Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu

00:00 - Thứ Năm, 19/05/2016 Lượt xem: 2866 In bài viết
Ngày 18/5, tại TP. Huế, Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) đã khai mạc với sự tham dự của 66 đại biểu quốc tế đến từ 16 nước trong khu vực.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị lần này diễn ra đến ngày 20/5 nhằm đánh giá kết quả hoạt động của MOWCAP và các chương trình hoạt động được thông qua tại Hội nghị Toàn thể trước đó; giới thiệu và hướng dẫn thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) về di sản tư liệu; xem xét lại bộ Hướng dẫn về Chương trình Ký ức Thế giới và Bảo vệ di sản tư liệu; bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; lựa chọn, công bố những bộ sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.

Hội nghị cũng sẽ xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 (trong đó, Trung Quốc có 4 hồ sơ, Việt Nam có 2, Hàn Quốc có 2, Malaysia có 2; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1 hồ sơ).

Hai hồ sơ đăng ký của Việt Nam là “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định: Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNESCO trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng các quốc gia trên toàn thế giới để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, trong đó có sáng kiến thành lập Ủy ban Di sản Ký ức Thế giới từ năm 1992 để công nhận và bảo vệ các di sản tư liệu quý giá có nguy cơ bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai, sự khác biệt về địa lý, tôn giáo và nhiều yếu tố khác.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những hoạt động tích cực của Ủy ban Di sản Ký ức Thế giới đã đem lại những kết quả to lớn. Đó không chỉ là việc công nhận, vinh danh các di sản tư liệu vô giá của các quốc gia, dân tộc trong khu vực mà còn là những kế hoạch thiết thực để bảo vệ các tài sản này. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao trình độ quản lý di sản của các tổ chức, cá nhân liên quan, xây dựng nên mạng lưới gắn kết giữa UNESCO với các quốc gia, dân tộc trong khu vực thông qua con đường bảo vệ di sản văn hóa.

Sau gần 40 năm trở thành thành viên chính thức của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản phi vật thể, 4 di sản tư liệu được vinh danh.

Trong khuôn khổ của Hội nghị MOWCAP lần này còn diễn ra hội thảo “Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dưới dạng số” diễn ra vào chiều ngày 20/5.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top