Hãy lắng nghe “thông điệp” từ cổ vật (1)

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 2648 In bài viết
ĐBP – Kỳ I: Sau đêm khai mạc “Lễ hội Hoa ban 2016” tại Quảng trường 7/5 (tối 13/3), tôi như bị “ám ảnh” bởi tiết mục văn nghệ có tiêu đề: “Bản hùng ca trên mặt trống đồng” (âm nhạc: Nguyễn Anh Trí; biên đạo: NSƯT Bằng Thịnh; do nam ca sỹ Vũ Thắng Lợi (Hà Nội) và tốp múa Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Sơn La biểu diễn). Mang những ưu tư không dễ gì tự mình có thể lý giải, tôi nhủ lòng phải tìm đến một người được giới chuyên môn trong tỉnh đánh giá là nắm giữ nhiều “thông điệp” từ những chiếc trống đồng cổ tưởng như rất vô tri vô giác...

Người đó, xin thưa, không ai khác, chính là bà Trịnh Thị Mai – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên – Người đã hàng chục năm gắn bó với Bảo tàng tỉnh thông qua hàng loạt chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nói chung, đề án về khai quật và phát huy giá trị nhiều mặt của trống đồng cổ nói riêng. Theo bà Trịnh Thị Mai, lịch sử phát hiện, sưu tầm và khai quật trống đồng cổ ở Điện Biên là cả một câu chuyện rất dài và đương nhiên cũng rất hấp dẫn. Càng những năm gần đây, thực tế cho thấy địa bàn tỉnh Lai Châu trước kia và địa bàn tỉnh Điện Biên hiện giờ, được xem là có nhiều trống đồng cổ được phát hiện cả ngẫu nhiên và có chủ ý. Trong số 10 đơn vị hành chính trong tỉnh, huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng là hai địa bàn có nhiều trống đồng cổ được phát hiện nhất.

Một số trống đồng cổ được phát hiện trên địa bàn tỉnh, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Để chứng minh cho nhận định của mình, bà Trịnh Thị Mai cho biết: Bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng và bản Nà Hý, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là nơi phát hiện được nhiều trống đồng, đây có thể là nơi địa táng của con người thời tiền sử, do đó khu vực này còn tiềm ẩn rất nhiều di vật mà chúng ta chưa phát hiện. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy hết những giá trị mà ông cha ta để lại, Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch lập đề án khai quật trống đồng tại xã Ẳng Nưa và xã Thanh Nưa, hiện đang chờ triển khai. Đó là những di sản văn hóa hết sức quý giá của dân tộc Việt nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng, góp phần trách nhiệm cùng cả nước gìn giữ, bảo tồn các hiện vật quý làm giàu và phong phú cho di sản văn hóa quốc gia. Mục đích của đề án nhằm nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khảo cổ học – sử học Việt Nam từ những cá thể trống đồng ở Điện Biên nói riêng và Bắc Việt Nam nói chung. Từ đó cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá Việt Nam.

Câu chuyện của Giám đốc Trịnh Thị Mai đưa chúng tôi trở về quá khứ gần 10 năm trước. Đó là thời điểm đầu năm 2008, trên địa bàn hai huyện Mường Ảng và huyện Điện Biên đã phát hiện hàng loạt trống đồng cổ, với số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Trong quá trình thực hiện Chương trình 135CP và Đề án 30a của Chính phủ, một số xã đã triển khai việc giao đất, giao rừng đến từng hộ dân để trồng các loại cây cao su và cà phê, góp phần giảm nghèo nhanh và phát triển kinh tế được bền vững. Khi đào hố để trồng cao su và cà phê, người dân đã vô tình phát hiện những di vật lạ và sau đó, báo cho chính quyền địa phương. Ngày 26/02/2008, Công an huyện Mường Ảng cũng nhận được tin báo của ông Lò Văn Mụ ở bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, trong khi đào hố trồng cây cà phê trên đồi Pá Ban (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng), đã vô tình phát hiện những di vật lạ. Sau khi nhận được tin báo, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện và chính quyền xã Ẳng Nưa, xác minh và tạm giữ 2 chiếc trống đồng trên để làm rõ. Những di vật này đã được chuyển cho cơ quan chức năng là Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Điện Biên (nay là Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch). Thực hiện nhiệm vụ được giao, gần như ngay lập tức một nhóm chuyên gia của Bảo tàng tỉnh đã có mặt tại hiện trường, tổ chức xác minh và tiếp nhận những di vật này mang về Bảo tàng để bảo quản, nghiên cứu. Theo nhận định ban đầu, đây là trống đồng cổ thuộc nhóm loại H3 theo cách phân loại của Heger (có niên đại vào khoảng thế kỷ XV). Cùng ngày (26/02/2008), Công an huyện Mường Ảng thu giữ 2 chiếc trống đồng từ gia đình ông Lò Văn Nghiêm (trú tại bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh bảo quản, xử lý theo thẩm quyền.

Bà Trịnh Thị Mai – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên – trong chuyến điền dã thu thập tài liệu về di vật cổ tại huyện Mường Ảng.

Đến ngày 28/02/2008, Công an huyện nhận được tin có kẻ đào tìm gì đó, tại khu vực đồi Pá Ban gần vị trí ông Lò Văn Mụ đào được trống đồng. Qua kết quả xác minh tại khu vực đồi Pá Ban bản Co Sáng, phát hiện 2 hố đất mới bị đào xới, tại hiện trường có các mảnh vỡ kim loại màu xanh rêu do bị han rỉ nghi là mảnh vỡ trống đồng, Công an huyện đã phối hợp với xã triển khai công tác điều tra xác minh, phát hiện 6 đối tượng tại bản Co Sáng có hành vi đào trộm trống đồng. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, số đối tượng trên đã tự nguyện giao nộp 2 chiếc trống đồng cho Công an huyện. Ngày 27/3/2008, tiếp tục nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, có dấu vết đào bới, nghi là đào trộm trống đồng tại khu vực trên. Sau khi xác minh sự việc, Công an huyện đã phát hiện 3 hố đất mới bị đào, qua kiểm tra phát hiện các mảnh vỡ của kim loại có màu xanh rêu, nghi là mảnh vỡ trống đồng.

Ngày 09/4/2008, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân có 3 đối tượng dùng máy dò kim loại tại khu vực nghi có trống đồng đã phát hiện trước đây. Công an huyện đã yêu cầu 3 đối tượng về trụ sở để làm rõ và không được tiếp tục dùng máy dò kim loại tại khu vực trên. Tuy nhiên, dư luận của quần chúng nhân dân cho biết 3 đối tượng vẫn dùng máy dò kim loại và đã phát hiện, đánh dấu các điểm có trống đồng, với ý đồ nhằm chiếm đoạt cổ vật để tư lợi về cá nhân. Ngày 13/4/2008, nhận được tin báo chính thức của chính quyền xã Ẳng Nưa, Công an huyện Mường Ảng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã kiểm tra tại các điểm nghi có trống đồng và tổ chức đào khẩn cấp 4 hố mà kẻ xấu đã đánh dấu, kết quả thu được 6 chiếc trống đồng cổ. Công an huyện đã lập biên bản và sau đó hoàn tất hồ sơ, bàn giao 6 chiếc trống đồng cho ngành Văn hoá – Thể thao & Du lịch...

... Tạm thời bỏ dở câu chuyện về “hậu 6 chiếc trống đồng cổ” ở Mường Ảng, Giám đốc Trịnh Thị Mai cung cấp cho những “người ngoại đạo” chúng tôi một số kiến thức hàn lâm về trống đồng cổ nói chung. Theo đó, việc khai quật trống đồng sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử phát hiện trống đồng, loại hình, chức năng, đặc trưng của trống đồng ở Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời cũng đưa ra những tư liệu so sánh về loại hình, chức năng, đặc trưng của trống đồng Điện Biên với những trống đồng phát hiện được ở các vùng khác trong nước. Điểm đặc biệt nhất ở Điên Biên là số lượng trống phát hiện trong lòng đất, tập trung tại địa bàn nhất định (bản Co Sáng, huyện Mường Ẳng  và bản Nà Hý, huyện Điện Biên). Từ trước đến nay, việc phát hiện trống đồng cổ thường ngẫu nhiên, hoặc từ các sưu tập trong nhân dân. Do vậy, việc đầu tư để tiến hành khai quật trống đồng ở bản Co Sáng và bản Nà Hý là vô cùng ý nghĩa và bức thiết.

Trống đồng – một trong những di sản độc đáo nhất trong hệ thống di vật khảo cổ học Việt Nam, được phát hiện và nghiên cứu trên nhiều địa phương, tập trung nhất ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Niên đại của trống kéo dài từ thời đại kim khí đến các triều đại độc lập tự chủ. Hiện đã có nhiều công trình ở Việt Nam và thế giới nghiên cứu về trống đồng, tuy vậy, tỉnh Điện Biên cũng là một trong những địa phương phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng cổ so với các tỉnh thành trong nước. Trong cộng đồng các dân tộc: Khơ Mú, Lô Lô, Cống, Mường... trống đồng là nhạc cụ gõ phổ biến tại các nghi lễ tang ma, cầu cúng... Thực tế cho thấy những năm qua, trống đồng được phát hiện ở nhiều nơi trong tỉnh, như: Mường Nhé, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay; đặc biệt trên địa bàn huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng.

Cổ vật là những “báu vật” trời cho. Chính vì vậy, xin hãy học cách lắng nghe những “thông điệp” từ cổ vật, hãy “đối xử” với chúng một cách có trách nhiệm và có văn hóa...

(Xem tiếp kỳ II)

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top