Sức hút sản phẩm váy hoa văn mới

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 3545 In bài viết
ĐBP - Được bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm váy hoa văn mới của Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Lào Na Sang II, xã Na Sang, huyện Điện Biên có nhiều ưu thế hơn so với sản phẩm cũ. Hiện sản phẩm này đã tạo chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, từ đó, góp phần hình thành một hợp tác xã có vai trò gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, cũng như quảng bá văn hóa dân tộc Lào.

Đầu tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm bản Na Sang II. Nằm nép mình bên dòng sông Nậm Núa hiền hòa, yên ả là ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II. Anh Lò Văn Thoong, Chủ nhiệm HTX vui vẻ chào đón và kể cho chúng tôi nghe hành trình gian nan tìm đến sản phẩm váy hoa văn mới - tâm huyết của người dân nơi đây.

Chị Lò Thị Viên, bản Na Sang 2, xã Na Sang giới thiệu sản phẩm váy hoa văn mới tại HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II.

Anh Thoong, chia sẻ: Trước đây, có thời điểm nghề dệt thổ cẩm gần như mai một, lớp trẻ chẳng còn mấy người biết dệt. Trong khi đó, các loại hàng hóa thay thế, sẵn có khiến bà con ngày càng thờ ơ dần với khung cửi. Năm 2004, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu và xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm tại bản Na Sang II. Bằng cách thành lập HTX, tổ chức JICA đã tạo ra một nhóm sản xuất gắn kết những người có nghề trong bản. Tổ chức này cũng hỗ trợ HTX công cụ sản xuất là các khung dệt thủ công và tìm kiếm đơn đặt hàng. Tuy nhiên, để thuyết phục bà con tiếp tục tham gia HTX và sản xuất sau khi dự án JICA kết thúc mới là điều thực sự là khó khăn, vì hầu hết chị em không tin có thể tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đích thân anh Thoong đã phải đi tới từng nhà thuyết phục từng chị em rồi mua nguyên liệu, sang Lào sắm khung cửi và cam kết sẽ mua hết sản phẩm bà con làm ra. Đó cũng là lúc sản phẩm váy hoa văn mới thực sự tìm được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Sau những ngày vất vả ngược xuôi tìm thị trường và được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của các sở, ngành trong tỉnh, HTX dần ổn định, sản phẩm váy hoa văn mới đã được tiêu thụ tại Hà Nội và khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, thậm chí sang cả thị trường nước bạn Lào.

Là một trong những người kề vai sát cánh với anh Thoong trong những ngày đầu HTX mới đi vào vận hành, chị Lò Thị Viên (vợ anh Thoong) cũng là người nắm giữ các bí quyết dệt truyền thống sản phẩm váy hoa văn mới. Cầm trên tay sản phẩm váy áo mới đang trưng bày, chị Viên chia sẻ: Không biết các gia đình người dân tộc Lào đã đến sinh sống, định cư tại bản Na Sang từ bao giờ. Song với người Lào, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống mà còn là thước đo sự khéo léo của các cô gái, là tình cảm của cha mẹ dành cho con khi đi lấy chồng. Bởi vậy, từ lúc hơn 10 tuổi, chị đã làm quen với nghề dệt. Gọi là váy hoa văn mới nhưng sản phẩm đã được chị biết đến từ khi bắt đầu kéo bông, tra sợi. Những ưu điểm của váy áo hoa văn mới đã tạo nên sức hút cho sản phẩm so với các loại trước đây. Bên cạnh việc vẫn giữ được những hoa văn thể hiện bằng những hình ảnh rõ ràng, như: Hoa văn hình người cưỡi voi - con vật biểu tượng của đất nước “vạn tượng” xưa; hình chùa tháp với dáng mái cong vút và rất nhiều loại hoa văn khác thể hiện vẻ đẹp của các loại hoa lá trong tự nhiên. Sản phẩm váy áo hoa văn mới còn rút ngắn thời gian và hạ giá thành sản xuất. Với mẫu mã cũ, để hoàn thiện một chiếc váy, chị em phải mất khoảng 1 tháng bởi hoa văn phải được dệt trên cả tấm váy. Về nguyên liệu, ngoài việc tự sản xuất, HTX đã thu mua từ Hà Nội, Lào về. Mẫu mã thì do một số thợ giỏi thiết kế, hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm bà con làm ra. Bởi vậy, giá thành cũng khá cao, cao nhất là 2,5 triệu đồng/cái. Khác với mẫu váy cũ, sản phẩm váy hoa văn mới rút ngắn thời gian hoàn thiện chỉ còn 1 tuần. Ngoài các hoa văn cổ, sản phẩm còn được thêm các hoa văn mới như nhiều loại hoa, quả, hạt. Do vậy, giá thành của sản phẩm váy hoa văn mới cũng giảm chỉ còn 350.000 đồng/váy. Giá thành hạ, mẫu mã đổi mới nên sản phẩm có nhiều lựa chọn hơn đối với những khách hàng mà lại phù hợp với thu nhập.

Qua bàn tay cần cù, khéo léo của người phụ nữ, trước đây, loại sợi tự nhiên là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm thổ cẩm. Từ sợi bông được biến hóa, trở thành những tấm vải nhiều màu với những hoa văn hết sức đặc trưng. Các hoa văn hình chữ vạn, hình voi, hình rắn hay hình chùa tháp trên trang phục thổ cẩm, khiến người ta nhận ra ngay người dân tộc Lào dù họ ở đâu. Phụ nữ dân tộc Lào ở bản Na Sang II rất tự hào với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Những ưu điểm đó khiến sản phẩm dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho chị em, từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, bình quân mỗi năm HTX xuất 10 đơn hàng tại Hà Nội. Ngoài ra sản phẩm còn được tiêu thụ tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Sapa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)... Người dân nước Lào sinh sống trong khu vực giáp biên giới Việt Nam - Lào cũng sang tận bản Na Sang II mua sản phẩm. Không những thế, họ còn sang học nghề và mua nguyên liệu về sản xuất. Dệt thổ cẩm Na Sang II không chỉ còn có sản phẩm ga, gối, khăn, túi... được dệt theo mẫu mã, chất liệu mới... Trong khi chị Viên say sưa nói về sản phẩm thổ cẩm, chúng tôi chiêm ngưỡng những sản phẩm váy hoa văn mới với những nét hoa văn phản ánh đời sống văn hóa cũng như tín ngưỡng của người Lào, với họa tiết hình con bướm sặc sỡ.... Có lẽ, chính những ưu điểm như vậy khiến cho sản phẩm váy hoa văn mới có sức hút tới thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top