Xây dựng nhà văn hóa ở Thanh Xương, Noong Hẹt

Giải pháp đã có

00:00 - Thứ Sáu, 22/04/2016 Lượt xem: 3120 In bài viết
ĐBP - Trong gian phòng làm việc nhỏ tại trụ sở UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi về lộ trình xây dựng nhà văn hóa (NVH) thôn, bản trên địa bàn xã...

...Ông Trần Công Kha, cho biết: Xây dựng NVH không chỉ giúp bà con có điểm sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn hoàn thành được tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Song việc xây dựng NVH thôn, bản không phải chỉ đến khi thực hiện chương trình xây dựng NTM mới có mà trước đó, trong xây dựng đời sống văn hóa nói chung và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa" nói riêng, địa phương đã đẩy mạnh xây dựng các tiêu chí về văn hóa. Song trong số 27 thôn, bản trên địa bàn xã nay mới có NVH bản Bông A được xây dựng. Do vậy, đạt chuẩn NTM, xã phải tập trung thực hiện xây dựng NVH cho 26 thôn, bản. Điều này khá khó khăn vì cơ bản thiếu mặt bằng và nguồn lực đầu tư.

Nhiều thôn, bản ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên thiếu mặt bằng xây dựng nhà văn hóa.

Theo quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của NVH - khu thể thao thôn, bản trong xây dựng NTM, đối với khu vực miền núi, diện tích khu NVH phải đạt từ 200m2 trở lên và quy mô hội trường NVH được quy định từ 80 chỗ ngồi trở lên. Theo các tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hầu hết các thôn, bản đều gặp khó khăn khi đối chiếu vào thực tiễn. Địa điểm quy hoạch xây dựng NVH cũng cần “nhắm” ở vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho các hộ dân trong sinh hoạt. Khó khăn đầu tiên của Noong Hẹt trong thực hiện xây dựng NVH đạt chuẩn là yếu tố mặt bằng. Qua khảo sát, thực tế quỹ đất để xây dựng NVH ở Noong Hẹt không đủ. Trong khi, giải phóng mặt bằng mà đền bù thì không "đào" đâu ra nguồn lực. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã đề xuất đối với 20 thôn, bản chưa có NVH thì xã sẽ trình UBND huyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa vào quy hoạch. 6 thôn, bản còn lại, Noong Hẹt tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất làm điểm xây dựng NVH.

Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, việc huy động nguồn lực để xây dựng NVH cũng là vấn đề được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Để đầu tư xây dựng nhà văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,cần nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi điều kiện ngân sách xã và khả năng huy động sức dân có hạn. Theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã cần đóng góp một phần kinh phí xây dựng NVH. Tương ứng khoảng 40% tổng số kinh phí xây dựng NVH. Thực tế, những năm qua, đời sống kinh tế của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ có thu nhập ổn định từ các mô hình kinh tế gia đình, như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn - ao - chuồng, mô hình xay xát... Bởi vậy, khả năng đáp ứng phần kinh phí còn lại đối với xã là hoàn toàn có thể. Giống như Noong Hẹt, xã Thanh Xương có 26 thôn, bản nhưng mới có 12 thôn, bản có NVH. Qua rà soát trong số 14 thôn, bản chưa có NVH chỉ 5 thôn, bản đã có quỹ đất; 9 thôn, bản chưa có quỹ đất thì chính quyền xã vận động nhân dân đóng góp tiền để mua hoặc hiến đất và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Gia đình nào điều kiện kinh tế còn khó khăn thì góp ngày công và vật liệu. Với cách này, 2 xã dự kiến sẽ huy động được khoảng 100 triệu đồng/thôn, bản để xây dựng NVH thôn đạt chuẩn...

Huy động sức dân, xã hội hóa cho đầu tư các công trình cộng đồng không phải là cách làm mới, nhưng làm thế nào để có hiệu quả, thành công còn cần đến cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Ông Hà Văn Phiêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Vừa qua, UBND huyện Điện Biên đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ xem xét, quyết định về mẫu thiết kế, quy mô các nhà văn hóa sẽ xây dựng tại 2 xã Noong Hẹt và Thanh Xương, gồm: Nhà văn hóa thôn, đội 3 gian; nhà văn hóa thôn, đội 4 gian; nhà sàn văn hóa 3 gian. Theo đó, dự kiến có 10 NVH thôn, bản sẽ được xây dựng trong năm 2016 tại các thôn, bản tại xã Noong Hẹt và Thanh Xương khi có quỹ đất và huy động được một phần kinh phí từ người dân. Nếu thôn, bản nào làm nhà văn hóa 3 gian (tổng chi phí xây dựng 276 triệu đồng) thì huyện hỗ trợ 150 triệu đồng; nhà văn hóa 4 gian (tổng chi phí xây dựng khoảng 348 triệu đồng) thì mức hỗ trợ 200 triệu đồng; còn nhà sàn văn hóa 3 gian (tổng chi phí hơn 400 triệu đồng) thì huyện hỗ trợ là 250 triệu đồng. Thôn, bản nào cam kết đủ phần kinh phí còn lại thì UBND huyện mới cấp nguồn kinh phí trên.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top