Cuộc trở mình của các hãng phim nhà nước

00:00 - Chủ Nhật, 24/04/2016 Lượt xem: 2320 In bài viết
Liệu công cuộc cổ phần hóa có góp phần giải quyết khó khăn cho các hãng phim nhà nước làm ăn thua lỗ?

Cần một cuộc cách mạng cho các hãng phim nhà nước. Ảnh trong phim Sống cùng lịch sử

Hãng Phim truyện Việt Nam vừa chính thức công bố cổ phần hóa. Đây là hãng phim nhà nước thứ hai thực hiện chủ trương này, dù kế hoạch cổ phần hóa đã lập ra cách đây 10 năm.

Có tất cả 5 hãng phim nhà nước nằm trong lộ trình cổ phần hóa: Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện 1, Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam.

Sau khi có chủ trương cổ phần hóa các hãng phim từ năm 2003, đến năm 2005, cổ phần hóa được coi là phương án giúp các hãng phim nhà nước thoát ra khỏi khủng hoảng.

Năm 2009, Hãng Phim truyện 1 là đơn vị đầu tiên tiến hành cổ phần hóa, tuy nhiên, tới giờ, hãng vẫn phải sống nhờ các đơn đặt hàng nhỏ giọt của Nhà nước. Từ năm 2014 tới nay, hãng chỉ sản xuất 2 phim truyện điện ảnh "Về miền thương nhớ", "Trên đỉnh bình yên" do Cục Điện ảnh đặt hàng (được chiếu vài lần trong những tuần phim kỷ niệm), sản xuất 1 phim truyền hình cho Đài Truyền hình Việt Nam.

Hãng phim nhà nước thứ ba chuẩn bị cổ phần hóa là Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, đơn vị duy nhất của nhà nước sản xuất phim hoạt hình cho thiếu nhi đang chuẩn bị bán cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán ngày 27/4 tới.

Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam được thành lập từ năm 1959, trước đây là Xưởng phim Hoạt hình trực thuộc Cục Điện ảnh Việt Nam. Đây là đơn vị chuyên nghiệp duy nhất của Việt Nam sản xuất phim hoạt hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục cho thiếu nhi. Hãng phim còn được biết đến với các sản phẩm phim hoạt hình (2D, 3D, cắt giấy), phim truyện thiếu nhi và liên kết chiếu phim cho các trường mầm non, mẫu giáo.

Được biết, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam sẽ bán đấu giá công khai 589.804 cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tương ứng với 11% vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa. Mức giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần.

Việc cổ phần hóa Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam được chú ý bởi hãng phim sở hữu diện tích "đất vàng" gần 1.000 m2, trong đó có rạp chiếu phim Thánh Gióng gồm 2 phòng chiếu 150 chỗ và 75 chỗ ngay tại vị trí đắc địa số 7 Trần Phú, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Đây là cụm rạp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chuyên chiếu phim hoạt hình và nằm trên một trong những con đường đẹp nhất ở trung tâm Hà Nội.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, chiếu phim hoạt hình, phát hành phim qua các kênh, bán, tài trợ phim thiếu nhi với doanh thu khoảng 70% thì hãng còn nguồn thu nhập từ hoạt động cho thuê mặt bằng làm văn phòng và cửa hàng, các dịch vụ khác.

Theo bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, sau khi các hãng phim nhà nước được cổ phần hóa, cơ chế đặt hàng tác phẩm sẽ không phân biệt hãng phim, hay đạo diễn, miễn là dự án đó đúng định hướng, ngoài ra các hãng phim được đặt hàng phải có năng lực phát hành.

Không thể phủ nhận các hãng phim nhà nước đã tạo nền móng, tạo thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam. Và tới thời điểm này, các hãng phim nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Tuy nhiên, tài sản của một hãng phim ngoài đất đai, thương hiệu, còn là con người, là trí tuệ... Hãng Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa với cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy, nắm giữ 65% vốn điều lệ. Sự lựa chọn này đã khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, các hãng phim khi chọn cổ đông chiến lược thì ít nhất phải là các công ty truyền thông có hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, hoặc các hãng phim tư nhân... Nếu cổ đông chiến lược không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật  hoặc không có mục đích sản xuất phim thì sẽ không có tiếng nói chung với những người trong nghề.

Việc xóa đi khoảng cách giữa nhà nước và tư nhân, các nhà làm phim đều có chung một nhận định phim nào cũng đều làm để chiếu cho công chúng khán giả thì dù là phim nhà nước hay tư nhân thì cũng chung một con đường là ra rạp. Vì vậy, phải bảo đảm tính nghệ thuật, sự hấp dẫn cho một bộ phim. Sự hấp dẫn làm nên doanh thu phòng vé, còn tính nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn trong phim.

Liệu cổ phần hóa các hãng phim nhà nước có mở ra bầu không khí mới khiến điện ảnh Việt hấp dẫn và thu hút khán giả hơn hay không với những bộ phim có chất lượng nghệ thuật? Câu trả lời đang ở phía trước với những tín hiệu sáng từ cuộc trở mình của điện ảnh nước nhà.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top