Phim chuyển thể - Cú hích cho điện ảnh Việt

00:00 - Thứ Ba, 10/05/2016 Lượt xem: 2617 In bài viết
Thời gian qua, hàng loạt những bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học đã gây chú ý với khán giả ái mộ điện ảnh. Nhiều bộ phim đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả đón nhận nhiệt liệt.

Hòa chung dòng chảy

Phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học không mới đối với điện ảnh Việt. Từ thời kỳ phim đen trắng, đã có nhiều tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển: Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bến không chồng... Về sau này, dòng phim chuyển thể được nối tiếp với nhiều tác phẩm cũng xuất sắc không kém: Thời xa vắng, Đừng đốt, Tuổi thơ dữ dội, Mùa len trâu, Long thành cầm giả ca...

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Phim chuyển thể đã tạo thành một dòng chảy đặc biệt ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử hình thành và phát triển của phim Việt. Và dòng chảy ấy tiếp tục cho đến ngày hôm nay, hòa chung với xu hướng đã và đang rất thịnh hành trên thế giới.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây khi điện ảnh Việt phát triển cả về số lượng và chất lượng thì những bộ phim chuyển thể cũng khẳng định được chỗ đứng riêng biệt, hầu hết đều là những bộ phim có chất lượng đáng khen, thậm chí gặt hái những thành công lớn về doanh thu.

Đáng chú ý nhất phải kể đến trường hợp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ sau khi ra mắt khán giả vào cuối năm 2015 làm nức lòng khán giả. Ngoài doanh thu ấn tượng khoảng 80 tỷ đồng, phim còn được vinh danh Bông sen vàng tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2015, Cánh diều bạc 2015, Phim hay nhất LHP quốc tế Phúc Châu Silk Road lần thứ 2 và mới đây nhất là giải thưởng tại LHP quốc tế thiếu nhi thuộc LHP Toronto (TIFF).

Ngoài ra, các phim chuyển thể trong thời gian gần đây như: Quyên (từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ), Hương Ga (từ tiểu thuyêt Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú), Người trở về (từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh), Nước 2030 (dựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Cuộc đời của Yến (từ kịch bản Vàng - Đá của biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh dựa trên cuộc đời thật của bà nội cô)... cũng là những tác phẩm rất đáng khen ngợi.

Người trở về - một bộ phim chuyển thể đầy xúc động.

Riêng Cuộc đời của Yến đã mang về cho Thúy Hằng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam 19 hay giải Đạo diễn xuất sắc cho Đinh Tuấn Vũ tại Cánh diều 2015, cùng hàng loạt các giải phụ khác. Mới đây nhất, tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Cô gái đến từ hôm qua cũng chính thức công bố sẽ được chuyển thể thành phim do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn.

Dễ mà khó

Đạo diễn Victor Vũ khi thực hiện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từng tâm sự: “Tôi rất hào hứng với dự án này. Đó là sự trở về với những khởi nguồn điện ảnh của chính bản thân. Nó khiến tôi nhớ lại những câu chuyện cũ của gia đình, giúp tôi quay ngược thời gian trở lại những ngày còn sinh viên, khi đang tập tành làm những phim ngắn”.

Đó cũng là cảm xúc của Phan Gia Nhật Linh: “Tôi muốn vẽ lại giấc mơ đẹp ấy trên màn ảnh rộng với tất cả những rung động đầu đời”.

Riêng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong dự án chuyển thể thứ hai, ông mong muốn: “Nhìn thấy một phần của mình ở đâu đó trong các diễn viên của phim. Bộ phim sẽ là chiếc vé khứ hồi trở về thời niên thiếu của tôi”.

Điều đó cho thấy, mạch ngầm liên kết đầu tiên và rất vững chắc giữa những đạo diễn, các tác phẩm văn học mà họ quyết định chuyển thể lên màn ảnh rộng bắt đầu từ cảm xúc. Họ dường như nhìn thấy bóng dáng của mình ở trong đó hay chí ít, câu chuyện mang đến rất rung cảm sâu sắc.

Cảnh tuyết trắng đẹp nao lòng trong Quyên - bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Nhưng các tác phẩm văn học chỉ là sự khởi đầu chứ không hẳn là yếu tố quyết định đến thành bại của bộ phim, bởi việc chuyển thể này đòi hỏi nhiều yếu tố. “Dĩ nhiên một tác phẩm văn học hay sẽ cho kịch bản điện ảnh chất liệu tốt, nhưng việc từ một nền tảng ban đầu để phát triển thành một kịch bản phim hay còn là một hành trình dài. Nhìn vào lịch sử điện ảnh, chúng ta cũng từng thấy nhiều bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học hay nhưng chưa chắc gì đã là một kịch bản hay”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thừa nhận.  

Từ tác phẩm văn học, đến kịch bản phim, ra đến hiện trường, hoàn thành tác phẩm là một quá trình dài đòi hỏi người đạo diễn phải dồn vào đó rất nhiều tâm huyết. Để có một Quyên với bối cảnh tuyết trắng bao phủ tuyệt đẹp tại Đức, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từng bị cho là “điên rồ” khi mang hơn 50 con người lên đỉnh núi tuyết lạnh và cao nhất nước Đức để quay phim. Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền cho hay Người trở về được chuẩn bị kịch bản từ năm 2014, mất 3 tháng quay phim, lại là phim nhựa 35mm nên thời gian làm dài gấp 3 các phim điện ảnh bình thường.

Thực tế cho thấy, không phải bộ phim chuyển thể nào cũng thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại, thậm chí nhiều tác phẩm sau khi ra mắt nhanh chóng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kịch bản phim đang là bài toán khó các tác phẩm văn học vẫn là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà sản xuất, đạo diễn.

“Tôi không biết đó liệu có là xu hướng được yêu chuộng của điện ảnh Việt thời gian tới không, nhưng hẳn là các tác phẩm văn học hay sẽ tạo nên cảm hứng cho các nhà làm phim, cũng như cho họ một niềm tin rằng tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ đó sẽ thu hút một lượng độc giả nhất định của tác phẩm gốc”, đạo diễn Nhật Linh chia sẻ.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top