Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - 10/3 (âm lịch)

“Sự khẳng định truyền thống dân tộc”

00:00 - Thứ Bảy, 16/04/2016 Lượt xem: 2306 In bài viết
ĐBP - Đã là người Việt Nam ai cũng tự hào về dòng máu con Lạc cháu Hồng, tự hào về non sông gấm vóc mà các Vua Hùng đã dựng nên để suốt cả đời người mang trong mình một trái tim thiêng về thánh địa, một dòng máu đỏ để tôn thờ. Trải qua bao gian khổ và đầy thử thách với địch họa, thiên tai, các thế hệ Việt Nam thời Hùng Vương càng thấm thía giá trị của lao động bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt để bảo vệ mảnh đất quê hương do chính mình gây dựng để rồi trở lại nuôi mình...

Mãi mãi còn đây dáng vẻ cổ kính, uy nghiêm và trầm mặc của lăng tẩm Vua Hùng cùng đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng... Đó là những di sản lịch sử - văn hóa vô giá và độc nhất, trở thành niềm tự hào về cội nguồn nòi giống Lạc Hồng. Tại Đền Hùng, trên các văn bia hiện còn ghi rõ dấu ấn lịch sử các lần trùng tu, tôn tạo khu di tích qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 2 lần đến thăm Đền Hùng. Lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954, Bác gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đơn vị nhận lệnh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hôm đó, Bác nói một câu nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lần thứ 2 Bác Hồ đến thăm Đền Hùng vào dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1962). Người dặn ban quản lý di tích phải trồng thật nhiều hoa và cây cảnh các loại, để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử mang tầm cỡ quốc gia.

Nhớ ghi lời dạy của Bác, hơn nửa thế kỷ qua song hành với sự đổi thay mọi mặt của đất nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng không ngừng được đầu tư nâng cấp, bảo tồn và phát triển. Cũng trong năm 1962, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng Đền Hùng là khu di tích đặc biệt của quốc gia. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành văn bản khoanh vùng khu rừng cấm Đền Hùng. Đặc biệt ngày 6/1/2001, Chính phủ ra Nghị định 82/NĐ-CP, về quy mô và nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Từ đó, ngày 10/3 âm lịch hàng năm, chính thức trở thành ngày Quốc lễ của nước ta.

                                        Du khách trẩy hội Đền Hùng năm 2015. (Nguồn: Internet).

Khu di tích lịch sử Đền Hùng - điểm hội tụ lấp lánh những giá trị văn hóa muôn đời bất diệt của dân tộc Việt Nam. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, vào những ngày Giỗ Tổ hàng triệu đồng bào trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nô nức hành hương về mảnh đất thiêng liêng nguồn cội, để thành kính dâng hương tri ân công đức Tổ tiên. Theo 539 bậc đá, du khách lên thăm đền Hạ - nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con. Tiếp đó là đền Trung - nơi Vua Hùng thường họp bàn việc nước, tìm kế đánh giặc cũng như vỗ về muôn dân trăm họ. Chính tại đây, Vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu. Tiếp nữa là đền Thượng với đàn tế trời “Kính thiên lĩnh điện” cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Rồi đến Lăng Hùng Vương, ta nghe văng vẳng đâu đây lời trăn trối của Vua Hùng: “Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông coi bờ cõi cho con cháu”; cuối cùng là đền Giếng, nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, chải tóc vào mỗi buổi ban mai.

Hướng về đền Hùng với lòng thành tâm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Hướng về đền Hùng là sự khẳng định một nền đạo lý Việt Nam “Cây có gốc, nước có nguồn”. Ý thức cộng đồng, tinh thần yêu nước bắt đầu từ thời các Vua Hùng đã quyện chặt vào nhau trên nền tảng đạo lý ấy. Bằng thực tiễn cuộc sống, tổ tiên ta đã hun đúc nên những nhân tố cơ bản của một lối sống Việt Nam, của một nền đạo lý Việt Nam. Lối sống ấy còn sống mãi cho đến bây giờ. Một lối sống truyền thống, một đạo lý vững chắc, Tổ quốc Việt Nam ta mới trường tồn và phát triển. Nhờ có truyền thống đó dân tộc ta mới có “Nam quốc sơn hà...”, mới có “Bình Ngô đại cáo”, mới có “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” ở thời Quang Trung, để cùng nhau xây dựng lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong thời đại Hồ Chí Minh. Mỗi tấc đất Việt Nam đã thấm đẫm máu của người Việt Nam qua các thời đại đã làm nên những trang sử vàng chói lọi, để lại những giá trị tinh thần bất hủ, thức tỉnh lương tri nhân loại.

Hướng về đền Hùng, nơi nhân dân cả nước tôn thờ đã hàng ngàn đời nay. Nói đến ý nghĩa tâm linh của dân tộc Việt Nam, chúng ta hiểu đó là lòng khát vọng sâu lắng nhất về một thế giới thiêng liêng, về thánh địa rất đỗi gần gũi vốn chứa đựng nhiều điều tốt đẹp nhất. Trong thế giới thiêng liêng đó, con người Việt Nam luôn cảm nhận được từ bao đời nay và đã khắc sâu vào tâm khảm:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười, tháng ba”

Để có Hùng Vương trong sâu thẳm của tâm linh, các con cháu Vua Hùng luôn lấy đạo lý “thương nòi” của người Việt Nam từ ngàn xưa vẫn bừng sáng. Tình cảm máu thịt, nghĩa đồng bào, từ ý thức dân tộc ta có cùng một Tổ, cùng chung một bọc. Dân tộc Việt Nam ta thờ các Vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình vì Đức Tổ Hùng Vương là ông Tổ trong mỗi gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam. Thờ Hùng Vương đã trở thành phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người Việt Nam mà Đền Hùng là biểu tượng cội nguồn của dân tộc, là hiện thân của các Vua Hùng trong ý tưởng và khát vọng dựng nước và giữ nước. Đền Hùng trở thành chiếc cầu nối cho niềm tin sâu sắc và lẽ sống trong quá khứ hào hùng của cả nước. Đây là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào dân tộc về truyền thống vươn lên của đất nước qua những khúc quanh của lịch sử thăng trầm.

Sự tôn vinh Quốc Tổ Hùng Vương chính là sự khẳng định tiếp nối truyền thống của dân tộc trong lịch sử hiện đại từ nước Văn lang thời đại của các Vua Hùng đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã trải qua những biến chuyển nhảy vọt và ngày nay đang bước vào kỷ nguyên mới, vươn lên tầm cao thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Ngày Giỗ Tổ gợi mở cho chúng ta biết bao vấn đề lớn lao mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội... ý thức độc lập dân tộc, tự chủ tự cường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Hướng về quê hương Đất Tổ, mọi người hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể tìm thấy những gợi mở cho sự phát triển bản thân mình với những chiều sâu mới, nguồn năng lượng mới để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng lời Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước // Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đó chính là kho tàng tri thức, tâm hồn đạo lý, tính cách, lối sống, trình độ thẩm mỹ của từng người và của cả cộng đồng. Tự hào về đất nước ngàn năm văn hiến, chúng ta phải đồng tâm nhất trí ra sức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, biến nó thực sự trở thành nền tảng, tạo ra sức mạnh to lớn phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho đất nước của các Vua Hùng mãi mãi trong trường tồn và phát triển, vươn lên sánh vai cùng các nước trên thế giới trong thời đại mới...

Kiều Trinh
Bình luận
Back To Top