Sự “tạo đà” của nguồn lực tinh thần

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 3112 In bài viết
ĐBP - Để có thông tin về hiện trạng vấn đề bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian cũng như các điểm văn hóa khảo cổ trên địa bàn huyện, chúng tôi tìm tới Phòng Văn hóa - Thông tin huyện...

...Trong căn phòng mượn tạm trên tầng 2 của Thư viện huyện, ông Đoàn Quang Hợp - Quyền Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện - cho biết: Những năm gần đây, sự nghiệp văn hóa - thể thao của huyện được quan tâm phát triển, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Các hoạt động văn hóa - thông tin bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống chính trị, tư tưởng lành mạnh, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Người dân bản Băng, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo tích cực giữ gìn vệ sinh đường bản. Ảnh: Tiến Dũng

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin, đến hết năm 2015 huyện Tuần Giáo có gần 10.400 hộ đăng ký gia đình văn hóa; 112 khối, bản và 134 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đạt tiêu chuẩn văn hóa. Toàn huyện có 48 nhà văn hóa khối bản và 5 nhà văn hóa xã hoạt động tương đối đều và hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng được phát triển rộng khắp; số đội văn nghệ quần chúng tăng từ 200 đội năm 2011 lên hơn 210 đội, tính đến hết quý I năm 2016. Các đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động, tổ chức giao lưu biểu diễn với chất lượng nghệ thuật, giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống và tuyên truyền ngày càng nâng lên. Trên cơ sở những chủ trương của huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nôi dung về văn hóa - thông tin như: Thông tin cổ động, thông tin lưu động, chiếu bóng vùng cao, nếp sống mới... đồng thời có chính sách phù hợp trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, du lịch và phát huy các di tích lịch sử văn hóa: Tôn tạo khu căn cứ cách mạng xã Pú Nhung; di tích khảo cổ hang Thẳm Khương, xã Chiềng Đông; di tích cấp tỉnh danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung, xã Mùn Chung; bảo tồn điệu hát tung còn dân tộc Thái đen bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo; các lễ hội truyền thống ở xã Phình Sáng và xã Tỏa Tình...

Theo quan điểm của cá nhân chúng tôi, sẽ là rất thiếu sót một khi nhắc đến các địa danh lịch sử - văn hóa của Tuần Giáo mà không nói kỹ về Pú Nhung. Thiết nghĩ, một trong những điểm văn hoá - du lịch nổi tiếng nhất Tuần Giáo, đó là khu du kích Pú Nhung với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” vào thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, do các du kích người Mông thực hiện với bẫy đá, tên tre, súng kíp... Mới đây, trong chuyến đi thực tế Pú Nhung, chúng tôi may mắn có buổi làm việc với ông Sùng Dũng Phía - Chủ tịch UBND xã. Với niềm tự hào của một người con dân tộc Mông chính thống, ông Sùng Dũng Phía kể: Ngày đó, mỗi người dân Pú Nhung như một hòn đá, nhiều hòn đá chụm lại thành một núi đá. Thằng Tây đánh hơi thấy bộ đội vào đây, nó dùng muối và bạc trắng làm “giải thưởng” cho ai chém đầu bộ đội đem nộp lên đồn. Nhưng mà chúng nó nhầm to, người dân Pú Nhung cần quê hương, cần cuộc sống tự do yên bình và nói chung là cần nhiều thứ khác, chứ đâu chỉ có muối và bạc trắng? Gương thiếu niên anh hùng Vừ A Dính và Anh hùng quân đội Sùng Phái Sinh đã đi vào thơ, vào nhạc và mãi mãi trở thành những tấm gương tiêu biểu cho tiết tháo người Mông. Bà Phạm Thị Nguyên - Phụ trách kế toán Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, cho biết: Với nguồn vốn trên 5 tỷ đồng, khu “Tưởng niệm Anh hùng Vừ A Dính và các liệt sỹ xã Pú Nhung” đang được gấp rút hoàn thành giai đoạn I. Công trình do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng và Thương mại Sơn Trà (thành phố Điện Biên Phủ) là đơn vị trúng thầu thi công. 

Một số di vật công cụ đồ đá khai quật tại hang Thẩm Púa.

Một địa danh nữa không thể không đề cập, đó là hang Thẩm Púa - nơi đầu tiên đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; thuộc địa phận bản Nôm Chăn, xã Chiềng Sinh, cách thị trấn Tuần Giáo chừng 15km theo quốc lộ 279. Tại đây, từ ngày 07/12/1953 đến ngày 17/1/1954, Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Quân ủy Trung ương đóng chân. Ngoài vai trò một di tích lịch sử trong quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, hang Thẩm Púa còn được biết đến như một di chỉ khảo cổ học lâu đời nhất trên địa bàn Tuần Giáo. Di chỉ mái đá Thẩm Púa được phát hiện hơi muộn (năm 1995), thời điểm đó thuộc bản Pó, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Đấy là một mái đá nhỏ, rộng 3m - 4m tính từ vách ngang ra, nền hang hơi gồ ghề. Hiện vật thu được gồm 19 công cụ mảnh tước, 3 công cụ không xác định tên gọi, 5 mảnh nguyên liệu vỡ, các xương động vật, vỏ ốc, bi và thổ hoàng... Được các nhà nghiên cứu xếp vào thời đại văn hóa khảo cổ học Hòa Bình.

Năm 1972 cũng tại địa bàn xã Chiềng Sinh, các khảo cổ gia Viện Khảo cổ Việt Nam phát hiện hang Móc ở bản Búng (nay bản Búng đã chia tách thành bản Búng 1 (bản gốc, 50 hộ, 255 khẩu) và bản Búng 2 (bản chia tách, 74 hộ, 411 khẩu) với tổng cộng 124 hộ dân, 666 nhân khẩu, thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng). Di vật thu được từ đợt khai quật này là 261 đồ đá, cả vỏ hạnh nhân, các loại rìu chặt, công cụ ghè đẽo, chày và bàn nghiền thức ăn... Đáng chú ý là sự phát hiện 4 ngôi mộ cùng nhiều xương động vật, được chôn như những đồ tuỳ táng thường thấy. Cũng như di chỉ Thẩm Púa, di chỉ hang Móc được các chuyên gia xếp vào thời đại văn hóa Hòa Bình, có niên đại khoảng trên dưới 40.000 năm. Lại nhớ ngày 26/9/2012, tại Đại hội lần thứ V - Hội Văn học - Nghệ thuật Điện Biên, bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo - cho biết: Sau khi tách huyện (tháng 4/2007), hang Thẩm Púa chia theo dông núi nên thuộc phần đất huyện Tuần Giáo. Dựa vào loại hình hang động và những đặc điểm khu biệt, các nhà khảo cổ học đã xếp những công cụ lao động bằng đá cuội tìm thấy tại các hang động thuộc địa phận Lai Châu trước đây và Điện Biên hiện nay, thuộc loại hình văn hóa Hòa Bình sớm. Từ những phân tích bào tử phấn hoa và cacbon C14, cho thấy di vật có niên đại cách ngày nay ít nhất cũng trên 15.000 năm.

Hoà chung công cuộc dựng xây và phát triển, mấy năm qua kinh tế - văn hóa - xã hội Tuần Giáo có sự bứt phá mạnh mẽ; đã và đang chứng tỏ mình trên vùng đất cửa ngõ thân yêu. Trong thành công ấy có sự “tạo đà” của những nguồn lực tinh thần, đó văn hóa nói chung và văn hóa hang động nói riêng...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top