Sách và cuộc sống

Vấn nạn buôn nội tạng đi vào tiểu thuyết trinh thám Việt

00:00 - Thứ Năm, 31/03/2016 Lượt xem: 1719 In bài viết
Khởi đầu từ câu chuyện bắt cóc trẻ sơ sinh đã từng gây rúng động dư luận xã hội trong một thời gian dài, tiểu thuyết Có tiếng người trong gió của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy ra mắt ngày 30-3, tại Hà Nội lại một lần nữa đưa những vấn đề nóng bỏng của xã hội vào tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Có tiếng người trong gió của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ éo le trên đất Trung Quốc giữa một kỹ nữ dày dặn kinh nghiệm với một cậu trai trẻ mới bước vào đời mà cô có linh cảm đó là người cô vẫn tìm kiếm bấy lâu. Cùng lúc đó tại Việt Nam, các chiến sĩ công an đang điều tra một vụ án liên quan đến sự biến mất của hàng loạt trẻ sơ sinh trong thành phố…

Dịch giả, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Có tiếng người trong gió là một tiểu thuyết nhiều tầng lớp câu chuyện, động chạm đến những vấn đề thời sự của xã hội, thậm chí có những việc như vừa xảy ra hôm qua”. 

Từ những nghi vấn về chuyện bắt cóc, buôn bán trẻ em để lấy nội tạng, Có tiếng người trong gió  như một băn khoăn về nhân tính, một cái rùng mình về tội ác, một tiếng kêu về thiên lương. Cuốn sách  đã “thăm dò” và rọi sáng dữ dằn một sự thực: Không chỉ là hệ quả hồn nhiên của những vô minh bản năng, cái ác ngày càng là chủ đích lựa chọn rồi được lập trình, trình diễn bài bản đến hoàn hảo bởi những trí-thức-giang-hồ, và thường được trợ sức bởi siêu công nghệ.

Có tiếng người trong gió là sự đan quyện của 3 tuyến truyện song song vừa cụ thể trần trụi, vừa bảng lảng mơ hồ có chút liêu trai khó nắm bắt, để rồi gặp nhau ở một điểm đầy bất ngờ.  Đồng thời, dù tác giả đang phác thảo về hình hài của cái ác, đang nhận diện về cái ác theo một cách có rùng rợn và sợ hãi, có để lại nơi người đọc một dư chấn bàng hoàng thì những trang văn vẫn ấm áp tình đời, tình người.

“Đã từng viết về đời sống của bộ đội Trường Sa, về tội phạm Internet, về bi kịch trí thức trẻ thời đô thị hóa, đến cuốn tiểu thuyết thứ tư, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại làm bạn đọc ngạc nhiên trước mảng đề tài còn khá thời sự: Buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em. Với sức sáng tạo dồi dào, Có tiếng người trong gió cho thấy một năng lực tiểu thuyết đang được khẳng định cũng như những ám ảnh từ trang viết của anh là kết quả của một tài năng bắt đầu vào độ chín”, nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ.

Cùng với Biển xanh màu lá, Sát thủ online, Nhắm mắt nhìn trời và nay là Có tiếng người trong gió Nguyễn Xuân Thủy một lần nữa tỏ rõ sự nhạy cảm của một cây bút trước những vấn đề thời sự “sát sườn” cuộc sống.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top