Mường Thanh, những hoài niệm nặng lòng

00:00 - Chủ Nhật, 31/01/2016 Lượt xem: 2509 In bài viết
ĐBP - Ngày 7/5/1954, ngay lúc chiến trường Điện Biên Phủ còn đang khét lẹt mùi thuốc súng, nhà thơ Tố Hữu đã kịp hoàn thành thi phẩm “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”. Đây là bài thơ dài, mang phong cách anh hùng ca. Giữa những câu thơ tự do, thỉnh thoảng lại xen những câu lục bát và từ đấy, cặp lục bát trên được xem như những câu thơ “kinh điển” Việt Nam. Chỉ 14 âm tiết mà có tới 3 địa danh lịch sử được đề cập và đặc biệt, đó là 6 tính từ chỉ màu sắc, trong đó có địa danh “Him Lam” với tính từ “Lam”...

Him Lam nguyên gốc là Hin Lăm, một tên gọi theo ngữ âm Thái, có nghĩa là “đá đen”. Sự tích đá đen liên quan đến nhân vật thần thoại ải Lậc Cậc mà chắc nhiều người Điện Biên đều biết. Về sau, do cách phát âm cứ xa dần, nên Hin thành Him và Lăm thành Lam. Như vậy, nếu xét tới tận cùng của gốc gác từ vựng Thái, thì Him Lam không có nghĩa gì. Thời xa xưa, Him Lam thuộc xã Thanh Tiêng, phủ Điện Biên; Thanh Tiêng cũng là cái tên theo ngôn ngữ Thái, có nghĩa xã “Yên Bình”. Tiếng là thế chứ lịch sử Thanh Tiêng gắn liền với lịch sử bi thương của Điện Biên Phủ. Cả 3 lần giặc Pháp chiếm đóng Điện Biên, thì cả 3 lần Him Lam là nơi đóng đồn của chúng.

Vụ mùa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Văn Thành Chương

Lần thứ 3, sau khi nhảy dù tái chiếm thung lũng Mường Thanh (20/11/1953), thực dân Pháp thực hiện chính sách dồn dân vào các trại tập trung. Lòng chảo Điện Biên lúc ấy có 4 trại tập trung, nhân dân Him Lam bị dồn vào trại bản Ten xã Thanh Xương bây giờ. Nơi bản cũ, trên đồi Pháp xây dựng một cứ điểm với hoả lực cực mạnh, đến mức tướng Nava cũng như các cố vấn quân sự Mỹ đều hài lòng cho là “bất khả xâm phạm”. Đó là cứ điểm mang tên Bêatơrixơ, được trấn giữ bởi bán lữ đoàn Lê dương số 13, cùng một số đơn vị nguỵ quân. Dưới bản, theo thông tư 70/E.M ngày 12/12/1953 của Đờcát: “Tất cả những nhà làm bằng tre gỗ của dân chúng tản cư đều phải phá dỡ, vật liệu cho công binh thu về làm hầm trú ẩn”; sau khi những ngôi nhà còn tốt đều đã bị phá và cái gì lấy được đều đã mang đi, lính Pháp phóng hoả bản Him Lam. Một bản Thái với gần 100 nóc nhà, giờ chỉ còn đống tro tàn hoang lạnh. Như nhiều người từng biết, chiều 13/3/1954, tại đây đã diễn ra trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngay trong trận khai hoả này, xuất hiện tấm gương anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Ngày 7/5/1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nhân dân vùng lòng chảo Mường Thanh trở về quê cũ làm ăn. Từ đống hoang tàn đổ nát, bà con Him Lam gạt nước mắt bắt tay vào việc dựng nhà lập bản, cày ruộng phát nương. Từ trên nền chiến trường còn đầy những mìn chôn đạn giấu, cuộc sống hoà bình nhanh chóng được hồi sinh. Dẫu làng bản còn nghèo, đời sống còn nhiều vất vả, nhưng ta được tự do ca hát, được nhảy điệu xoè Thái cổ truyền với người mình yêu chứ không phải với bọn chúa đất gian tham. Bên chum rượu cần cất vội, cha ngậm ngùi nhắc lại những ngày loạn lạc, một mình cha lang thang khắp đầu non cuối bãi mà vẫn không tìm thấy mấy mẹ con đâu. Rồi xã Thanh Tiêng được chia làm 3 xã: Thanh An, Thanh Xương và Thanh Minh; bản Him Lam thuộc xã Thanh Minh và là trung tâm hành chính của xã, thuộc huyện Điện Biên. Tháng 4/1992 thị xã Điện Biên được thành lập, trên cơ sở sáp nhập thị trấn Điện Biên và một phần diện tích của xã Thanh Minh, trong đó có bản Him Lam. Ngày 26/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 110/2003/NĐ-CP, về việc nâng cấp thị xã Điện Biên lên thành phố Điện Biên. Theo đấy, bản Him Lam là một đơn vị hành chính của phường Him Lam.

Như vậy, bất luận trong trường hợp nào, cái tên Him Lam đều được bảo lưu. Có điều bây giờ, nếu nói đến bản Him Lam thì phải phân biệt Him Lam 1 hoặc Him Lam 2. Him Lam 1 là bản Hin Lăm chính gốc, bản mà Tố Hữu đề cập trong câu thơ dẫn ở đầu bài; nơi từng in dấu giày của quân viễn chinh Pháp, từng trỗi dậy bất khuất sau những cơn binh lửa điêu tàn. Với lợi thế nằm kề quốc lộ 279, hàng chục năm qua, không thể thống kê hết đã có bao nhiêu đoàn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến thăm Him Lam. Họ tìm thấy ở đây những nét văn hóa đặc trưng của tộc người Thái - những cư dân đại diện cho nền văn minh thung lũng (Valley culture). Chính giai điệu hồn nhiên, tha thiết của bài hát Inh lả ơi cộng với những bước nhảy khoẻ khoắn, lạc quan của vũ điệu múa sạp, đã như chất men nồng ướp vào lòng du khách, theo họ về với mọi miền đất nước và đi khắp bốn biển năm châu.

Cho đến nay, trong khi nhiều người quá quen với các địa danh theo ngôn ngữ Thái: Mướng Thêng (Mường Trên), Mướng Theng (Mường Theng) và Mướng Thanh (Mường Thanh), thì lại rất ít ai biết còn có một mường nữa là Mường cứng rắn, tức Mướng Khanh. Dân ca Thái có câu: “Mướng Ké Khanh tặp thánh Sam Mứn”, tức: “Mường anh hùng đánh thành Tam Vạn”. Dựa vào thời điểm xuất hiện các chi tiết lịch sử, có thể kết luận câu ca trên ra đời khoảng trên 250 năm lại đây, tức là sau khi tướng quân Hoàng Công Chất hạ thành Sam Mứn, giải phóng Mường Thanh.

Từ thuở xa xưa, đất Điện Biên từng có tên trong hàng loạt các bộ chính sử, như: An Nam chí lược, Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thông giám cương mục và Đại Nam thực lục chính biên... Trong Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Châu này thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác mà hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống. Có một quả núi nước suối rất mặn, thú rừng thời thường đến uống, người địa phương dùng nỏ bắn được rất nhiều, tục gọi là mỏ thịt...”. Hơn 4 năm trước, tháng 10/2011, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên. Không biết kết quả nghiệm thu ấy được “chuẩn hóa” đến mức nào và độ tin cậy đến đâu, song với nhân dân “bản Mường Thanh”, thì đây vẫn là vùng đất của trai thanh gái lịch, của những huyền sử tầng tầng lớp lớp trong dân gian.

Ông Mào Văn Ết - người mới được trao danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cách đây mấy ngày (26/01/2016) - cho biết: Bản Mường Thanh hồi xưa chia làm 3 khu gọi là đầu mường, giữa mường và cuối mường, tổng cộng hơn 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu. Phố khách chủ yếu là những hộ buôn bán vặt. Các điểm cờ bạc được mở công khai để giết chết người ta một cách không dao, với các hình thức sát phạt như: Tài xỉu, xóc đĩa và cả kiểu đánh với bộ bài 36 quân, mỗi quân vẽ một con vật, đặt cửa 1/10, 1/20 hoặc 1/30 tuỳ theo thoả thuận giữa các con bạc. Hai bên sông Nậm Rốm có những bãi dâu xanh mướt, góp phần làm nên thứ thổ cẩm Mường Thanh tốt và đẹp nổi tiếng. Các thương nhân người Miến Điện, Thái Lan và Lào thường bơi thuyền theo dòng Nậm U, qua Nậm Mức vào Mường Thanh đổi lấy các thứ sản vật trong đó có thổ cẩm. Hồi ấy, Mường Thanh là một trong 16 châu Thái (xíp hốc chậu Thái), đứng đầu là viên tri châu do Pháp khống chế; hắn tên là Đèo Văn Ún, con trai út của Đèo Văn Long, cháu nội Đèo Văn Trì (dân tộc Thái trắng, quê bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lường Văn Hịa - một cựu chiến binh và là trưởng bản Him Lam 2 tại thời điểm đó; ông Lường Văn Hịa cho biết: “Theo các cụ già người Thái, hệ thống tổ chức xã hội Mường Thanh mang tính cổ truyền, xuất hiện phổ biến trong cộng đồng Thái Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Lịch sử di dân của người Thái là cả một câu chuyện dài bi thương mà ở đó, cái khau cút là sự “vật chất hóa” một truyền thuyết, được lưu lại thành thứ hoàn toàn có thể trông thấy bằng mắt, sờ được bằng tay. Đó là tín hiệu để giữa mênh mang cộng đồng nhiều dân tộc, cư dân Thái nhận ra nhau mà sẻ chia, cứu giúp. Để con cháu mình không quên tổ tiên dòng tộc, đêm từng đêm, bên bếp lửa hồng hoặc ngoài sàn quản vào những tối trăng thanh gió mát, bà mẹ người Thái bồi hồi kể cho con cháu nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa.

Nhớ về Mường Thanh từ buổi “khai thiên lập địa” với những hoài niệm nặng lòng, ở đó có một ải Lậc Cậc đã đặt lưỡi cày thần thoại tận mãi Mường Lò vào đến Mường Thanh. Từ những đường cày của ải, đất lật thành những ngọn núi nối nhau trùng điệp bao la, làm thành hai dãy Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ còn lại cho tới bây giờ nơi thung lũng Mường Trời...

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top