Đề cử thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu

00:00 - Thứ Năm, 19/05/2016 Lượt xem: 3722 In bài viết
Sáng 18-5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) khai mạc Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của MOWCAP tại TP Huế.

Hội nghị kéo dài từ ngày 18 đến 20-5 với 66 đại biểu quốc tế đến từ 16 nước trong khu vực và khoảng 40 đại biểu các ban, ngành Trung ương, địa phương của Việt Nam.

Thơ văn khảm cẩn trên chất liệu gỗ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, hội nghị lần này sẽ xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để công nhận năm 2016 (Trung Quốc - gồm cả Hồng Kông và Macao - có 4 hồ sơ, Hàn Quốc có 2, Malaysia có 2; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1). Việt Nam có 2 hồ sơ đăng ký là Hồ sơ "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế"  và Hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

Trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể MOWCAP lần này còn diễn ra Hội thảo "Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dưới dạng số" vào chiều 20-5.

Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Qua đó, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở di tích cố đô Huế. Trong lịch sử quá trình xây dựng và tu sửa các công trình xưa nay chưa hề có tư liệu nào đề cập việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

Nếu được vinh danh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vị sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế, một điểm đến 5 di sản”.

Huế đã có 4 di sản được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top