Vinh danh những người hy sinh vì Tổ quốc

00:00 - Thứ Ba, 10/05/2016 Lượt xem: 2304 In bài viết
Đúng dịp thế giới kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít Đức, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã ra mắt vở "Và nơi đây bình minh yên tĩnh" (tác giả: A.Uxtjugov, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn B.Vaxiliev) vào tối 8-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây cũng là vở diễn sẽ tham gia vào Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3, năm 2016.

Từ một trong những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh nổi tiếng thế giới bước lên sân khấu, câu chuyện đầy cảm xúc đã đưa khán giả Thủ đô ngược dòng thời gian, không gian và khoảng cách địa lý để đến với nước Nga xa xôi và anh dũng kiên cường đầu thế kỷ XX, để hình dung về cuộc chiến đấu, sự hy sinh cao cả của những người lính Hồng quân. 

Cảnh trong vở "Và nơi đây bình minh yên tĩnh".

Một tiểu đội pháo cao xạ, đa phần là nữ, được thành lập để bảo vệ vùng trời Karelia. Giữa những ngày tháng khốc liệt, họ đã sát cánh bên nhau, dũng cảm chiến đấu. Họ sống với ký ức về tình yêu, hạnh phúc gia đình và đều lạc quan về tương lai. 

Rồi một ngày, khi phát hiện lính Đức xuất hiện ở gần nơi đóng quân, người chỉ huy đã dẫn năm chiến sĩ nữ vào rừng để ngăn chặn âm mưu phá hoại của bọn phát xít. Nhưng họ không ngờ phải đối mặt với một lực lượng đông gấp nhiều lần và được trang bị vũ khí mạnh gấp bội. Một cô gái được cử về xin tiếp viện đã không bao giờ trở lại vì bị chết đuối giữa đầm lầy, nhóm còn lại dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chỉ còn lại người chỉ huy sống sót với những vết thương khắp mình.

"Và nơi đây bình minh yên tĩnh" đã khắc họa thành công không chỉ sự dũng cảm của các nữ chiến binh, mà còn cho thấy, sự hy sinh của họ. Trong chiến tranh, phụ nữ phải chịu đựng khó khăn gian khổ nhiều nhất. 

Trong cuộc chiến chống phát xít Đức, có hơn 300.000 phụ nữ chiến đấu ngoài mặt trận và vở kịch "Và nơi đây bình minh yên tĩnh" là một sự ghi nhận chiến công của họ. Có biết bao người lính trẻ, những người chưa một lần làm mẹ, làm vợ, vẫn dũng cảm tạm gác hạnh phúc cá nhân để lên đường chiến đấu, thậm chí còn khai tăng tuổi để được ra chiến trường. Và dù khó khăn, khốc liệt đến mấy, họ vẫn vượt lên bằng tình yêu Tổ quốc, bằng ý chí kiên cường. Người xem như thấy những bóng dáng thân quen của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước.

Đại tá, NSƯT Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội chia sẻ: Chọn một tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh, nhất là một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc rất gần gũi với người Việt Nam, chúng tôi mong muốn cùng thế hệ trẻ vượt qua thời gian để hiểu thêm những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước và từ đó cũng thấy được giá trị của hòa bình. 

Một vở kịch về một sự kiện trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức xa xôi ở nước Nga, cũng chính là bài ca vinh danh tất cả những người đã hy sinh cuộc sống cho tự do của quê hương. 

Trong bối cảnh hiện nay, vở diễn mong muốn chuyển đến người xem những nhắc gợi về lòng yêu nước, nhắc nhở công chúng về tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vở kịch còn có ý nghĩa góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị lâu bền giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top