Đêm thơ Nguyên tiêu 2016 tại Tuần Giáo

Mường Quài, một đêm để nhớ

00:00 - Thứ Sáu, 26/02/2016 Lượt xem: 1993 In bài viết
ĐBP - Tối 21/2/2016 (tức ngày 14, tháng Giêng, năm Bính Thân), dưới chân đèo Pha Đin lịch sử, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) bừng lên trong không khí hân hoan của “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ 14. Đây là đêm thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 với chủ đề “Chào xuân mừng Đảng”, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Tuần Giáo tổ chức...

Là địa bàn “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh, thị trấn Tuần Giáo được xem là nơi dừng chân của nhiều nhóm khách du lịch cũng như nhiều đoàn cán bộ lên Điện Biên công tác theo tuyến đường bộ (quốc lộ 6) Hà Nội - Tuần Giáo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xứ sở Mường Quài đón một đoàn toàn những “khách văn” như hôm nay. Người xưa bảo “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, từ thành phố Điện Biên cách xa 75km có dư, các văn nghệ sỹ kể cả những người tuổi cao sức yếu, cũng cố vượt cái rét giêng hai để ra đây với bạn văn nói riêng và với khán giả yêu thơ nói chung. Tối nay Sân khấu Hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Tuần Giáo được trang hoàng khá bắt mắt bởi một bức in phun khổ lớn kỹ thuật mới, với bao nhiêu nội dung không chỉ trúng mà còn rất ý nghĩa. Theo thông báo của Ban tổ chức, còn lâu mới tới giờ khai mạc vậy mà rất nhiều, rất nhiều người dân (khán giả) đã có mặt và dường như ai cũng cố tìm cho mình một chỗ ngồi tốt nhất. Phải rồi, “Câu thơ như giọt máu tươi // Vắt ra mà gửi cho người mình yêu” (B. V. K); huống chi là thưởng thức thơ trong khung cảnh mùa xuân, có hoa, có nhạc, có bạn, có mình... ấm áp và trữ tình như tối hôm nay...

Tiết mục “Gặp nhau giữa rừng mơ” do đội văn nghệ huyện Tuần Giáo biểu diễn.

Như nhiều người từng biết: Do ưu thế của tiếng Việt chúng ta đơn âm nhưng đa thanh nên giàu nhạc điệu, do lối sống yêu thiên nhiên, do cách nghĩ, cách cảm trọng tình luyến nghĩa... nên dân tộc ta là một dân tộc yêu thơ. Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước từng mượn các hình thức thể hiện của thơ mà lưu giữ và truyền bá trong ca dao, tục ngữ, phương ngôn, hò vè, đối ẩm, ngâm vịnh... Nền thơ bác học lưu giữ bằng văn tự của nước ta cũng đã có nghìn năm tuổi, ấy là thơ ca đời Lý (1010 - 1225). Chúng ta tự hào là ngay từ buổi bình minh ấy, nền thơ Việt Nam ta đã bắt rễ vào những chủ đề thâm viễn và thiết thân nhất của mỗi con người và của cả dân tộc. Thơ đời Lý luận bàn về kiếp sống, về thời gian, về lẽ còn mất, được thua của nhân sinh, tạo vật, nhân luân, thời thế. Thơ đã sớm thành lời bàn luận khuyên nhủ, thuyết phục để chúng ta sống cuộc sống cho sâu sắc, cao cả và hài lòng nhất của con người. Giai đoạn mở đầu ấy là một giai đoạn huy hoàng của thơ ca Việt Nam, trên một đất nước lần đầu tiên thống nhất được gắn liền cùng độc lập - tự do.

Ngày nay, chúng ta được sống trong hoà bình và độc lập sau hàng thế kỷ đấu tranh xương máu. Cảm xúc về dân về nước in dấu rất đậm trong thơ; thơ thành nhu cầu của mọi tâm hồn. Từ phố phường cho đến thôn xóm, thơ đã thật sự trở thành một hình thái sinh hoạt của nhân dân qua các nhóm thơ, các câu lạc bộ thơ. Có cuộc thi thơ (ví như cuộc thi thơ năm 2010 do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trương), chỉ trong vòng 7 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 12.000 tác phẩm của gần 4.500 tác giả tham gia. Trên truyền hình, trên phát thanh, trên báo, trên sách, trong sổ tay cá nhân... thơ xuất hiện hàng vài vạn bài trong một năm. Làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, thưởng thức vẻ đẹp kỳ ảo của thơ đã thành một thú chơi tao nhã, một đòi hỏi tinh thần của toàn xã hội, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi dân tộc và mọi vùng miền. Bởi vậy mà ngày 11/01/2003, Hội Nhà văn Việt Nam có Công văn số 03/HNV-CV, về việc lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm làm “Ngày Thơ Việt Nam”. Tuy nhiên, thời điểm tết Quý Mùi (2003), do một số khó khăn nên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu (nay là Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) không có điều kiện tổ chức “Ngày Thơ Việt Nam”. Phải đợi một năm sau, đêm Rằm tháng Giêng năm Giáp Thân (Thứ Năm ngày 05/02/2004), tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, lần đầu tiên “Ngày Thơ Việt Nam” được tổ chức. Bên cạnh hàng trăm quan khách và khán giả Điện Biên, đêm thơ có sự tham dự của một số nhà thơ đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội).

... Và hôm nay, đêm thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 được khai mạc trọng thể với sự hiện diện của lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện Tuần Giáo; của đại diện các cơ quan, ban ngành, đơn vị... cùng rất nhiều người yêu thơ trong huyện. Tất nhiên, phải kể đến sự góp mặt của hơn 100 thành viên đến từ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, trong đó có các cháu thiếu nhi của Trường THCS Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Nét mới của đêm thơ năm nay chính là khúc hát văn nổi tiếng mang tên “Cô Đôi Thượng Ngàn”, do các cháu học sinh Trường THCS Him Lam trình diễn. Trong số mấy chục làn điệu Chèo cổ Việt Nam, khúc hát văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” là một trong những làn điệu khó hát nhất với những kỹ thuật nhấn nhá công phu mà ngay cả các diễn viên Chèo chuyên nghiệp cũng rất ít người thể hiện thành công. Trên nền khúc hát văn “Cô Đôi Thượng Ngàn”, các hoạ sỹ: Nghiêm Minh Hải, Lê Văn Ninh và Phan Văn Dinh đến từ Hội Mỹ thuật Điện Biên, thể hiện tài năng của mình với phần trình diễn thư pháp thật điêu luyện. Lần lượt các bài thơ được ngâm, được đọc diễn cảm với những bài hát được trình bày bởi các hạt nhân văn nghệ huyện Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Từ những lô ghế khán giả, nhiều người trầm trồ khen thưởng phần trình diễn ngọt ngào của diễn viên Huyền Lợi (Phòng Văn hoá - Thông tin Tuần Giáo), với ca khúc “Lời ca dâng Bác” của nhạc sỹ Trọng Loan. Bác Nguyễn Văn Tiếp (khối Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo), nhận xét theo cách của một người hiểu biết: “Tôi từng nhiều lần nghe Huyền Lợi trình bày bài hát này, song có lẽ đây là lần cô ấy hát hay nhất, diễn xuất thăng hoa nhất, cảm xúc mãnh liệt nhất”. Cụ Lê Quang Hoạt (Hội viên hội Văn học - Nghệ thuật huyện Tuần Giáo), cho biết: “Tôi năm nay đã gần 90 tuổi, đi đứng rất khó khăn, nhưng nếu không tham dự đêm thơ này thì thật tiếc. Vì thế mà tôi cố gắng và đúng là không uổng công mình”... 

Điểm nhấn của đêm thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 là phần thi thơ của 3 đội đến từ Hội Văn học Nghệ thuật TP. Điện Biên Phủ; Chi hội thơ Đường Luật Điện Biên và Hội Văn học Nghệ thuật huyện Tuần Giáo. Với đề tài đúng như chủ đề “Chào xuân mừng Đảng” của đêm thơ, trong vòng 10 phút mỗi đội phải ứng tác một bài thơ dài không quá 8 dòng, bằng trí tuệ tập thể, ngay trên sân khấu. Cùng với nhà thơ Trần Thành (Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên), nhà thơ Du An (Trưởng ban Biên tập, Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên), tôi (tác giả bài viết này) được mời chấm thơ cho các đội. Thật khó đánh giá khi mà bài thơ nào cũng hay, ý thơ nào cũng mới và nhất là tình cảm mà các tác giả gửi gắm vào mỗi câu mỗi chữ thì ai cũng hồn nhiên, chân chất. Tuy nhiên khó mấy thì “trong bó đũa” cũng phải chọn lấy “cột cờ”; kết quả là giải nhất thuộc về Hội Văn học Nghệ thuật huyện Tuần Giáo với tác phẩm “Tây Bắc mừng xuân Bính Thân”; Hội Văn học Nghệ thuật TP. Điện Biên Phủ và Chi hội thơ Đường Luật Điện Biên đồng giải nhì. Để đêm thơ thêm hấp dẫn, Ban tổ chức trao 5 phần thưởng cho 5 khán giả yêu thơ có thơ dự thi làm ngay tại đây... Ông Lê Văn Hùng - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tuần Giáo - đánh giá: “Nhìn tổng quát, đêm thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 là một chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục được dàn dựng khá công phu; hình thức thể hiện phong phú và thật ấn tượng. Phần trình diễn thơ với những giọng ngâm da diết, ngọt ngào trong khung cảnh lung linh thi vị, đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho cán bộ và nhân dân cũng như công chúng yêu thơ Tuần Giáo”.

“Ngày Thơ Việt Nam” thứ 14, “Ngày Thơ Việt Nam” thứ 13 trên địa bàn tỉnh và “Ngày Thơ Việt Nam” đầu tiên được tổ chức tại Tuần Giáo đã khép lại bằng cuộc chia tay bịn rịn tại sân nhà khách UBND huyện. Đúng như ai đó vừa nói như xuất khẩu thành thơ: “Mường Quài, một đêm để nhớ”. Thời khắc này ô tô sắp chuyển bánh, song dường như có một đêm thơ nữa đã và đang âm thầm cháy lên trong tâm hồn mỗi người, trong cảm xúc gặp nhau rất vội để rồi chia tay cũng rất vội. Nhìn vào mắt các văn nhân, tôi biết sau đêm thơ này, nhất định sẽ có nhiều bài thơ về đất và người Tuần Giáo lần lượt ra mắt bạn đọc. Dễ hiểu bởi đó là cách để các nhà thơ bày tỏ nỗi nhớ về cán bộ và nhân dân Tuần Giáo; vì những yêu thương, san sẻ mà đơn vị chủ nhà đã dành cho thơ, dành cho văn nghệ sỹ không chỉ trong huyện mà cả trong tỉnh...

Bài, ảnh: Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top