Cần có tinh thần khoa học và nhân văn

00:00 - Chủ Nhật, 08/05/2016 Lượt xem: 2662 In bài viết
Cuối tháng 4-2016, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”.

Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận khi ban tổ chức đã chuẩn bị khá công phu, mời đại diện một số nhà văn, nhà lý luận phê bình các vùng miền về Hà Nội tham gia và ấn hành tập sách kỷ yếu đồ sộ Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu dày 528 trang khổ lớn.

Thành công của cuộc hội thảo quốc gia này đã được dư luận nói tới nhiều. Lần đầu tiên những đóng góp của thế hệ nhà văn sau năm 1975 được chính thức ghi nhận và tôn vinh. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đến dự khai mạc hội thảo và phát biểu: “Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ Đổi mới nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là những người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu, tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mỹ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc”.

Sách kỷ yếu “Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu” chủ yếu đề cập các nhà văn Hà Nội và miền Bắc.

Tại phiên bế mạc hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng dành những mỹ từ như “đổi mới mạnh mẽ về nội dung và nghệ thuật”, “chủ lực hiện nay trên văn đàn”, “nghiêng mình” trước thành quả sáng tạo của thế hệ nhà văn sau năm 1975. Ông cũng cho rằng sứ mệnh của thế hệ nhà văn chống Mỹ đã kết thúc, trọng trách nền văn học hiện nay thuộc về những lớp nhà văn kế cận, nhất là những nhà văn trưởng thành ngay sau Đổi mới…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, qua hội thảo quốc gia này tôi nhận thấy một số vấn đề cần phải trao đổi.

Đất nước đã thống nhất 41 năm, thế hệ những nhà văn xuất hiện và trưởng thành sau năm 1975 rất đông đảo, có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử văn học của đất nước. Thế hệ nhà văn này gồm nhiều nguồn lực khác nhau: có những người sáng tác từ trong chiến tranh nhưng sau năm 1975 mới khẳng định được giá trị của mình, có những người trải qua chiến tranh nhưng sau ngày hòa bình mới bắt đầu cầm bút và đông nhất vẫn là các lớp nhà văn mới xuất hiện từ khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới từ năm 1986 cho đến nay. Vì vậy, việc hội thảo chỉ tập trung phản ánh về các tác giả và tác phẩm xuất hiện chủ yếu từ sau Đổi mới là không hoàn toàn sát với chủ đề “Thế hệ nhà văn sau 1975”.

Cũng vì lấy cột mốc năm 1975 nên diện mạo và khái niệm về thế hệ nhà văn Việt Nam cũng khác. Nếu như trước đây chúng ta định danh thế hệ nhà văn chống Pháp và chống Mỹ, hoặc thế hệ nhà văn yêu nước ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, thì sau ngày đất nước hòa bình ngoại trừ một bộ phận nhỏ các nhà văn Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, còn lại toàn bộ nền văn học Việt Nam là một thực thể thống nhất. Mặc dù Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm văn học lớn, thu hút đông đảo các tài năng văn chương về sinh sống và sáng tác, nhưng hai thành phố này cũng không phải là đại diện cho cả nền văn học Việt Nam sau năm 1975.

Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức là cuộc hội thảo quốc gia, nhưng chủ yếu xoay quanh các nhà văn ở Hà Nội và một số nhà văn ở các tỉnh thành khác của miền Bắc. Trong tập sách kỷ yếu hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu do NXB Hội Nhà văn ấn hành cũng phản ánh rõ điều đó. Tập sách gồm hai phần với dung lượng ngang nhau. Phần thứ nhất có tiêu đề Một số vấn đề lý thuyết và lịch sử văn học mang tính lý luận, tuy có đề cập tổng quan văn học cả nước sau năm 1975 nhưng chủ yếu vẫn là ở Hà Nội và miền Bắc. Trong khi phần thứ hai là Một số vấn đề tác giả và tác phẩm lại hầu như chỉ phản ánh các nhà văn ở Hà Nội và miền Bắc, duy nhất chỉ một tác giả ở phía Nam được nói tới là một nữ nhà văn của Thừa Thiên - Huế.

Tại phiên thảo luận tiểu ban thơ vào cuối hội thảo, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH - NV TPHCM) có lý khi phát biểu rằng, đây là hội thảo văn học quốc gia nhưng chẳng hiểu sao chỉ đề cập tới Hà Nội và phía Bắc, trong khi Huế là một trung tâm văn hóa và văn học đáng chú ý ở miền Trung, còn TPHCM luôn là một trung tâm lớn có một đời sống văn học sôi động, quy tụ nhiều nhà văn tài năng các thế hệ có sách xuất bản số lượng lớn gây cơn sốt đối với bạn đọc, đóng góp quan trọng cho nền văn học cả nước… Ý kiến của nhà lý luận phê bình Đoàn Lê Giang được nhiều đại biểu ở hội thảo đồng tình.

Từng tham gia tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm nên tôi thấu hiểu công việc tổ chức một cuộc hội thảo mang tầm quốc gia như “Thế hệ nhà văn sau 1975” là đầy khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, chủ đề cuộc hội thảo rất mới, nhằm ghi nhận, khẳng định và tôn vinh cả một thế hệ nhà văn lao động sáng tạo là không hề đơn giản. Tuy vậy, đối với nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ cần phải bao quát, chính xác, khách quan và công tâm, nếu không dễ rơi vào phiến diện và một chiều. Bởi nói đến thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975 là nói đến tác phẩm và tác giả cả nước chứ không riêng vùng miền hay tỉnh thành riêng nào đó. Và nói đến một thế hệ nhà văn là nói đến nhiều phong cách, trường phái khác biệt chứ không riêng gì những nhà văn được gọi “cách tân”.

Câu chuyện về cuộc hội thảo làm tôi nhớ cách đây gần một năm, ngay trước Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020, nhà văn lão thành Trần Thanh Giao đã cảnh báo sự thiên lệch trong hoạt động văn học khi ông cho rằng hội của cả nước mà như hội của… miền Bắc. Chẳng những ông mà nhiều nhà văn khác ở phía Nam cũng nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên, trong đợt kết nạp hội viên mới đây thì chủ yếu cũng lại là ở Hà Nội và miền Bắc, còn giải thưởng thường niên năm 2015 thì hoàn toàn vắng bóng tác phẩm của các nhà văn phía Nam. Và những tin tức mới đây về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng tương tự…

Đất nước đã thống nhất 41 năm, nhưng làm cách nào để lòng người hội tụ về một mối, trong đó có đời sống hoạt động sáng tạo và nghiên cứu văn học, là điều mà những người có trách nhiệm và ngay trong giới văn học cần phải suy nghĩ và thận trọng khi ứng xử. Tư duy thiển cận vùng miền là đi ngược tinh thần khoa học và nhân văn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top