Bảo tồn di sản văn hóa

Cần những tấm lòng

00:00 - Thứ Tư, 13/04/2016 Lượt xem: 2348 In bài viết
ĐBP - Quãng vài chục năm lại đây, khái niệm “di sản văn hoá” được mở rộng phạm vi nội hàm. Theo đó, các danh lam thắng cảnh thiên nhiên cũng là di sản văn hoá, mặc dầu nhiều di sản không hề có bất kỳ một tác động kiến tạo nào từ con người. Với tinh thần ấy, cùng với quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, tháp Mường Luân hoặc mới đây nhất là thành Hoàng Công Chất... thì nhiều hang động trên địa bàn tỉnh ta đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia...

Hầm Đờ - cát, điểm di tích hấp dẫn trong quần thể di tích Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L

Cần phải nói rằng ở Điện Biên, bên cạnh những hang động đã được biết đến và được ghi nhận, cũng còn không ít hang động chưa được biết đến hoặc chỉ thuần túy được đề cập một cách không chính thức. Nếu ai đó muốn “kiểm chứng”, chỉ cần một lần leo lên vách đá các xã Xuân Lao, Búng Lao, Chiềng Đông, Chiềng Sinh... bên quốc lộ 279 từ thị trấn Mường Ảng ra thị trấn Tuần Giáo, ta sẽ choáng ngợp bởi rất nhiều những hang động với tầng tầng nhũ rủ, rêu phong thâm u, có hang rất rộng và sâu hun hút, hình như chưa từng có dấu chân người ngoài những cánh dơi đập vội vàng trong không gian huyền bí và u tịch. Không hiểu sao là ngay cả khi ta đến đó cùng với hàng đoàn người, cũng bất giác thấy mình lẻ loi, cô đơn và mong manh bé nhỏ... Cũng tại đây có hang Thẩm Púa, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từng đóng chân, trước khi chuyển về Nà Tấu rồi sau nữa là Mường Phăng. Và như vậy, hang Thẩm Púa không chỉ có giá trị như một di sản văn hoá thiên nhiên, mà tất yếu còn là một di sản về lịch sử đương đại. Song thật tiếc đến giờ phút này, chúng ta mới chỉ có tấm biển duy nhất chỉ đường vào hang Thẩm Púa. Rất nhiều người ở Điện Biên chưa một lần đến hang Thẩm Púa, trong khi, cá nhân tôi thiển nghĩ, nếu được đầu tư phục dựng cảnh cán bộ của ta làm việc và sinh hoạt, thì nhất định hang Thẩm Púa sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn trong “tua” du lịch Tuần Giáo - Mường Phăng - Điện Biên.

Bằng những chia sẻ thật “gan ruột”, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết: Tuy đã đạt được một số thành công bước đầu nhưng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng còn bộn bề những khó khăn, do Điện Biên là một tỉnh nghèo, các thiết chế văn hóa còn thiếu rất nhiều, nội dung sinh hoạt chưa phong phú. Việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cũng như công tác nghiên cứu, trùng tu tôn tạo các di tích còn rất eo hẹp, nguồn vốn chủ yếu từ chương trình mục tiêu về văn hóa của Trung ương, kinh phí đối ứng của tỉnh rất ít. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ được bảo tồn, lưu giữ ở một số dân tộc thiểu số điển hình, còn rất nhiều dân tộc thiểu số khác trên địa bàn chưa được đầu tư nghiên cứu để nhận diện đầy đủ. Những tác động của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang ảnh hưởng vừa tích cực nhưng cũng không ít tiêu cực tới thế hệ trẻ, trong việc giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình; một bộ phận nhân dân vẫn coi công tác bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Điện Biên nằm trong vùng văn hoá Tây Bắc, một trong bảy vùng “văn hoá lãnh thổ” của cả nước. Hàng bao đời nay, đây là quê hương của những huyền thoại, truyền thuyết về nguồn gốc con người nói chung và tộc người nói riêng, từ nền văn minh hái lượm tiến lên nền văn minh nông nghiệp hiện nay. Trải qua quá trình giao lưu và tiếp biến với hàng trăm, hàng nghìn năm, các di sản văn hoá cả hữu hình và vô hình (văn hoá vật thể và phi vật thể) đã và đang đặt ra những vấn đề khẩn cấp về bảo tồn và phục dựng... Tại thời điểm này, ở cấp tỉnh chúng ta có 1 hội văn học nghệ thuật với một số chuyên ngành, 1 đoàn nghệ thuật ca múa nhạc (không bao gồm dựng vở), 1 bảo tàng chuyên đề về chiến thắng Điện Biên Phủ, 1 bảo tàng dân tộc với những sưu tầm văn hóa dân gian cả vật thể và phi vật thể, 1 trung tâm văn hoá, 1 rạp chiếu phim... Song chừng ấy là quá ít ỏi so với nhu cầu khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá của một địa phương có 19 dân tộc anh em. Đó là chưa kể tới chất lượng hoạt động của các đơn vị này, chưa tính tới năng lực thực chất cũng như tâm huyết của cá nhân mỗi người đối với nhiệm vụ được phân công.

Hiện nay, có một thực tế là trong thời buổi kinh tế thị trường và sự giao lưu, hợp tác đa phương, nhiều dân tộc đã và đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hoá truyền thống của mình. Với nhiều địa phương và với nhiều tộc người, những thuần phong mỹ tục, văn nghệ dân gian, lễ hội, trang phục, nếp sống... đang bị biến dạng, lai căng, pha tạp một cách xô bồ và sống sượng. Tài liệu mẫu tự cổ mất bao nhiêu kinh phí sưu tầm về nhưng không có người dịch và thậm chí không có kinh phí để dịch. Số người biết các mẫu tự cổ và cả loại chữ đã được “la tinh hoá”, đang ngày một ít dần. Rừng bị tàn phá, nguồn gỗ và nhất là gỗ tốt không còn nhiều, chi phí để làm nhà sàn tốn kém nên có dân tộc vốn ở nhà sàn nay lại thích nhà xây, đặc biệt ở các đô thị. Sự tích cái chái nhà cong cong hình mai con rùa cùng với chiếc khau cút (khao cót) trên đầu hồi ngôi nhà sàn Thái, đang dần trôi vào dĩ vãng của ngay chính đồng bào Thái.

Để có thể “gỡ khó”, trước hết, xin hãy có chính sách đầu tư và chế độ đãi ngộ thoả đáng cho việc sưu tầm và sáng tác mới, trên cơ sở nền tảng văn hoá truyền thống của các dân tộc. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đi đôi với việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cổ động và các đoàn văn hóa - nghệ thuật, quan tâm tới các hoạt động văn hóa  ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới (đặc biệt vùng đồng bào thiểu số). Cần có sự khảo sát tỉ mỉ, đánh giá chính xác, thống kê đầy đủ, bảo quản chu đáo các di sản văn hóa và những di vật đã thu được sau các đợt khai quật... Đặc biệt, cần quan tâm tới hệ thống các thiết chế văn hóa cả vi mô lẫn vĩ mô. Hiện nay (4/2016), thật buồn là sau hơn một thế kỷ thành lập tỉnh mà đơn vị “Bảo tàng tỉnh” vẫn trong cảnh “ăn nhờ ở đậu”, cả tháng trời không có nổi một bóng khách tham quan. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy rất nhiều vấn đề hạn chế và bất cập, về cái gọi là “quan điểm và tầm nhìn chiến lược” trong nhiệm vụ đầu tư cho di sản văn hóa. Tựu trung, bảo tồn di sản văn hóa cần những tấm lòng, không chỉ trong thừa hành mà cả trong tham mưu, chỉ đạo...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top