Gặp người “Ra trận”

00:00 - Thứ Hai, 16/05/2016 Lượt xem: 2831 In bài viết
Thấy người viết cuốn nhật ký ấy nhiều lần tại triển lãm, ông nói rằng nếu không có công việc gì hệ trọng, ông muốn đến đây gặp gỡ người xem, biết đâu hội ngộ bè bạn chiến đấu, biết đâu chạm những người bên kia chiến tuyến, biết đâu có thể sống động truyền lại nhiệt huyết của tuổi trẻ xông pha chiến trường, bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

Ở tuổi 66, ông vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt sáng rực sau cặp kính trắng, nụ cười cởi mở, phóng khoáng. Tác giả của những trang viết ấy từng là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây (cũ) rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (sau khi Hà Nội - Hà Tây hợp nhất) và còn là một nhà thơ, nhà văn với hàng chục tập sách. Năm ngoái, ông còn có bài thơ "Ở giữa lòng dân" trưng bày tại triển lãm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dịp này, ông trò chuyện với Đại tá Trần Minh Hân, Trưởng phòng Tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và được biết, bảo tàng đang sưu tầm các hình ảnh, hiện vật thời chiến để tổ chức triển lãm cho công chúng. Vậy là ông nảy ra ý định hiến tặng cuốn nhật ký của mình trong những tháng ngày "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Tác giả Lại Hồng Khánh (thứ tư bên trái) tại triển lãm.

Cuốn nhật ký được Lại Hồng Khánh ghi chép từ ngày đầu tiên lên đường đi B, thẳng hướng ra chiến trường. Ngày 10-1-1970, tròn 20 tuổi, cấp bậc hạ sĩ nhưng chiến sĩ Lại Hồng Khánh đã xác định: "Nơi mà mỗi cuộc đời được tôi luyện trong lửa, mỗi con người tự soi mình rõ nhất trong thử thách nghiêm khắc của chiến tranh, nơi sự sống có nhiều đỉnh cao chói lọi…". Tùy từng điều kiện hành quân mà nhật ký được viết ngắn, dài, liên tục hay cách ngày.

Ông kể rằng, ở những chặng nghỉ trên đường hành quân, đồng đội thường ngả lưng để lấy sức còn ông lại tìm nơi có ánh sáng để viết nhật ký, làm thơ văn ghi lại xúc cảm, suy nghĩ của người lính trẻ. Trong nhật ký, ông viết nhiều về vẻ đẹp quê hương chiêm trũng phía nam quê lụa (Phú Xuyên, Hà Nội), nơi ông sinh ra và lớn lên, viết về người mẹ tảo tần, người cha nhất mực chăm lo giáo dục con cái, viết về chị và hai đứa em nhỏ, về bạn bè trong tuổi thơ đẹp đẽ. Nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là những trang viết ghi dọc cánh rừng Trường Sơn trên đường hành quân, về đồng đội, người chỉ huy, cuộc gặp gỡ thắm tình quân dân. Mỗi trang viết đều ngập tràn lý tưởng, niềm tin vào con đường mình đã chọn.

Cuốn nhật ký dừng lại vào ngày 14-4-1970, khi người lính Lại Hồng Khánh đã hành quân vào đến chiến trường Đông Nam Bộ, nhận nhiệm vụ mới. Sau này, tác giả còn tập hợp với những trang viết thơ văn của mình thời ấy, in cuốn sách "Ghi dọc cánh rừng", tái bản lần thứ hai mà vẫn hết sách.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top