Hương sắc hội xuân trên cao nguyên đá

00:00 - Thứ Sáu, 19/02/2016 Lượt xem: 2536 In bài viết
ĐBP - Những ngày đầu xuân, đặt chân đến huyện vùng cao Tủa Chùa, chúng tôi được hòa mình trong không khí hội xuân với những lời ca, điệu múa và trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hội xuân trên cao nguyên đá Tủa Chùa diễn ra hàng năm, từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng và trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào ở các thôn, bản rẻo cao vào dịp đầu năm mới.

Khi những ngọn cỏ còn ngậm hơi sương, trên cung đường đã được rải nhựa rộng rãi, hàng chục chiếc xe Mink nhằm hướng Nam của huyện Tủa Chùa tiến về trung tâm xã Xá Nhè. Năm nay, Xá Nhè thu hút hàng trăm người dân trên địa bàn và một số xã lân cận như: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng… về du xuân. Trên bãi đất trống rộng rãi tại trung tâm UBND xã, càng gần về trưa, dòng người trở lên tấp nập hơn, trong ánh nắng đầu xuân của vùng cao, gương mặt ai cũng rạng ngời. Thanh niên nam nữ dân tộc ai ai cũng chọn cho mình trang phục đẹp nhất và sặc sỡ để mặc vào ngày hội. Xung quanh điểm tổ chức, những chiếc lán nhỏ căng bạt xanh, đỏ được dựng lên bức tranh đầy sắc màu. Giữa bãi đất có một lán do UBND xã dựng để đặt loa, phục vụ việc biểu diễn văn nghệ và các trò chơi do xã tổ chức. Hội xuân thu hút chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và múa khèn là loại hình không thể thiếu. Với cây khèn độc đáo này, người chơi có thể thổi hơi ra hoặc hít hơi vào. Cầm cây khèn trên tay, chàng trai Mông múa những bước nhún, đảo hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo đẹp mắt. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều ý nghĩa. Tiếng khèn vừa mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn.

Hội xuân ở Xá Nhè là điểm thu hút đông đảo người dân đến xem.

Ngoài múa khèn thì ném pao là trò chơi được đồng bào dân tộc lưu giữ từ ngàn đời nay và là trò chơi phổ biến nhất trong những ngày du xuân. Không chỉ những cụ già mà cả các thanh niên đều yêu thích trò chơi này. Cứ thế, từng cặp xếp thành hai hàng dài vừa ném pao vừa trao nhau những lời hỏi thăm, đối đáp. Bên lề hội xuân, ông Sùng A Khu, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè phấn khởi chia sẻ: Ném pao là trò chơi phổ biến nhất trong ngày hội du xuân nói riêng và các ngày hội của người Mông nói chung bởi đây là cách chúng tôi bày tỏ tình cảm với nhau. Không chỉ để du xuân, hầu hết các nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được bạn tình qua trò chơi. Khi ném pao, họ bắt đầu trò chuyện và "ném" cho nhau những ánh nhìn, nụ cười yêu mến. Khi đôi trai gái đã có tình cảm với nhau, họ sẽ hẹn hò trong suốt thời gian diễn ra hội xuân và tìm hiểu để đi đến quyết định gắn bó lâu dài. Khi nắng chiều đứng bóng, từng đôi nam nữ ngừng ném pao và ngồi dưới bóng cây râm mát dưới chân núi hoặc vào những lán được dựng để dùng bữa trưa. Xa xa, những chiếc ô che nắng xanh, đỏ lấp ló, xoay tròn thoáng sau là những ánh mắt thẹn thùng… Tiếng khèn, tiếng kèn lá hòa với tiếng cười, nói vang rộn cả vùng.

Không chỉ có Xá Nhè, tại nhiều điểm vui chơi khác ở trung tâm các xã như: Mường Báng, Tả Phìn, Sính Phình cũng có rất đông người dân đi trẩy hội. Vào ngày đầu xuân, sau khi ăn tết Nguyên đán xong cũng là lúc vùng cao lại rộn rã âm thanh của sáo, của khèn gọi bạn tình và tiếng cười nói. Từ các bản, làng, các chàng trai, cô gái kéo nhau về điểm vui chơi. Đây cũng là một trong những thế mạnh, là nét riêng để Tủa Chùa thu hút khách du lịch. Những năm gần đây ngoài người dân bản địa, nhiều du khách ngoài huyện và các tỉnh cũng tìm về đây để hòa mình vào ngày hội xuân, được thưởng thức các món ăn dân tộc và cảm nhận tình người nồng ấm của đồng bào các địa phương. Không khí nhộn nhịp, sự hòa đồng, mến khách của người dân khiến những vị khách dù chỉ một lần đến đây đều chẳng muốn ra về. Anh Nguyễn Văn Hà, khách phượt từ Hà Nội lên, cho biết: Được người bạn ngỏ ý mời lên Điện Biên du xuân, đây cũng là lần đầu tiên tôi đến Tủa Chùa và tham gia hội xuân của đồng bào dân tộc Mông. Đến đây, tôi được hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian và tận mắt chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc đặc sắc của đồng bào. Vào thời điểm này, hoa mận, hoa đào đang nở rộ. Những sắc hoa tươi tắn trắng, hồng quyện với không gian mờ ảo sương sớm tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi dịp tết đến xuân về. Đây là cơ hội để những người miền xuôi như tôi có thể hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc dân tộc vùng cao.

Được biết, hiện nay, huyện vùng cao Tủa Chùa có 3 điểm chính tại các xã: Tả Phìn, Mường Báng và Sính Phình có tổ chức cho đồng bào các dân tộc ở toàn huyện du xuân. Ngày hội du xuân thường kéo dài từ mùng 1 đến 15 tháng Giêng âm lịch, cao điểm là các ngày từ mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng. Để hội xuân diễn ra sôi nổi, ý nghĩa thu hút đông đảo người dân tham gia, trước đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã khảo sát địa điểm và hình thức tổ chức ngày hội sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng xã. Hội xuân năm nay ở Tủa Chùa, ngoài một số xã tổ chức chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian thì tại xã Trung Thu còn tổ chức thi đấu thể thao. Thông qua ngày hội, các làn điệu hát đối đáp, các trò chơi dân gian, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào... một lần nữa được gìn giữ, phát huy và bảo tồn. Nếu được quan tâm đầu tư thì đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top