Âm nhạc dân tộc trong đời sống nghệ thuật đương đại

00:00 - Thứ Hai, 29/02/2016 Lượt xem: 2530 In bài viết
Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, các giá trị văn hóa, tinh thần không ngừng được xây dựng, bồi đắp và trở thành sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó âm nhạc truyền thống chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Đề cập vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh tại Hội thảo “Âm nhạc với cuộc sống hôm nay” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam vừa tổ chức.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống đã và đang có những bất cập, khó khăn. Theo thống kê của Viện Âm nhạc, hiện nay nước ta có hơn 17 nghìn bài dân ca, gần chín nghìn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian do 1.848 nghệ nhân hát và đàn; trong đó, nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại - tất cả đều mang tâm tư, khát vọng của con người vươn lên trong lao động, học tập, công tác và chiến đấu.

Biểu diễn đàn bầu - nhạc cụ dân gian độc đáo của dân tộc.

Chúng ta tự hào khi UNESCO đã vinh danh bảy loại hình âm nhạc dân tộc của Việt Nam. Đó là minh chứng hùng hồn giá trị trường tồn của âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bên cạnh những giá trị văn hóa tiên tiến được tiếp thu và phát triển, cũng có không ít sản phẩm tiêu cực, phản văn hóa, đang làm công chúng băn khoăn. Nói như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì “cùng lúc có cả luồng gió mát, có cả luồng gió độc thổi vào đất nước ta, tạo thành cuộc đối đầu: một bên ra sức bảo vệ nền văn hóa; một bên đang len lỏi, pha trộn làm cho văn hóa xấu ngoại lai lấn lướt, gây nên hậu quả không nhỏ”.

Giới trẻ ngày nay đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị hao mòn theo năm tháng. Trong khi người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân nước ta chơi nhạc cụ dân tộc, thì người Việt Nam lại đang quay lưng với những nhạc cụ mà bầu bạn quốc tế đánh giá rất cao. Biểu diễn nghệ thuật dân tộc đang ngày càng thưa vắng khán giả, còn nghệ thuật hiện đại lại “chiếm lĩnh trận địa và lên ngôi”. Sự lên ngôi của dòng nhạc thị trường, giải trí chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, đang có chiều hướng gia tăng. Một thực trạng đáng suy nghĩ là, trong khi các bộ môn nghệ thuật khác, như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ca Huế... được Nhà nước bao cấp một phần đáng kể, thì các loại hình ca trù, quan họ, hát xẩm, chầu văn,... gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nghệ nhân âm nhạc dân gian đang có cuộc sống không ổn định và hành nghề thật gian nan, thường xuyên phải gồng mình chống đỡ những cuộc tiến công mạnh mẽ của dòng nhạc ngoại lai và dòng nhạc thương mại...

Chúng ta đã phục dựng những lễ hội, làm sống lại môi trường diễn xướng nguyên sơ của âm nhạc dân tộc; tuy vậy, đã xuất hiện những lễ hội truyền thống làm mất đi hồn cốt dân tộc, nhạt nhòa mục đích cố kết cộng đồng, coi nhẹ việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống hào hùng dân tộc và tôn vinh nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Không ít nghệ sĩ biểu diễn đã tự hạ thấp giá trị đích thực của nghệ thuật âm nhạc dân tộc vì chạy theo thị hiếu tầm thường và lợi ích vật chất. Tình hình đó làm cho những nghệ sĩ tâm huyết có cơ sở băn khoăn: Càng bảo tồn, càng có nhiều công nhận di sản, càng làm cho di sản chỉ còn là... di ảnh của tài sản cha ông và là hoài niệm.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với đời sống âm nhạc nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng còn nhiều bất cập, yếu kém. Những nhà phê bình còn né tránh phê phán dòng âm nhạc lai căng, âm nhạc thương mại, thiếu dũng khí bảo vệ, tôn vinh âm nhạc dân tộc nước nhà. Việc tuyên truyền, phổ biến âm nhạc truyền thống trên các cơ quan thông tin đại chúng, trong trường học, câu lạc bộ cũng chưa được coi trọng thường xuyên và chưa có chiến lược lâu dài.

Từ thực trạng trên, có thể thấy việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của âm nhạc dân tộc là vô cùng cần thiết. Các phương tiện truyền thông cần xác định đúng và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phát huy giá trị quý báu về âm nhạc dân tộc và nhạc cụ dân tộc, bao gồm cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, phong phú của dân tộc ta. Đây là một kênh có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc trong nước cũng như đến với bạn bè quốc tế, nhưng phải chú trọng tuyên truyền có trọng điểm theo những chương trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc dân tộc, nhằm góp phần bồi đắp thẩm mỹ nghệ thuật đúng đắn cho thế hệ tương lai của đất nước.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục gấp rút sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một trong sinh hoạt âm nhạc truyền thống. Coi trọng bảo tồn một cách hệ thống ở tầm nhìn chiến lược là yếu tố quyết định, vì chỉ như vậy mới tạo cơ sở cho sự phát triển âm nhạc truyền thống trong tương lai. Bảo tồn phải gắn liền với phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc thông qua việc phục dựng môi trường diễn xướng; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng dùng âm nhạc dân tộc để làm du lịch theo kiểu chộp giật, chạy theo mục đích kinh tế đơn thuần.

Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ làm âm nhạc dân tộc. Từ thành công của mô hình đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường trong thời gian qua, chúng ta cần tổng kết, nhân rộng. Đối với việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, cần rà soát kỹ lưỡng tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ đội ngũ giảng viên, giáo trình đến việc tuyển sinh, đầu ra cho sinh viên.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng âm nhạc dân tộc nên được quan tâm đúng mức, bởi tài năng có được trên cơ sở bẩm sinh cùng quá trình tự rèn luyện, học hỏi tinh hoa của nền âm nhạc các nước. Chúng ta càng thấm thía điều tâm nguyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát triển tài năng. Cần chú ý hơn nữa việc phát hiện, bồi dưỡng những tài năng âm nhạc trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Để đạt mục tiêu ấy, cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng các tài năng âm nhạc dân tộc, có những cơ chế, chính sách cụ thể để tạo bước đột phá trong đãi ngộ đối với đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển âm nhạc dân tộc. Trong khi chờ đợi những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, các địa phương trong điều kiện cụ thể của mình cần chủ động xây dựng đề án, kế hoạch phát triển văn hóa, văn nghệ; trong đó đặc biệt chú trọng, quan tâm đến âm nhạc dân tộc, làm cho nghệ sĩ sống được bằng nghề.

Để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của âm nhạc, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý dứt điểm, nghiêm minh những biểu hiện tiêu cực, lai căng, tuyên truyền, cổ súy cho những sản phẩm thấp kém trong đời sống âm nhạc đương đại. Đề cao vai trò của các nhà phê bình âm nhạc tham gia phản bác những biểu hiện lệch lạc, “loạn chuẩn”, “lệch chuẩn” trong đời sống âm nhạc; đồng thời khẳng định và quảng bá những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc của âm nhạc dân tộc.

Âm nhạc dân tộc cũng đang có nguy cơ mai một, biến chất trong sự bủa vây của thị trường. Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc và thật sự là nguy cơ lớn không thể xem thường. Trong khi đó, những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc chưa phát huy được hiệu quả, có nơi, có lúc rơi vào hình thức, thậm chí phản tác dụng.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top