Hãy lắng nghe “thông điệp” từ cổ vật (bài cuối)

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 2772 In bài viết
ĐBP - Kỳ cuối: Trung tá Phạm Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế, Công an huyện Mường ảng - người từng có mặt trong chuyên án thu hồi trống đồng do Công an huyện Mường ảng thực hiện tháng 02/2008, giãi bày: “Tôi không được đào tạo về trống đồng cổ, do vậy, tôi không có kiến thức chuyên sâu về nó. Tuy nhiên, điều mà tôi mang máng hiểu theo thói quen lập luận có logic của ngành Công an, hẳn là chúng phải quý về những phương diện giá trị nào đấy, thì bọn săn trộm mới đeo đuổi quyết liệt như thế?...”

Rồi như để chứng minh cho điều mà viên sỹ quan an ninh quê Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng - Nam Định) mô tả là “quyết liệt”, anh kể: Cuối tháng 2/2008, sau khi nhận được tin báo ông Lò Văn Mụ ở bản Co Sáng (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) đào được 2 chiếc trống đồng cổ trong lúc đi làm nương, gần như ngay lập tức lãnh đạo Công an Mường ảng họp bàn và cử một nhóm trinh sát vào cuộc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc trước tiên là Công an huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và chính quyền xã Ẳng  Nưa, tiến hành xác minh thông tin đồng thời tạm giữ 2 chiếc trống đồng của ông Mụ để làm rõ...

Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

...Chỉ 2 ngày sau (tức ngày 28/02/2008), Công an huyện lại nhận được tin báo có kẻ đào trộm trống đồng tại khu vực cạnh chỗ ông Lò Văn Mụ đào được trống đồng trước đó. Xác minh nguồn tin, lực lượng Công an phát hiện tại đồi Pá Ban (bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa), có 2 hố đất dấu đào bới còn mới nguyên. Xung quanh có các mảnh vỡ kim loại han gỉ (nghi là mảnh vỡ trống đồng), Công an huyện phối hợp với Ban công an xã triển khai công tác điều tra. Qua đấu tranh, phát hiện 6 đối tượng tại bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, có hành vi đào trộm trống đồng. Sau khi được vận động, các đối tượng đã tự nguyện giao nộp 2 chiếc trống đồng cho Công an Mường Ảng.

Gần một tháng sau (ngày 27/3/2008), Công an Mường Ảng tiếp tục nhận được tin báo của nhân dân, về việc có dấu vết đào bới nghi là đào trộm trống đồng cũng tại khu vực trên. Lần này qua xác minh nguồn tin, không chỉ thấy 2 hố như lần trước mà thấy những 3 hố dấu đất mới bị đào, xung quanh có các mảnh vỡ của kim loại màu xanh rêu, nghi là mảnh vỡ trống đồng. Trong lúc Công an huyện và chính quyền xã Ẳng Nưa đang kiểm tra, thì có đoàn sưu tầm cổ vật tỉnh Thanh Hóa và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam xin vào khảo sát, nghiên cứu tại khu vực có trống đồng. Công an huyện đã kiên quyết mời họ ra khỏi khu vực, khi chưa có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Trước diễn biến của vụ việc, lãnh đạo Công an Mường Ảng yêu cầu xác lập chuyên án để điều tra, làm rõ những đối tượng đang cố tình săn trộm cổ vật quốc gia. Sau mấy tháng lăn lộn, đến cuối tháng 4/2008 Công an huyện Mường Ảng đã phát hiện và thu giữ tổng số 12 trống đồng cổ; số trống này lần lượt được bàn giao cho cơ quan chức năng là Bảo tàng Dân tộc tỉnh Điện Biên.

Bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên - kể: Cũng vào đầu tháng 4/2008, tại bản Nà Hý (tiếng phổ thông gọi là Nà Hỳ), xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, khi nhân dân đào hố trồng cây cao su ở khu đồi phía Nam của bản đã tình cờ phát hiện được trống đồng cổ. Do không hiểu biết về loại cổ vật này, nên những người đào được trống đã bán cho người mua đồng nát, sau đó trống được một số cá nhân mua lại để rao bán kiếm lời. Trước tình trạng đó, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch và Bảo tàng Dân tộc tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên, chính quyền xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên tiến hành xác minh và thu giữ 3 trống thuộc địa bàn bản Nà Hý, đưa về Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Trong một thời gian ngắn tại địa bàn thuộc hai huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng, đều đã phát hiện nhiều trống đồng cổ. Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch và Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã có tờ trình UBND tỉnh Điện Biên xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời có công văn gửi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng, Viện Khảo cổ học Việt Nam để phối hợp nghiên cứu bảo vệ và khẩn trương xây dựng đề án khai quật, khảo cổ. Theo con số của bà Trịnh Thị Mai: Tính đến tháng 4/2008, các cơ quan chức năng huyện Mường Ảng và huyện Điện Biên, Công an tỉnh Điện Biên đã thu giữ và giao nộp cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên tổng số là 15 trống đồng cổ, thuộc địa bàn hai huyện nói trên.

Một số trống đồng cổ đang được “bảo quản” một cách “không khoa học” tại kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Sau khi nhân dân phát hiện có nhiều trống đồng cổ trên địa bàn thuộc xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, một số đối tượng sưu tầm và buôn bán cổ vật từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội đã xuất hiện nhiều lần, bằng một số hình thức tiếp cận những người đã đào được trống, chúng mua lại trống đồng cổ để mục đích sở hữu bất hợp pháp, cũng từ đó địa bàn của huyện Mường Ảng an ninh trở nên phức tạp. Trước tình hình đó, UBND huyện Mường Ảng chỉ đạo các ngành chức năng, triển khai nhiệm vụ theo thẩm quyền. Chỉ đạo chính quyền xã Ẳng Nưa tăng cường quản lý giữ nguyên trạng khu vực nghi có trống đồng nhằm ngăn chặn không để xảy ra việc đào xới, buôn bán cổ vật trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến sản xuất và an ninh trong khu vực. Từ những diễn biến sự việc và tính cấp thiết của việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa quốc gia, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch lập đề án khai quật khảo cổ học trống đồng bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng và bản Nà Hý, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, để trình UBND tỉnh Điện Biên xem xét quyết định.

... Dẫu biết rằng đã 8 năm đằng đẵng qua rồi mà đề án khai quật khảo cổ học trống đồng còn đang “nằm” trên giấy, chúng tôi vẫn xin được làm việc với lãnh đạo Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Phòng Di sản Văn hóa - cho biết: Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ sản xuất các loại hóa chất bảo quản cho hiện vật bảo tàng, kết hợp với khả năng về kỹ thuật và công nghệ mới cộng với quy trình khoa học trong việc bảo quản, lưu giữ cổ vật hiện nay; việc bảo quản trống đồng đã được ứng dụng hiệu quả tại các bảo tàng trong và ngoài nước chắc chắn sẽ được thực hiện có hiệu quả. Nhìn chung trống đồng được sưu tầm về đều trong tình trạng đã hư hỏng, vỡ nát do nằm dưới lòng đất hàng nghìn năm hoặc những người dân tìm thấy không hiểu được giá trị của trống đã dùng đun nấu, hoặc cọ rửa bằng nước thường, gõ, va đập những vật dụng cứng vào làm trống vỡ, mờ và mòn dần các hoa văn. Bảo quản trống là để nhằm giữ gìn tính nguyên trạng và những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị khoa học của hiện vật.

Mặt khác, Điện Biên là tỉnh miền núi, ngoài các đặc điểm chung của khí hậu miền Bắc Việt Nam (khí hậu nhiệt đới gió mùa), khí hậu Điện Biên còn mang những nét riêng của khí hậu nhiệt đới núi cao với hai mùa rõ rệt. Do tính chất gió mùa phức tạp và không ổn định, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng khá nhiều tới môi trường, môi sinh bảo quản trống đồng tại Bảo tàng tỉnh. Hiện trạng môi trường bảo quản trống đồng chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố khí hậu, thời tiết môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, không khí ô nhiễm, các vi sinh vật gây hại, quá trình di chuyển hiện vật, bảo tồn, trưng bày hiện vật. Tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, một số trống đồng được trưng bày trên bục gỗ hiện chưa có kính bảo quản và bảo vệ. Hệ thống ánh sáng trong không gian nhà trưng bày còn dàn trải; trong khi hiện vật trưng bày tại các bục, tủ rất cần có ánh sáng dọi để tôn tầm hiện vật lên và qua đó, phục vụ công chúng đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Mang theo những thông tin trĩu nặng tâm can, một lần nữa chúng tôi tới thăm nơi gọi là “Kho cơ sở” của Bảo tàng tỉnh. Thì đây, do diện tích chật hẹp nên mấy chục chiếc trống đồng cổ đang chất đống trong những hòm tôn lạnh lẽo; kho không có máy hoặc quạt thông gió để điều hòa không khí. Cũng như bộ mặt hàng chục năm vẫn vậy của “Nhà trưng bày”, kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh hiện đang thiếu các phương tiện, trang thiết bị tối thiểu dành cho việc bảo quản và đảm bảo an toàn cho trống đồng như nhiệt kế, máy điều hòa ôn ẩm, máy hút ẩm, quạt thông gió, giá đỡ, bục kê...

Đúng là “cầm vàng còn để vàng rơi”. Trống đồng chôn trong lòng đất thì hỏng ít, nhưng cất trong “lòng người” lại hỏng nhanh hơn! Xem thế đủ biết tại sao từ trước đến nay, thiên hạ họ coi Điện Biên là tỉnh “dân trí thấp”?...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top