, xa xa:

- Sao ông không bàn với tôi, mà đã nói với con gái như thế?

- Thì thế mới gọi là ứng biến.

- Ứng biến cái gì, ông thì chỉ được cái nói nhiều nghĩ ít.

- Tôi không nghĩ ít đâu.

- Ông không nghĩ ít, vậy ông biết con lợn ấy tôi nuôi để làm gì không?

- Thì hoãn lại.

- Không hoãn được. Hàng ngày, tôi gặp ai cũng bị gợi ý làm đám cưới nợ cho thằng Hoán. Nó lấy dâu về nhà đã hơn ba năm rồi mà mình chưa làm đám cưới khao họ hàng, dân bản. Tôi đã phải cười trừ rằng, khi nào con lợn được một tạ, đủ cho cả bản ăn ba ngày thì sẽ làm đám cưới trả nợ cho con. Giờ con lợn đã hơn tạ, đang nhờ thầy Mo chọn ngày, thì ông lại bảo thịt ăn tết.

- Vẫn thịt. Chuyện thằng Hoán tôi đã có cách.

- Cách gì?

- Trang trại cà phê sau bản đang tìm người trông coi. Mấy năm nay tôi lấy cớ dưỡng già chỉ ở nhà trông nhà, trông cháu. Ra giêng tôi sẽ lên xin làm, lấy tiền lo cưới nợ của thằng Hoán.

- Ông bị ma làm đấy à? Ngữ ông mà người ta dám nhận không! Tôi không cho giết con lợn ấy. Ông chỉ lừa tôi để được ăn thịt thôi chứ gì?

- Tôi lo cho con gái, tôi không lo cho cái miệng rượu miệng thịt của tôi đâu, bà cứ tin tôi đi.

-…

Hinh bịt chặt miệng để khỏi bật thành tiếng. Bé Tẹo con vẫn khìn khịt ngủ. Đêm khuya lắm rồi mà Hinh không tài nào ngủ lại nữa. Thì ra bố mẹ cũng chẳng sung sướng gì. Cả một năm trời, bóp ăn bóp tiêu để cố nuôi một con lợn làm đám cưới trả nợ cho anh trai. Để sáng mai dậy, Hinh sẽ nói lời cảm ơn bố, rồi xin bố từ bỏ ý định thịt lợn chia cho nhà Hinh ăn tết.

Trời còn nhá nhem, bà Hoản đã lịch kịch dỡ cửa xuống thang. Bà nhóm bếp lò ở đầu sân, ngọn lửa phả ra, sáng rực cả ngoài vườn, đầu ngõ. Cái bếp lò ấy bố đắp từ ngày Hinh còn bé lắm, mỗi năm chỉ được mẹ nhóm vài lần vào dịp  cưới hỏi, tết nhất. Hôm nay mẹ nhóm, có khi chỉ để tượng trưng cho một dịp quan trọng - dịp Hinh đưa con lần đầu tiên kể từ ngày theo chồng, quay về thăm nhà đẻ! Dù gì thì Hinh cũng thật ấm lòng!

Chừng non giờ đồng hồ, ánh lửa củi từ góc sân vẫn phả phần phật cả lên nhà. Bà Hoản lọc cọc lên thang, vào buồng lùa chồng và con trai:

- Ông và thằng Hoán dậy bắt lợn chọc tiết.

Hinh không ngủ nên nghe rành rẽ từng tiếng, bật dậy, lao ra giữa nhà:

- Mẹ ơi, con xin mẹ đừng mổ lợn cưới của chị dâu! Con xin mẹ, đừng mẹ ạ!

Bà Hoản ôm chặt hai vai con gái:

- Thì ra con đã nghe được chuyện của bố mẹ. Con đừng lo, mẹ có cách mà.

- Nhưng bố mẹ già rồi, đừng đi làm thuê, đừng vất vả vì chúng con nữa!

- Con đừng lo, ông ấy nói thế thôi, chứ còn bận trông cháu, mải chơi chim và uống rượu, làm gì có thời gian mà đi làm thuê. Cứ yên tâm vào ngủ đi. Ngủ đến trưa cho đỡ mệt, khi nào làm xong cỗ thì dậy ăn. Chiều mẹ cho đi chợ huyện mua mấy bộ quần áo mặc tết.

Bữa cơm trưa có đông đủ họ mạc, xóm giềng và đặc biệt là cả mấy người bạn gái thân từ thuở chăn trâu mà bố bí mật mời về khiến Hinh vô cùng cảm động. Ăn uống xong, Hinh và mẹ được bố và anh trai đèo lên chợ huyện. Nhớ hồi còn ở nhà, cứ mỗi cuối tuần, Hinh và các bạn lại đạp xe lên đây để mua mắm, mì, muối, kim, chỉ và những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt. Đã hơn một năm rồi, Hinh mới lại được đi chợ, được sống lại cảm giác là một người nội trợ đích thực.

Mẹ lôi Hinh vào cửa hàng quần áo trẻ sơ sinh, thử thử, ướm ướm, rồi mua cho Bé Tẹo bao nhiêu là quần áo đẹp. Xong, bà lại lôi Hinh sang quầy quần áo người lớn, mua cho Hinh hai bộ thật đẹp. Hinh mặc thử thôi đã trẻ ra vài tuổi và xinh như hồi mới mười sáu. Hinh từ chối không nhận:

- Mẹ mua cho cháu là quá nhiều rồi ạ. Con vẫn còn quần áo ngày xưa chưa có dịp mặc.

- Không, đây là quà tết mẹ mua cho con gái. Năm vừa rồi trúng mùa cà phê, mẹ đi hái thuê được kha khá, không lo mẹ thiếu tiền đâu. Mẹ mua cái áo rét này tặng con rể út, bảo con rể út phải thật tốt, thật thương yêu con gái mẹ, sang năm mẹ lại có quà.

-…

Hinh chẳng nói được lời nào, hai mắt ngân ngấn lệ. Khi ra xe, mẹ dặn Hinh chằng đồ lên và đợi mẹ. Mẹ đi sâu vào cuối chợ, nói là mua vài thứ cho bố, cho anh. Đợi mãi không thấy mẹ ra, Hinh vào tìm. Đến cửa hàng vàng bạc đá quý của ông Thân Bính, Hinh thấy mẹ đang mặc cả:

- Bác nhớ đừng bán cho ai, khi nào có tiền tôi sẽ quay lại chuộc!

Hinh nép vào góc chợ, đợi mẹ đi xa rồi mới mon men đến, gặng hỏi bác chủ cửa hàng vàng:

- Mẹ cháu bán gì cho bác vậy?

- Xà tích, bạc vòng, bạc đồng, vòng cổ, hoa tai, trâm cài tóc…

Hinh ôm mặt chạy ra ngoài khóc rưng rức: "Mẹ! Những thứ đó là hồi môn bà ngoại để lại cho mẹ. Cả cuộc đời mẹ đã vì chúng con, đến khi chúng con trưởng thành mẹ cũng vẫn phải vì chúng con, đánh đổi cả những thứ thiêng liêng nhất… Con xin mẹ, đừng như thế, mẹ ơi!"

... Đó là ký ức buồn của hơn mười năm trước. Bây giờ thì kinh tế gia đình Hinh đã khá hơn rất nhiều. Thỉnh thoảng cô nhớ lại quá khứ để thấy rằng những thành quả hôm nay thật đáng trân trọng. Như người ta thường nói, nhớ về quá khứ để phấn đấu nhiều hơn nữa cho tương lai...

Những ngày áp tết, 2016

Nguyễn Đức Lợi
Bình luận
Back To Top