Đất nước – Con người

Trạng lường Lương Thế Vinh

00:00 - Thứ Sáu, 20/05/2016 Lượt xem: 3417 In bài viết
ĐBP - Được đời ví là người thông minh xuất chúng, có chí khí hơn người và tài hoa vượt bậc, cuộc đời và sự nghiệp của Lương Thế Vinh là cuộc đời của một nhân tài đa tài, hiếm thấy trong lịch sử thời phong kiến của nước ta. Đời vua Lê Thánh Tông, ông làm quan các chức: Trực học sĩ viện Hàn lâm, Thị thư, Chưởng viện sự. Ông chẳng những giỏi văn còn giỏi toán nên người đương thời gọi ông là Trạng Lường.

Theo sử sách, Lương Thế Vinh tên chữ là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh năm 1441 ở làng Cao Hương, nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 21 tuổi, Lương Thế Vinh đã đi thi Hương và đậu giải Nguyên khoa Nhâm ngọ (1462). Đến năm 1463, về kinh thi Hội, Lương Thế Vinh đậu thứ hai trong số 44 vị tân khoa. Sau đó là cuộc thi Đình cho 44 vị tân khoa, do đích thân Vua Lê Thánh Tông ra đề thi về “đạo trị nước của các bậc đế vương”. Trong bài làm của mình, Lương Thế Vinh đã trình bày đường lối chính sách của các bậc vua chúa xưa nay, ông mạnh dạn khen chê, nêu điều hay đáng học và thẳng thừng phê phán chỉ ra những điều dở cần tránh, để xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho dân ấm no hạnh phúc. Khi đọc bài văn của Lương Thế Vinh, nhà vua đã phê: “… Không hổ danh là một bài đối sách. Văn càng đọc càng thấy thích thú”, còn các khảo quan thì đánh giá: “Quyển này có học thức, xứng đáng đỗ đầu”, và nhà vua đã cho Lương Thế Vinh đậu Trạng nguyên, đứng đầu 44 vị Tiến sĩ.

Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về tài năng toán học thiên bẩm của mình. Nổi tiếng là nhà giáo dục giỏi, khi ra làm quan, Lương Thế Vinh đã đề nghị nhà vua cải cách việc học hành thi cử, đưa việc giáo dục xuống tận vùng nông thôn, đặc biệt quan tâm đến việc dạy tri thức và đạo đức.

Ông đã biên soạn cuốn “Toán pháp đại thành” dày 160 trang, đây là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Tập sách đã tổng kết những kiến thức toán học ngày đó và cả phát minh của ông; trong đó có cả kiến thức về số học phương pháp đồng dạng, hệ số đo lường, cách cân đong, đo, đếm, định vị, đơn vị… Đặc biệt, bản cửu chương và bàn tính của ông rất thông dụng về sau này. Dân quý mến nên gọi ông là Trạng Lường, tức là ông Trạng giỏi tính toán, đo lường.

Không chỉ giỏi toán, Lương Thế Vinh còn được người đời biết đến như một văn gia nổi tiếng đương thời. Ông có nhiều đóng góp cho văn đàn thời bấy giờ. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao đàn của vua Lê Thánh Tông, chuyên phê bình thơ, từng nhiều lần ngâm họa với vua Lê… Trong “Đăng khoa lục sưu giảng” có viết: “Vua Thánh Tông thấy Thế Vinh là người hay chữ, dùng làm chức Hàn lâm thị thư Chưởng viện. Tất cả giấy tờ giao thiệp với nhà Minh, tự tay Thế Vinh soạn thảo. Người Trung Hoa phải chịu nước Nam có tay văn chương giỏi”. Sử sách ghi lại cho biết, nhiều áng văn bang giao do Lương Thế Vinh soạn thảo có lời lẽ khôn khéo, sắc sảo, đã giải quyết được rất nhiều rắc rối xảy ra ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cứu nguy nhiều phen cho nước nhà. Song đáng tiếc là di văn của ông đã bị thất truyền từ lâu.

Lương Thế Vinh nổi tiếng là người thanh liêm và rất cương trực, không chấp nhận những cái xấu xa của xã hội, nhất là chốn quan trường. Một con người sống trong chế độ quân chủ nhưng quyết sống đời sống kẻ sĩ của người quân tử. Cuối đời, Lương Thế Vinh về trí sĩ ở quê nhà và soạn cuốn “Thích điển giáo khoa Phật kinh thập giới”, chú giải hai tác phẩm Nam tông tự pháp đồ và Thiền môn giáo khoa của sơ Thường Chiếu đời Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh được đời đời truyền tụng.

An Biên
Bình luận
Back To Top