Tấm ảnh đôi dép cao su

00:00 - Chủ Nhật, 08/05/2016 Lượt xem: 2610 In bài viết
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, có một loại trang bị gắn bó mật thiết với những người thoát ly hoạt động cách mạng trong vùng giải phóng, đặc biệt hơn đối với người chiến sĩ Quân giải phóng, đó là đôi dép cao su. Ở miền Nam người ta còn gọi là “dép râu”. Người lính chúng tôi còn tự trang bị thêm một chiếc rút quai dép bằng kim loại, có người vót bằng tre hoặc nứa…

Ngày 30-4-1975, Phòng Bảo vệ an ninh - mật danh M5 - thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (B2), cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị chúng tôi được phân công tiếp quản Cục An ninh quân đội ngụy ở số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.

Không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi lao ngay vào công việc, mỗi người mỗi việc tùy theo chức năng của từng bộ phận nhưng đều tập trung vào nhiệm vụ khai thác ngay những tài liệu của địch bỏ lại không kịp đem đi cất giấu, tiêu hủy. Đây là loại chiến lợi phẩm quý giá nhất, phải đổi bằng bao máu xương của đồng đội mới có được! Những tài liệu này còn giúp cơ quan an ninh sử dụng kịp thời trong đánh địch trước mắt và lâu dài. Tôi được phân công vào bộ phận thu gom tài liệu, chúng tôi xác định ngay nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng, chú ý lục soát, thu thập, phân loại ngay cho bộ phận nghiên cứu, làm thứ tự, cuốn chiếu, thận trọng, tỉ mỉ không bỏ sót chỗ nào!

Tấm ảnh đôi dép cao su dưới ống kính của người bên kia chiến tuyến.

Hôm sau, tôi làm đến phòng của Vũ Đức Nhuận - Chuẩn tướng, Cục trưởng Cục An ninh quân đội Sài Gòn. Căn phòng rộng khoảng 30m², chiếc bàn gỗ kê dưới chân bức tường đối diện với cửa ra vào, trên tường có phù điêu một con đại bàng hung dữ. Bên phải ghế, sát góc nhà có một chiếc két sắt cao khoảng 1,5m; bề ngang cỡ gần 1m. Nhìn qua cũng có thể xác định chiếc két sắt này rất kiên cố, sẽ chứa nhiều tài liệu quan trọng, có giá trị cho công tác nghiệp vụ đấu tranh, phòng chống địch (!).

Chúng tôi không nỡ phá chiếc két, muốn sau này sẽ dùng để cất giữ nhiều tài liệu của cơ quan, các đồng chí của bộ phận kỹ thuật có “thâm niên trong việc mở khóa” cũng bó tay. Cuối cùng phải vào Chợ Lớn mới tìm được người mở.

Vũ Đức Nhuận bỏ chạy khỏi nhiệm sở chỉ trước ngày 30-4-1975, bộ quân phục gắn lon chuẩn tướng một sao còn nguyên nếp ủi thẳng tấp ở trên cột treo áo nơi góc phòng. Trên bàn làm việc của y còn mấy quyển sổ ghi chép công việc hàng ngày.

Bên trái ghế ngồi của Nhuận có một đống ảnh đổ vào góc phòng. Hình như đã có ai đó lục soát trước chúng tôi (!?). Họ thấy không phải là đồ quý nên đã vứt lại. Tôi nhìn vào đống ảnh, thấy khuôn mặt thân quen, họ là thành viên của hai đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) trong Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương. Lục tìm trong đống ảnh, tôi thấy có tấm hình của chính mình, đầu đội mũ cát cứng, đính quân hiệu Quân giải phóng, khuôn mặt gầy gò, mắt nhìn thẳng về phía kẻ đã chụp tấm ảnh này. Tôi bỗng phì cười vì tên nhân viên an ninh quân đội ngụy ấy giờ chắc đang lo sốt vó sợ bị cách mạng trả thù. Cả hệ thống tâm lý chiến khổng lồ của Mỹ ngụy ngày đêm nhồi nhét vào đầu óc bọn xâm lược và bè lũ tay sai về “một cuộc tắm máu” sẽ diễn ra!...

Tôi bỗng nhớ lại giọng điệu tuyên truyền bôi nhọ những chiến sĩ Quân giải phóng của những chiếc loa, những tờ truyền đơn mà bọn tâm lý chiến vẫn rêu rao: “Bảy tên Việt cộng bám cọng đu đủ không gãy!”. Khi tôi có dịp vào Sài Gòn tham gia Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong một lần vào trụ sở Ủy ban quốc tế ở đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2, quận 10), nhiều người dân đến gần chúng tôi để nhìn cho rõ, họ đã chẳng ngại gì bọn cảnh sát, mật vụ vây quanh cứ trầm trồ khen: “Việt cộng đẹp vầy mà họ dám nói bảy người bám cọng đu đủ không gãy! Thiệt là xạo!”.

Đang mải suy nghĩ về những trò tâm lý chiến rẻ tiền ấy thì tôi lật ra có một tấm ảnh không thấy khuôn mặt nào thân quen, chỉ thấy khẩu súng AK47 và đôi chân người chiến sĩ Quân giải phóng được chụp từ phần đùi trở xuống. Như vậy, ý đồ của tác giả bức ảnh muốn cho người xem thấy được khẩu súng AK47 và đôi dép cao su. Tôi đoán chắc người chụp phải ấn tượng lắm với hai thứ trang bị của người chiến sĩ cách mạng. Khẩu súng là vũ khí bảo vệ mình, tiêu diệt kẻ thù. Còn đôi dép cao su gắn bó với người lính trên khắp các chiến trường, nâng bước cho chúng tôi vượt qua chông gai, đạn bom để đến tận sào huyệt của chúng. Chúng tôi coi đó là đôi hài vạn dặm, đã đưa chúng tôi đi suốt từ Bắc vào Nam, vượt đỉnh Trường Sơn, băng qua bưng biền vào tới thành đô Sài Gòn để làm nhiệm vụ thi hành hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris)…

Tôi nghĩ chắc tác giả bức ảnh đã có dịp chứng kiến những hình ảnh kiêu hùng của người chiến sĩ Quân giải phóng năm Mậu Thân, dấu dép cao su ấy đã in trên các cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, trên các đường phố, trên đường băng Tân Sơn Nhất… đã để lại dáng đứng Việt Nam của hàng vạn người con cách mạng làm rung chuyển cả thế giới lúc đó! Người chụp bức ảnh này hẳn đã phải đối mặt với các đồng đội của tôi, chứng kiến sự can trường của họ trước sức chống trả quyết liệt của kẻ thù. Tiếng súng AK47 nổ giòn và bước chân người chiến sĩ Quân giải phóng với đôi dép cao su độc đáo làm cho Mỹ ngụy bạt vía kinh hồn. Từ những dấu ấn đặc biệt đã tác động đến người cầm máy, để đến khi gặp lại chủ đề là người lính cách mạng công khai hiên ngang đứng trên đường băng Tân Sơn Nhất, tác giả mới không bỏ lỡ dịp ghi lại cận cảnh khẩu súng AK47 và đôi dép cao su.

Tôi đã giữ lại tấm ảnh này để kỷ niệm một thời đạn bom, một thời máu lửa, một thời dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Hôm nay, tôi muốn tặng bạn đọc và đặc biệt là các bạn trẻ tấm ảnh về khẩu súng AK47 và đôi dép cao su huyền thoại do tác giả là người của bên kia đặc tả hai loại trang bị đã gắn bó thân thiết với người lính cách mạng giúp họ có đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top