Sách và cuộc sống

Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng

00:00 - Chủ Nhật, 21/02/2016 Lượt xem: 2876 In bài viết
Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng  là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyên viết cho tuổi thơ, sẽ được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trên toàn quốc ngày 28-2 với số lượng 100.000 bản ngay lần in đầu tiên, một kỷ lục mới của nhà văn nối tiếp sau Bảy bước tới mùa hè, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… gây sóng gió thị trường sách năm 2015. 

5 chương sách với 86 câu chuyện cực kỳ thú vị và hài hước về 5 con chó,  5 tính cách trong một gia đình có ba người đều yêu chúng theo từng cách riêng của mình. Các câu chuyện về tình bạn giữa chúng với nhau, giữa chúng với chị Ni, ba mẹ, khách đến nhà… thực sự mang lại một thế giới trong trẻo, những đoạn đời dễ thương và quyến rũ.

Một cuốn sách lôi cuốn viết cho tất cả chúng ta: trẻ con và người lớn. Cuộc đời của 5 con chó nhỏ: Haili, Batô, Suku, Êmê và Pig  được tái hiện như đời sống của mỗi con người: tình bạn, tình yêu, đam mê, lòng dũng cảm, sự sợ hãi và những ước mơ...

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn của chương 1, có tên Suku thiên thần.

Bìa sách Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng.

“Nỗi nhớ con người” của Suku gây ra lắm phiền toái cho gia đình chị Ni.

Mọi người yêu thương nó nhưng cũng ngán ngẩm nó. Lúc nào nó cũng đòi hỏi phải có người bên cạnh. Không được thỏa mãn thì nó phản ứng: hồi bé thì nó rên ư ử nghe phát mệt, bây giờ thì nó sủa ăng ẳng nghe phát điên.

Khi ba chị Ni, mẹ chị Ni hay chị Ni đi đâu về là nó xông ra trước tiên. Thực ra thì không chỉ mỗi nó chạy ra đón chủ, nhưng nó vừa chạy vừa sàng qua sàng lại thân hình to đùng của nó để cản đường những đứa khác. Đến khi cả bọn vẫy đuôi rối rít và mừng rỡ chồm lên chân chủ thì Suku thể hiện “nỗi nhớ con người” của nó một cách quá khích bằng cách vừa chồm vừa đái tồ tồ như thể nó đang giấu dưới bụng một vòi phun tự động.

Ba chị Ni nhăn mặt:

- Gớm, cái thằng này! Làm như vòi nước của nó bị hỏng khóa hay sao ấy!

Mẹ chị Ni thở dài:

- Chiếc quần em mới mặc lại phải giặt nữa rồi.

Chị Ni bênh nó:

- Thần kinh Suku yếu đó mẹ. Nó không có khả năng kiềm chế.

Chị Ni cúi xuống xoa đầu nó:

- Chị nói đúng không, Suku?

Có lẽ thằng Suku công nhận chị Ni nói đúng. Cho nên nó khoái chí tè thêm một phát nữa vào chân chị Ni.

Tôi thì tôi không tin thằng Suku có thần kinh yếu. Nó là đứa đái bậy nổi tiếng chứ đâu chỉ đái trong lúc mừng chủ. Ai đem một món đồ mới nào về nhà, nếu lơ đễnh đặt dưới nền gạch thế nào Suku cũng xán lại, nhấc chân đái lên món đồ đó, bất kể đó là vali quần áo, túi sách hay bịch đựng thức ăn. Những tờ báo ba chị Ni đặt mua hàng ngày cũng rơi vào tình trạng tệ hại đó. Khi người bán báo tuồn báo qua khe cửa vào mỗi sáng sớm, nếu ba chị Ni không kịp chạy ra nhặt lên thế nào Suku cũng biến các tờ báo đó thành một thứ ướt đẫm, khai rình, dính bết vào nhau.

Cuối cùng, ba chị Ni phải mua một cái giỏ treo đằng trước cửa, tuốt trên cao, để người bán báo bỏ báo vào đó.

Đã bao nhiêu lần mẹ chị Ni phát cáu vì thói xấu này của Suku.

Chị Ni lại phải tìm cách bào chữa cho nó:

- Nó “đánh dấu chủ quyền” đó mẹ.

- Thằng này nó hư chứ “đánh dấu chủ quyền” gì! Bàn thờ ông địa đặt trước cửa nhà cả năm nay rồi, việc gì mà ngày nào nó cũng “đánh dấu”?

Thằng Suku quả có thành tích lẫy lừng đó thật. Hôm nào nó cũng lơn tơn lại chỗ bàn thờ ông địa và ông thần tài, uống sạch nước trong dãy cốc nhỏ đặt trước mặt hai ông. Sau khi làm ngã vài chiếc cốc, nó ghếch chân lên bàn thờ, đái xè xè. Bàn thờ ông địa hay gốc cây, đối với nó chẳng có gì khác nhau.

Ông địa và ông thần tài nhà chị Ni cũng hiền quá. Nếu là tôi, tôi sẽ ếm bùa cho cái vòi nước của nó sưng vù và tắc tị cho nó sợ chơi.

Thằng Suku thỉnh thoảng hay cắn người.

Nhà chị Ni phát khổ với nó về chuyện này. Khách tới nhà chơi, thấy Suku đáng yêu quá, không ai kềm được ước muốn vuốt ve.

Thoạt đầu, Suku để mặc cho khách nựng nịu, còn giương đôi mắt trong veo thánh thiện long lanh ngước nhìn khách.

Khách mê tơi, càng mơn trớn dữ.

Đúng vào lúc khách đang lâng lâng, Suku bất thần nhe nanh đớp một phát vào bàn tay đang mải mê âu yếm kia. Nạn nhân của thằng Suku nhẹ thì lõm dấu răng, nặng thì máu chảy đỏ lòm.

- Ôi, cha mẹ ơi!

- Ối, con chó này làm sao thế này?

- Ây da! Tao nựng mày chứ có làm gì mày đâu mà mày cắn tao!

Từ khi thằng Suku phát hiện ra răng không chỉ dùng để nhai thức ăn, những tiếng la hoảng, những tiếng kêu thảng thốt của các nạn nhân của nó có thể chép kín một cuốn sổ dày.

Thêm một cuốn sổ cũng dày không kém để chép những lời rối rít xin lỗi của ba mẹ chị Ni.

Tôi nhớ có lần ông thợ điện đến nhà sửa cầu chì.

Khi ông vừa bước vào cửa, mẹ chị Ni đã cẩn thận báo cho ông biết Suku là con chó hay cắn bậy, dặn ông không nên vuốt ve nó.

Ông thợ điện y lời, suốt buổi không dám đến gần thằng Suku.

Nhưng khi ông sửa xong, đang ngồi đằng bàn uống nước thì Suku mon men lại gần, nhẹ nhàng gối đầu lên chân ông.

Nhớ lời cảnh báo của mẹ chị Ni, ông nín thở ngồi im, bụng nơm nớp.

Ngồi bất động một lát, thấy Suku sao thân thiện ngoan hiền quá, chẳng giống chút gì với những lời chủ nhà nói, từng cụm lông trắng xoăn tít như lông cừu của nó càng nhìn lại càng mê, thế là ông đánh bạo đưa tay khẽ vuốt lên đầu nó.

Như thông lệ, thằng Suku đang vô cùng ngoan ngoãn dễ thương đó lập tức trở mặt khi bàn tay ông thợ điện chạm vào nó. Nó quay ngoắt đầu lại, bất ngờ cắn vào tay ông.

Cũng may là ông thợ điện vẫn có ý đề phòng. Ông rụt nhanh tay lại, tránh được cú đớp. Nhưng hồn vía đã lên mây, ông hấp tấp quơ vội túi đồ nghề trên bàn, co giò phóng thục mạng.

Thằng Suku rượt ông thợ điện ra tới tận ngoài đường nhưng ông đã kịp nhảy lên xe, rồ máy vọt đi.

Nếu là tôi, đuổi không kịp người ta thì thôi. Cáu lắm thì sủa ăng ẳng vài tiếng cho hả tức rồi quay trở vào nhà. Nói chung, con chó nào cũng hành xử như vậy.

Nhưng Suku là con chó đặc biệt. Thấy ông thợ điện chạy mất, nó bực quá. Không biết làm sao cho hết bực, nó hầm hầm đảo mắt nhìn quanh, thấy cô Oanh bán bánh mì đang đứng gần đó, thế là nó chạy tới đớp vào chân cô một phát.

- Í, í, con chó này! - Cô Oanh giật mình, thét be be - Sao con cắn cô? Hàng ngày cô vẫn cho con ăn bánh mì mà!

Có khá nhiều nạn nhân của thằng Suku là người nước ngoài. Chú Peter người Ý chồng dì Út, anh Guillaume người Pháp chồng chị Bùm, chú William người Mỹ bạn của ba chị Ni khi tới nhà chơi đều bị thằng Suku để lại không ít kỷ niệm trên bắp chân.

Chú William đi Hà Nội làm phim, về Sài Gòn ở chơi nhà chị Ni một tuần.

Hôm đầu tiên, chú xách ba lô lên phòng tắm rửa thay đồ, lúc trở xuống nhà, mẹ chị Ni sực nhớ, dặn:

- Em coi chừng con chó màu trắng nhé. Đừng đụng vào người nó. Nó hay cắn sảng lắm đó.

Chú William cười méo xẹo:

- Dạ, nó cắn em rồi chị.

Chịu thua thằng Suku luôn!

Nhưng chú William coi đó là chuyện nhỏ. Chú thuộc loại người không sợ chó, thậm chí mê chó.

Chỉ có chú Peter là hay nổi điên với Suku. Cũng giống như anh Nghé, chú từng đuổi thằng Suku chạy quanh nhà vì nó hay cao hứng cắn chú vào lúc chú đang thấy đời đẹp nhất.

Anh Guillaume sợ Suku, không dám rượt. Nó cắn anh, anh vọt ra ngoài, đóng sập cửa lại. Rồi anh đứng phía ngoài, thằng Suku đứng phía trong, hai bên chửi qua chửi lại qua tấm cửa lưới.

Anh chửi bằng tiếng Pháp, thằng Suku chửi bằng tiếng chó, không biết có ai hiểu ai không mà cả hai đều sùi bọt mép, trông rất hăng.

Sau lần đó, tôi không thấy anh Guillaume tới nhà chơi nữa.

(Trích Chương 1: SUKU THIÊN THẦN)

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top