Đôi điều về hát then, đàn tính

00:00 - Thứ Sáu, 22/04/2016 Lượt xem: 2986 In bài viết
ĐBP - Để giúp đồng bào sớm thoát khỏi đói nghèo, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, cần có sự quan tâm đầu tư tập trung về kinh tế - văn hoá - xã hội, trong đó đầu tư cho văn hoá là hết sức quan trọng và cấp bách bởi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm nhiều đến việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của vùng đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, đời sống mọi mặt đồng bào có nhiều khởi sắc. Điện Biên là cái nôi của văn nghệ dân gian phong phú, của miền hát thơ và các bản trường ca dài hàng đêm kể. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng nghĩa với 19 nền văn hoá của các dân tộc tạo nên sắc thái riêng của văn hoá Điện Biên trong vùng văn hoá Tây Bắc.

Biểu diễn hát then trong điệu múa mời rượu của dân tộc Thái.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá 8) và kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, công tác văn hoá ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên có nhiều biến chuyển tích cực về quản lý và tổ chức thực hiện. Lãnh đạo các cấp và Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên luôn coi trọng, gìn giữ vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số vùng cao như: các lễ hội tín ngưỡng dân gian, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca...

Hát then là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái Điện Biên. Theo các nghệ nhân, dân tộc Thái có 4 thể loại diễn xướng: Hát Then gồm khoảng 6 - 7 làn điệu, trong đó có 1 - 2 làn điệu Xao xên; Khắp Sư (hát truyện hay hát thơ) có khoảng 3 làn điệu; Khắp Báo sao chỉ có một làn điệu mà người Thái thường gọi là “Sải pánh”; hát Sao Xên là phong phú hơn cả (đặc biệt chỉ có ở dân tộc Thái trắng). Hiện có trên 5 làn điệu hát then được hát phổ biến trong các cuộc vui lên nhà mới, lễ cưới, đặc biệt là trong lễ hội “Kin pang then”, “Xên lẩu nó”... Tất cả các làn điệu này đều được thể hiện dưới hình thức truyền miệng. Nghệ nhân trong các cuộc hát then thăng hoa mà ứng tác các sự vật hiện tượng diễn ra trong cuộc sống thường ngày hoặc ca ngợi về tình yêu lứa đôi. Trong lễ “Kin pang then” của đồng bào Thái trắng ở thị xã Mường Lay, hát then bao giờ cũng có múa phụ hoạ để chỉ đường và tả lại cảnh vật trên đường Then xuống trần gian dự lễ.

Thực tế cho thấy, tỉnh Điện Biên hiện nay có khoảng 5 nghệ nhân biết hát then sinh hoạt ở các đội văn nghệ huyện Điện Biên, huyện Mường Chà, thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay. Mỗi đội văn nghệ có nghệ nhân nòng cốt phụ trách, tuổi đời các nghệ nhân từ 60 đến 80 tuổi đều đã già yếu. Đa số những nghệ nhân này đều nắm được các làn điệu hát then nhưng chỉ hoạt động có tính vụ việc, chủ yếu hát phục vụ tại các lễ hội của cộng đồng và du khách. Việc truyền dạy nghệ thuật hát then cho lớp trẻ gặp nhiều khó khăn bởi một phần con cháu đồng bào các dân tộc đa số không mặn mà lắm với môn nghệ thuật này vì không làm ra tiền, mặt khác các làn điệu then đều là cổ nên rất ít người có thể thuộc và diễn xướng. Phần nữa, việc ruộng nương, học hành và những bận rộn, lo toan thường ngày đã làm các thế hệ trẻ dần xa rời với môn nghệ thuật dân gian này.

Hát then bao giờ cũng có cây tính tẩu đệm cùng, tiếng đàn và cách diễn tấu là chất men để cho người nghệ nhân hát thăng hoa. Đến nay, số người biết sử dụng và chế tác cây đàn tính ở Điện Biên chỉ đếm trên đầu ngón tay (nhất là trong lĩnh vực chế tác), nguy cơ không còn người chế tác đàn tính tinh xảo và chuẩn mực về âm thanh là rất lớn. Có thể kể tên một số nghệ nhân như Mào Văn Ết, Hoàng Thím, Lò Văn Ơn, Lò Hải Vân, Bế Văn Thụ... Nhưng giờ đây các nghệ nhân này đã cao tuổi (hầu hết kinh tế nghèo và già yếu), con cháu của các ông không muốn theo nghề cha vì nghề này không có thu nhập tài chính như những việc làm khác.

Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nhất là xây dựng bản làng văn hoá, gia đình văn hoá ở Điện Biên đã và đang được lãnh đạo các cấp các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, một tiêu chí cơ bản để xây dựng bản làng văn hoá là có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên.

Đa số các làn điệu hát then được xuất hiện trong chương trình văn nghệ của các xã, bản có đồng bào Thái sinh sống. Đặc biệt, chú trọng khuyến khích các lớp trẻ biểu diễn các tiết mục hát then, dùng đàn tính và nhạc cụ dân tộc để đệm cho các bài hát, điệu múa tại các chương trình biểu diễn văn nghệ, các lễ hội làng bản hoặc những buổi sinh hoạt văn hoá cơ sở. Hát then là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, có nét đặc trưng riêng cần được lưu giữ, bảo tồn và tiếp tục phát huy.

Trong chương trình văn hoá có mục tiêu những năm tới, Sở Văn hóa - Thể thao & Du Lịch tỉnh cần chú trọng đề xuất Dự án nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu hát then, làn điệu đàn tính trên toàn tỉnh để lưu giữ. Vì từ trước đến nay chưa được ghi chép hay ghi âm cụ thể thành bản nhạc, đĩa nhạc do không có kinh phí đầu tư riêng cho lĩnh vực này.

Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần phối hợp với các huyện, thị xã có hát then, đàn tính xây dựng đề án nghiên cứu, sưu tầm đồng bộ loại hình nghệ thuật này nói riêng và văn hoá các dân tộc nói chung. Trung tâm Văn hoá tỉnh nên tổ chức định kỳ có thể 2 năm hoặc 3 năm một lần về Liên hoan hát then, đàn tính luân phiên tại các huyện, thị xã có hát then - đàn tính.

Hát then được lưu truyền qua nhiều thế hệ cùng với sự giao thoa của thời gian, không bị “biến dạng”, “đồng hoá” trước nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, đến nay hát then, đàn tính có nguy cơ bị mờ nhạt và biến mất nếu như ta không có kế hoạch lưu giữ, bảo tồn và phát huy một cách cụ thể và đúng đắn. Số nghệ nhân hát then và sử dụng đàn tính ở tỉnh Điện Biên còn lại rất ít, đều đã già yếu, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Rất mong nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng, có kế hoạch giúp đỡ về tài chính và có Dự án đầu tư riêng cho hoạt động này, có chế độ, chính sách phù hợp trong việc bồi dưỡng, động viên kịp thời các nghệ nhân, hạt nhân về luyện tập, truyền đạt tri thức của họ đối với thế hệ trẻ và người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu có giá trị.

Bài, ảnh: Hồng Lanh
Bình luận
Back To Top