Để bản văn hóa thực sự văn hóa

00:00 - Thứ Sáu, 13/05/2016 Lượt xem: 2699 In bài viết
ĐBP - Để đạt danh hiệu văn hóa, theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ dân phố, thôn, bản cần đạt nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn như: Thu hút 40% trở lên số người dân tham gia hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng. 70% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tỷ lệ hộ gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh đạt chuẩn, cao hơn mức bình quân chung…

Người dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên múa hát trong ngày hội văn hóa.

Trong những tiêu chí trên, khó nhất là thực hiện tiêu chí về môi trường. Tiêu chí đặt ra là vậy song không ít khu phố, thôn, bản văn hóa vẫn duy trì tập quán lạc hậu, thả rông gia súc, nuôi nhốt trâu, bò gần nhà hoặc dưới gầm sàn. Đến thăm bản văn hóa Ta Lếch, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, hầu hết các gia đình trong bản chưa có nhà vệ sinh làm ảnh hưởng đến môi trường sống sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt là người dân bản Ta Lếch vẫn có thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn không chỉ mất vệ sinh mà còn ô nhiễm không khí. Ông Lường Văn Vinh, người có uy tín tại bản Ta Lếch, cho biết: Ta Lếch có hơn 100 hộ với trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú. Mặc dù bản đạt danh hiệu văn hóa song từ lâu đồng bào dân tộc Khơ Mú đã duy trì nhiều thói quen, tập tục lạc hậu. Trong quy ước, hương ước của bản đã đề ra quy định không nuôi, nhốt vật nuôi dưới gầm sàn, có công trình vệ sinh riêng nhưng thực tế không phải hộ nào cũng thực hiện được. Và để quy ước, hương ước thực sự phát huy hiệu quả, thì không chỉ cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động mà cả sự hỗ trợ của chính quyền. Bà con mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn…

Việc nuôi nhốt gia súc dưới gần sàn không chỉ ở bản Ta Lếch mà vẫn còn phổ biến ở nhiều bản văn hóa ở huyện Tuần Giáo. Thực hiện chương trình xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với nội dung bảo vệ sức khỏe người dân, những năm gần đây, huyện Tuần Giáo đã tích cực thực hiện các phong trào, đặc biệt là việc di dời chuồng trại chăn nuôi cùng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn. Các trưởng thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ việc cần thiết phải làm nhà vệ sinh, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, mỹ quan. Song do đa số các hộ còn nuôi, nhốt gia súc dưới gầm sàn điều kiện kinh tế khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, không có đất chăn thả hoặc dựng chuồng trại.

Để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là tại các thôn, bản đã đạt danh hiệu văn hóa, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về môi trường để mỗi người dân, hộ gia đình gắn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Mặt khác, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố cũng nên rà soát chặt chẽ những trường hợp đăng ký đạt chuẩn văn hóa của các thôn, bản để tránh tình trạng xét duyệt nhầm đối tượng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Toàn tỉnh hiện có hơn 900 thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, chiếm 52% số thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh. 473/1.776 thôn, bản, tổ dân phố được gắn biển tên. Ở các tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, việc xây dựng hương ước, quy ước được ngành Tư pháp phối hợp và ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai thường xuyên. Các hương ước, quy ước thực hiện theo quy trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tế, vẫn còn nhiều tổ dân phố, thôn, bản văn hóa chưa đạt hết các tiêu chí văn hóa, đặc biệt là về môi trường. Sau khi được công nhận danh hiệu văn hóa, do tập quán sinh hoạt lâu đời của bà con, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng cao nên nhiều hộ không chịu bỏ thói quen nuôi nhốt gia súc, dưới gầm sàn hoặc làm nhà vệ sinh cách xa nơi ở, dẫn đến khó hoàn thiện tiêu chí môi trường. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng, có bản sau khi được công nhận danh hiệu, vẫn nợ lại tiêu chí này.

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ những việc làm nhỏ là góp phần cải thiện đời sống tinh thần của người dân. Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để bà con nhận thức rõ hơn vai trò của phong trào, trong đó là xây dựng các tiêu chí đạt danh hiệu văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân trong việc thực hiện quy ước, hương ước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc được quan tâm và triển khai tích cực. Ngoài ra, sự tuyên truyền tích cực của cán bộ cơ sở, ngành Văn hóa còn tổ chức chiếu phim lưu động với nội dung về xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn làng bản xanh – sạch – đẹp để tác động và dần nâng cao nhận thức cho người dân. Qua những hoạt động này, trào xây dựng đời sống văn hóa sẽ được người dân xây dựng từ những việc làm nhỏ, thiết thực nhất.

Bài, ảnh: An Nhiên
Bình luận
Back To Top