Mùa vàng của sách lịch sử Việt Nam

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 2319 In bài viết
Được đánh giá là loại sách kén bạn đọc, nhưng hiện thể loại sách có nội dung về lịch sử đang nhận được sự chú ý của bạn đọc và cả giới chuyên môn, tiêu biểu là việc hai bộ sách “Lịch sử Việt Nam” và “Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam” được vinh danh trong giải thưởng Sách hay do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

Đa dạng sách lịch sử

Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn là cuốn sách có nội dung phản ánh một phần lịch sử đất nước do Công ty Nhã Nam thực hiện đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Đây vốn dĩ không phải là tác phẩm nghiên cứu về lịch sử đơn thuần, tác phẩm là tuyển tập các bài viết của 4 nhà báo, nhà văn Pháp đến Việt Nam vào những năm từ 1925 đến 1935, giai đoạn quan hệ Việt - Pháp đang đến thời kỳ căng thẳng nhất. Các bài viết của họ gồm nhiều vấn đề, từ chính trị, xã hội đến ẩm thực, văn hóa…

Một số đầu sách lịch sử xuất hiện trên thị trường.

Người đọc sẽ thấy một đất nước Việt Nam của một thời hiện lên đầy chi tiết, cụ thể như việc miêu tả các hàng quán ở Sài Gòn khi đó, cuộc sống của người dân ở Hạ Long, thói quen sinh hoạt của đô thị chớm hình thành… Như lời nhận xét của người dịch, trong những bài viết, có mặt này mặt khác còn phiến diện, chủ quan nhưng điều đáng trân trọng ở đây là lòng mến yêu, sự thông cảm và quan tâm sâu sắc đến nỗi thống khổ của nhân dân ta, nêu ra tội ác của chế độ thực dân trong giai đoạn cao trào của khai thác thuộc địa khi đó.

Trước cuốn sách trên, tác phẩm Xứ Đông Dương (tên tiếng Pháp là L’Indo-Chine francaise: Souvenirs) cũng có nội dung thời kỳ Pháp thuộc đã gây tiếng vang lớn khi được xuất bản. Đây vốn dĩ là hồi ký của Joseph Athanase Paul Doumer (1857 - 1932), Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 - 1902 và là Tổng thống Pháp từ năm 1931 tới 1932.

Tác giả ở vai trò đặc biệt khi đó miêu tả đất nước Việt Nam dưới tâm lý của một kẻ thống trị, chuẩn bị khai thác nên đã có những sự tập trung chú ý về những vấn đề địa lý, khí hậu, sản vật và nhất là con người. Đặc biệt, do chuẩn bị cho sự cai trị nên tác giả có những đánh giá, nhận xét rất kỹ lưỡng về các nhân vật lịch sử, các yếu tố xã hội.

Khác với hai tác phẩm trên, bộ sách Góc nhìn sử Việt lại có hình thức thể hiện khác biệt. Đây là một dự án dài kỳ, dự kiến xuất bản 100 cuốn sách về các nhân vật lịch sử Việt Nam, đến nay đã thực hiện được 31 cuốn.

Bộ sách thực tế là tuyển tập các tác phẩm viết về những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng quan trọng như Hoàng đế Quang Trung, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Nữ tướng thời Trưng Vương, Cần Vương Lê Duy Mật kháng Trịnh, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... Đáng chú ý là những người thực hiện bộ sách không chủ động thực hiện từng tác phẩm như các bộ sách sử khác mà chọn lọc tác phẩm hay nhất, tốt nhất từng viết về nhân vật lịch sử để tái bản. Chính vì thế, nhiều tác phẩm vốn được xuất bản từ rất lâu, có trước 1975, thậm chí trước 1945 được những người thực hiện tìm lại từ Thư viện Quốc gia, Viện Viễn Đông bác cổ, các kho tàng sách xưa cũ… Nhiều nguyên tác dù có giá trị cao nhưng cách hành văn ngày xưa gây khó cho bạn đọc hiện nay nên đã phải chỉnh sửa cho phù hợp.

Sự hấp dẫn của sách lịch sử mới

Không chỉ có những tác phẩm nêu trên, dòng sách có nội dung về lịch sử đất nước mới xuất bản còn có rất nhiều tác phẩm khác như sách về thời chiến tranh chống Mỹ, sách về thời bao cấp… nhưng điểm chung mang lại sức hấp dẫn cho những tác phẩm đều nằm ở chỗ các tác phẩm trên tái hiện lịch sử theo những cách mới, gần gũi và hấp dẫn hơn.

Điển hình như hai bộ sách Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn và Xứ Đông Dương vốn dĩ không phải là tài liệu nghiên cứu lịch sử, hoàn toàn phản ánh quan điểm, cái nhìn cá nhân của mỗi tác giả ở vào một thời điểm lịch sử cụ thể. Đó cũng chính là điểm mang lại sự hấp dẫn của tác phẩm khi đưa người đọc thoát ra khỏi yếu tố lịch sử, hòa mình vào khung cảnh, câu chuyện mà tác giả muốn đề cập đến.

Điều này cũng giống như sự thành công của các tác phẩm tự truyện vừa qua của các tác giả vốn là người lính viết về chiến tranh. Sức hấp dẫn đến từ những chi tiết cá biệt, những góc khuất, những nét riêng mà chỉ có tác giả có dịp chứng kiến. Như trong Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn, đoạn miêu tả cuộc phỏng vấn trực tiếp với Phan Bội Châu bên bờ sông Hương của tác giả Louis Roubaud (1884-1941) vào một ngày tháng 7-1930 khiến người đọc có cảm giác như đang đối diện với nhà chí sĩ yêu nước năm đó. Đây là điều mà các tác phẩm nghiên cứu lịch sử truyền thống không thể tạo ra được đối với bạn đọc. Ngay với bộ sách Góc nhìn sử Việt, do có nhiều cuốn nặng về viết sử nên những người thực hiện cũng đã tìm cách làm mềm đi bằng tác phẩm dã sử như Bóng nước hồ Gươm.

Dĩ nhiên, với một dạng tác phẩm sẽ có những vai trò riêng. Những tác phẩm lịch sử giàu chi tiết, nét riêng đồng nghĩa thiếu đi cái nhìn tổng quát, chịu ảnh hưởng từ sự đánh giá chủ quan của tác giả. Chính vì vậy, ở mỗi tác phẩm, trong phần mở đầu đều chú ý bạn đọc đến việc tác phẩm mang nặng tính chủ quan và khuyến khích người đọc tham khảo thêm nhiều góc độ qua các tác phẩm khác.

Thế nhưng, dù vẫn còn nhiều hạn chế cũng không thể phủ nhận việc xuất bản ngày càng nhiều những tác phẩm viết về lịch sử dân tộc với hình thức thể hiện mới lạ, có sức hấp dẫn riêng đã thu hút không ít bạn đọc đến với sách sử, từ đó góp phần không nhỏ mang đến sự quan tâm, yêu mến lịch sử đất nước, dân tộc.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top