Đạo diễn Việt Tú “cả gan” đưa hầu đồng lên sân khấu

00:00 - Thứ Tư, 16/03/2016 Lượt xem: 2292 In bài viết
Ngay khi ra mắt tại rạp Công nhân (Viettheatre) Tràng Tiền, Hà Nội), chương trình “Tứ phủ” lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam đã lập tức gây ngỡ ngàng cho những người làm nghệ thuật. Cũng bởi, “Tứ phủ” đã đưa người xem lạc vào không gian đậm đặc văn hóa dân gian của người Việt nhưng vẫn đầy sự huyền bí, mê hoặc trong tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn là hồn cốt của văn hóa Việt Nam.


Chương trình "Tứ phủ" tái hiện đầy đủ, chi tiết nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian của Việt Nam

“Tứ phủ” là chương trình biểu diễn của công ty Nhà hát Việt, trình diễn ba giá đồng nằm trong 36 giá thuộc nghi lễ lên đồng: đó là giá Đệ nhị, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô bé thượng ngàn. Điều đáng nói, khác với những nghi lễ lên đồng thường thấy ở cửa đình, cửa đền, những nơi thờ cúng linh thiêng, “Tứ Phủ” biểu diễn với một tinh thần duy mỹ, trau chuốt và cẩn thận từ phần hình ảnh, âm nhạc cho đến kết cấu chương trình. Từng chi tiết của vở diễn được đạo diễn cân nhắc kỹ lưỡng để khắc họa một cách chân thực, bài bản của một nghi lễ hầu đồng.

Không gian sắp đặt của Tứ phủ tại sảnh của rạp Công nhân.

Không chỉ bị không gian đậm đặc mùi hương trầm làm mê hoặc, khán giả còn cảm thấy như đang lạc vào một chốn uy nghiêm, huyền bí của tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở sảnh chính rạp Công nhân là không gian trưng bày với một ban sơn trang vàng mã tỉ lệ 1/1 của những “giá hầu”. Các hình nộm ngựa giấy, voi giấy được sắp sếp một cách có cấu trúc như một tác phẩm sắp đặt và được thực hiện bởi những nghệ nhân ba đời làm vàng mã. Cách sắp đặt này rõ ràng tác động mạnh đến thị giác của người xem, tạo cảm giác huyền bí trước khi bước vào thế giới nghệ thuật ở sân khấu chính.

Đạo diễn Việt Tú nắn nót từng chi tiết trong chương trình.

Đoạn mở đầu “Tứ phủ”, đạo diễn Việt Tú còn muốn khắc họa cho người xem rõ nét hơn nghi thức của một buổi lễ hầu với cận cảnh việc bày biện, soạn sửa khăn áo của Thanh đồng. Từng chi tiết gài trâm, vấn khăn, mặc áo cho Thanh đồng được hai “tay quỳnh, tay quế” thao tác nắn nót, đẹp mắt.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, để thực hiện bảy phút cho phần “nâng khăn sửa áo” này, các nghệ sĩ phải luyện tập cả tháng trời. Hàng trăm thao tác liên hoàn do hai nam nghệ sĩ thực hiện không chỉ thể hiện đúng nhịp, đúng tiết tấu mà còn phải thể hiện cho ra thần thái của một nghi thức. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ vào vai Thanh đồng luôn phải giữ một nét mặt uy nghiêm của bậc thánh nhưng vẫn phải liên tục biểu lộ xúc cảm trên khuôn mặt để người xem không bị nhàm chán.

Các màn diễn đẹp mắt nhưng vẫn đầy tôn nghiêm.

Đạo diễn Việt Tú, người được biết đến là “phù thủy sân khấu” của những chương trình giải trí, khiến nhiều người xem và cả giới nghệ sĩ kinh ngạc khi đột ngột chuyển sang thực hiện sân khấu mang đậm màu sắc tín ngưỡng, văn hóa dân gian.

Anh cho biết, đã ấp ủ “Tứ phủ” trong 3 năm với mục đích không phải “gây sốc” khi đưa hầu đồng lên sân khấu biểu diễn mà nhằm giúp người xem đặc biệt là những du khách nước ngoài hiểu hơn về một loại hình tín ngưỡng Việt Nam.

“Đây là chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa tín ngưỡng cho du khách, vì thế tôi đòi hòi người biểu diễn phải cầu kỳ, chỉn chu trong từng chi tiết. Từng ánh mắt, cử chỉ, thao tác đưa tay, choàng áo… cũng phải tập kỹ lưỡng, chuẩn mực. Một bộ trang phục biểu diễn của Thanh đồng được các nghệ nhân làm bằng tay trong vòng một tháng rưỡi. Các nghệ sĩ biểu diễn hát văn, lên đồng cũng là những nghệ nhân có tiếng, từng biểu diễn hầu đồng trong các đình, đền”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

Đạo diễn Việt Tú cùng đoàn đại biểu trong chương trình chia tay với bà Katherine Muller-Marin, Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Từ khi hoàn thành, “Tứ phủ” đã gây tiếng vang và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, chương trình được trình diễn thường xuyên tại Rạp Công nhân như là một sản phẩm văn hóa, du lịch dành cho du khách trong nước và quốc tế. Trong 6 tháng trình diễn, “Tứ phủ” đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị đại sứ, Tuỳ viên văn hoá của Pháp, Italia, Ba Lan, Hungary, Canada, UNICEF... cùng rất nhiều lượt khán giả trong nước, và mọi vùng quốc gia trên thế giới đến thưởng thức văn hoá.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, hiện nay nhiều công ty lữ hành du lịch nước ngoài đã đặt hàng và coi “Tứ phủ” là một sản phẩm du lịch đáng quan tâm khi đến Hà Nội.
 

- Ngày 15/10/2015, Tứ Phủ đã có vinh dự trình diễn phần ấn tượng nhất trong vở diễn tại Tanzania trong một lễ khai trương nhà mạng lớn của Việt Nam trước Tổng thống và Phó Thủ tướng, cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và đông đảo quan khách hai nước.

- Ngày 21/11/2015, Nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Kenzo đã tới xem và dành những lời khen ngợi cho Tứ Phủ đặc biệt ở phần trang phục.

- Ngày 18/2/2016, Tứ phủ vinh dự là chương trình mở màn năm mới 2016 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại Giao với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại đồng thời cũng là món quà đặc biệt chia tay với bà Katherine Muller-Marin, Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, người được mệnh danh là “Người đàn bà di sản” với nhiều đóng góp lớn cho việc tôn vinh văn hóa Việt.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top