Phim tư nhân có làm nên chuyện tại Cánh diều 2015?

00:00 - Thứ Tư, 06/04/2016 Lượt xem: 2339 In bài viết
Với người làm nghệ thuật, ai cũng hiểu giá trị của tác phẩm chỉ được khẳng định khi nó đến được với đông đảo công chúng. Năm nay, một lần nữa câu chuyện về nghệ thuật và doanh thu lại được đặt ra trước thềm lễ trao giải Cánh diều - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhiều người e ngại rằng, việc coi nặng tính chuyên môn hơn tính xã hội của giải sẽ là cánh cửa hẹp đối với phim tư nhân.

Thi phim thuần Việt

Năm nay, trong số 18 phim tham dự giải Cánh diều thì có tới 2/3 là phim của các hãng tư nhân, như Quyên - Hãng phim Việt; Siêu trộm - Hãng phim Việt; Trúng số - Công ty TNHH Vùng Trời Mơ Ước; Bảo mẫu siêu quậy - Công ty Giải trí Lê Bảo Trung... 

Việc số lượng phim tư nhân tham gia áp đảo được coi là tín hiệu mừng vì sân chơi điện ảnh này đã dần mang màu sắc thực của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, nếu xét về thực lực, dường như con số 6/18 phim của các hãng phim Nhà nước lại chiếm ưu thế khi những ứng cử viên được cho là sáng giá nhất cho giải thưởng này vẫn thuộc về dòng phim chính thống.

Ứng cử viên số 1 có thể kể đến là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bộ phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim lần thứ 19 và đạt doanh thu phòng vé kỷ lục. Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng, giải của hội thường “né” phim đã được tôn vinh tại liên hoan phim nhưng với tiêu chí “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực” thì dường như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tác phẩm được đánh giá khá thành công khi cân bằng được bài toán về doanh thu và nghệ thuật.

Một cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Cùng đó, tuy không được đánh giá về doanh thu (không bán vé) nhưng Người trở về - Điện ảnh Quân đội Nhân dân, một bộ phim cảm động về số phận người phụ nữ Việt Nam sau chiến tranh của đạo diễn Đặng Thái Huyền, cũng tạo nên "dư chấn" tại các rạp chiếu.

Hay phim Cuộc đời của Yến - Hãng phim truyện Việt Nam; Đường xuyên rừng - Hãng phim Giải phóng... cũng được đánh giá khá nặng ký.

Trong khi xu hướng các nhà làm phim chọn kịch bản ngoại để sản xuất đang tăng lên thì giải thưởng Cánh diều lại nói không với thể loại phim này. Cụ thể như Em là bà nội của anh (doanh thu hơn 100 tỷ đồng), Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời… không có mặt trong danh sách tranh giải Cánh diều 2015 vì đây là những tác phẩm được chuyển thể, lấy ý tưởng, kịch bản từ nước ngoài.

Việc Hội Điện ảnh lên tiếng từ chối phim có kịch bản nước ngoài đã khiến dư luận lo ngại, liệu trong xu thế làm phim mới này, giải Cánh diều sẽ tự “bó” mình? Giãi bày về thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh chia sẻ, vì kinh phí giải thưởng có hạn nên chỉ tập trung động viên và khích lệ người Việt làm phim Việt nên tạm thời từ chối những phim "không có tính sáng tạo" và không phải phim Việt.

Dòng phim độc lập vẫn là ẩn số

Cùng với sự vắng mặt của phim có kịch bản được Việt hóa thì sự thiếu vắng của các phim độc lập từng được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế, trong đó phải kể đến Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di là Cha và con và…, cũng được cho là đáng tiếc. 

Về điều này, đại diện Hội Điện ảnh cho biết, ban tổ chức rất quan tâm việc mời các đạo diễn phim độc lập gửi tác phẩm tham gia tranh giải. Như giấy mời cũng đã được gửi đến đạo diễn Phan Đăng Di, thậm chí ban tổ chức còn gọi điện thoại cho đạo diễn này dù anh đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc có gửi phim dự thi hay không là do các đạo diễn quyết định. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát khẳng định, Cánh diều luôn sẵn sàng đón nhận chứ chưa bao giờ đóng cửa hay không mời tác phẩm thuộc các dòng phim độc lập hoặc bất kỳ dòng phim nào.

Phim đoạt giải hay không hoàn toàn do ban giám khảo quyết định, vì thế để tìm được các vị có tâm, có tầm mà lại không vướng vào phim nào là việc không đơn giản. Chia sẻ về thành phần ban giám khảo, những người cầm cân nảy mực của giải thưởng Cánh diều, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh cũng cho biết đó là việc khiến ban tổ chức… mướt mồ hôi.

Theo thông lệ, cứ mỗi năm đến Ngày Điện ảnh sẽ chọn các nghệ sĩ có cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà để tôn vinh. Năm nay, Hội Điện ảnh sẽ tổ chức tôn vinh nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (người đầu tiên trong lĩnh vực biên kịch đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT) và NGND Lê Đăng Thực.  

Lễ trao giải Cánh diều 2015 sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 20-4 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên VTV2. Hội Điện ảnh sẽ tổ chức chiếu phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều 2015 phục vụ khán giả miễn phí tại thủ đô: Trung tâm chiếu phim Quốc gia, rạp Tháng 8, rạp Ngọc Khánh, CGV Mipec. Khán giả có thể nhận giấy mời xem phim tại rạp từ ngày 11-4.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top