Hãy lắng nghe “thông điệp” từ cổ vật (2)

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 2267 In bài viết
ĐBP – Kỳ II: Nghe tôi ngỏ lời muốn viết về công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị nhiều mặt của những chiếc trống đồng cổ, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên - vui như gặp bạn “tri âm”. Qua chưa đầy một giờ tiếp xúc, cảm nhận đầu tiên của tôi là bà Nguyễn Thị Phượng hiểu rất sâu về những gì xung quanh số phận những chiếc trống đồng hiện đang “nằm co” trong mấy gian kho mượn tạm của Bảo tàng tỉnh Điện Biên...
Chiếc trồng đồng cổ được phát hiện ngày 21/1/2016.

* Hãy lắng nghe “thông điệp” từ cổ vật (Kỳ I)

Thống kê của bà Trần Thị Thoa - Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) - đến thời điểm này Bảo tàng tỉnh đang bảo quản 37 trống đồng cổ. Trong đó, có 1 chiếc đang trong giai đoạn lập hồ sơ khoa học. Chiếc trống này (thứ 37) được tìm thấy ngày 21/1/2016, do anh Lò Văn Việt (trú tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) phát hiện lúc làm nương ở gần khe suối Huổi Hoa (bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên). Trống còn khá nguyên vẹn, trọng lượng khoảng 20kg, đường kính mặt trên 61cm, cao 49cm. Mặt trống có 4 cụm cóc đơn, cách đều 4 góc, đầu quay ngược chiều kim đồng hồ. Chính giữa mặt trống là ngôi sao nổi 12 cánh, có thể là biểu tượng tương ứng 12 tháng trong năm hoặc dùng để đo thời gian (mỗi cánh sao là 2 tiếng đồng hồ). Ngoài ra còn có những hoa văn: Bông gạo, chim lạc... trên mặt trống.

Ông Đào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cho biết cơ quan chức năng sẽ thành lập hội đồng đánh giá giá trị của chiếc trống. Từ đó, có phần thưởng xứng đáng để động viên người có công phát hiện và tự nguyện hiến tặng chiếc trống cho Bảo tàng tỉnh. Trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên - cho rằng tạm thời nhận định đây là chiếc trống thuộc dòng Heger III, có nguồn gốc từ người Caren đỏ thuộc vùng Đông Bắc Myanmar, niên đại khoảng 2.000 năm trước.

Bà Trần Thị Thoa cho biết: Chiếc trống đồng cổ đầu tiên tìm thấy trên địa bàn tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ), do ông Phan Văn Giá phát hiện năm 1971, tại bản Nà Ngum, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (nhưng hiện nay xã Thanh Chăn không có bản Nà Ngum, mà xã Thanh Yên mới có bản Nà Ngum). Trong bản thống kê của Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên, chiếc trống này ở vị trí số một, ký hiệu “460” và được mô tả như sau: “Cao 27cm. Đường kính mặt và đáy 47cm. Trọng lượng 13,5kg. Các bộ phận như: Mặt, tang, thân, chân trống còn đủ nhưng toàn bộ đã bị ô xy hóa. Mặt trống bị nứt từ giữa ra ngoài tang trống vết dài 23cm. Trống có quai kép, mất 1 bên quai, một bên mất một nửa”. Năm 1990 phát hiện được 2 trống đồng nữa, tại bản Noong luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên; do gia đình ông Vì Văn Bình trong lúc đào đất để làm bờ ruộng, tình cờ phát hiện được. Cả hai chiếc trống này đều được giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý.

Theo ghi chép của cá nhân tôi, trong số mấy chục chiếc trống đồng cổ đã tìm thấy trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có chiếc trống đồng Mường Đăng do ông Lường Văn Dung (dân tộc Thái, trú tại bản Thái, xã Mường Đăng, huyện Tuần Giáo, nay là huyện Mường Ảng), phát hiện ngày 06/03/1995. Trống nặng 34kg, cao 36,5cm đường kính mặt 62cm, đường kính đáy 59,7cm. Đây là chiếc trống cổ được xếp vào giai đoạn chuyển tiếp giữa nhóm Hêgơ III và Hêgơ IV, thuộc thời kỳ đồ đồng Đông Sơn loại muộn ở Việt Nam. Tiếp theo là trống đồng U Va do ông Quàng Văn Cương (dân tộc Thái, trú tại bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên), phát hiện ngày 15/10/1996; trong lúc gia đình ông Quàng Văn Cương san đất lấy mặt bằng làm chỗ đập lúa, trên dãy Pu Chom Chảnh. Trống nặng 17kg, cao 44cm, đường kính mặt 60cm, đường kính đáy 50cm. Đây là chiếc trống cổ, được xếp vào giai đoạn chuyển tiếp giữa nhóm Hêgơ II và Hêgơ III, thuộc nền văn hóa thời đại đồ đồng Đông Sơn loại muộn ở Việt Nam. Bản tin vắn trên Báo Điện Biên Phủ thời sự, số 313 ngày 28/04/1998, cho biết: Cuối năm 1997, Binh đoàn Trường Sơn làm hồ Pe Luông đã tìm thấy một chiếc trống đồng cổ và là chiếc trống đồng cổ thứ 8 được phát hiện ở Lai Châu.

Trong khi chờ dự án sưu tầm, bảo quản trống đồng được cấp thẩm quyền phê duyệt, thì tạm thời, đây là nơi cất giữ những báu vật vô giá...

Sáng 22/03/2016, được sự giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền - cùng một số cán bộ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi được phép tiếp cận những hiện vật trống đồng mà Bảo tàng tỉnh đang cất giữ theo thẩm quyền. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “những hiện vật trống đồng”, vì trên thực tế, không ít trống không còn nguyên vẹn do nhiều nguyên nhân. Tôi không có kiến thức về trồng đồng cổ, song nhìn bằng mắt thường cũng thấy chúng đang “tự xuống cấp” từng giờ trong sự hững hờ của con người. Lại nhớ trong câu chuyện, bà Nguyễn Thị Phượng nhắc đến thời Triệu Đà (Triệu Vũ Vương) đem quân xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Sau khi bình định được quốc gia Âu Lạc (tên gọi nhà nước Việt Nam thời đó), trong số các chiến lợi phẩm cướp được, Triệu Đà cho mang về nước rất nhiều trống đồng mục đích để đúc vũ khí. Tuy nhiên, lượng trống đồng mà cư dân Âu Lạc còn giữ được với số lượng rất lớn, mặt khác, vào các thời đại sau, trống đồng tiếp tục được đúc để phục vụ cho những nhu cầu đa dạng, trong đó có nhu cầu về tâm linh và tín ngưỡng.

Đề án “Bảo quản, sưu tập trống đồng tỉnh Điện Biên” do Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên chủ trương, nêu rõ: Với Điện Biên, trống đồng hiện hữu vào những thời điểm xã hội Việt Nam trải qua nhiều biến động: Hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và tệ buôn bán, săn lùng đồ cổ diễn ra khắp nơi. Việc nghiên cứu giải mã những điều bí ẩn, ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bổ sung các thông tin cho bộ hồ sơ sưu tập trống đồng tỉnh Điện Biên phục vụ khách tham quan du lịch nghiên cứu, tìm hiểu khám phá xã hội thời tiền, sơ sử trên mảnh đất Điện Biên là rất cần thiết. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập trống đồng tỉnh Điện Biên không những có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị. Trống đồng là minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa to lớn đó trống đồng tại tỉnh Điện Biên cần được bảo quản để bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, góp phần làm sáng tỏ thêm những giá trị chân thực, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của những di sản quý báu không phải tỉnh nào cũng may mắn có được.

Bên cạnh việc đầu tư bảo quản, tiến hành đồng bộ nghiên cứu, khảo sát bổ sung, xây dựng bộ sưu tập trống đồng hoàn chỉnh và phong phú về nội dung. Tuy nhiên, sưu tập trống đồng tại tỉnh Điện Biên chưa được bảo quản và nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay, với điều kiện kho cơ sở, nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh còn tạm thời chưa đáp ứng tối đa nhu cầu bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị trống đồng và các di sản văn hóa quí báu của tỉnh, của dân tộc. Những năm trước đây do điều kiện kỹ thuật chưa cho phép, nên trống đồng chưa được xử lý, bảo quản theo qui trình khoa học tiên tiến nên trống ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trống đồng lưu giữ tại tỉnh Điện Biên là những chiếc trống quý, hiếm có nhiều hoạ tiết, hoa văn, chi tiết độc đáo như khối tượng cóc chồng lên nhau, mặt trống có hình cá sấu và hình người cách điệu hay tượng ốc. Hiện tại những chiếc trống này đang bị hư hỏng, ảnh hưởng đến giá trị những di sản văn hóa của tỉnh của dân tộc như 4 khối tượng cóc có con mất đầu, tượng ốc bị gãy. Nhiều trống bị mất một phần tang, phần thân hay chân, mặt ngoài trống hầu hết bị đất, tạp chất phủ làm lu mờ cả hoa văn. Đặc biệt lớp ôxit đồng đang ngày một phủ dày làm hỏng dần những hoa văn, họa tiết trang trí trên bề mặt hiện vật.

Thời gian lặng lẽ trôi đi đã gần 6 năm (2011-2016), đề án không được phê duyệt tức là nếu chúng ta không tổ chức nghiên cứu, khảo sát và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào bảo quản trống đồng, thì nguy cơ bị hủy hoại trong môi trường tự nhiên đối với hiện vật là rất lớn. Do bị chôn vùi lâu ngày đã bị các tác nhân gây hại phá hủy, trong quá trình phát hiện, sưu tầm về Bảo tàng chưa được xử lý bảo quản bằng hóa chất và môi trường bảo quản chưa đạt yêu cầu qui định nên quá trình tự hủy hoại hiện vật trong môi trường tự nhiên lại tiếp tục diễn ra...

(Xem tiếp kỳ III)

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top